Phát triển du lịch gắn với tuyên truyền về biển, đảo, lịch sử quê hương

30/04/2018 - 11:32

BDK.VN - Vừa qua, có dịp tham gia Tuần lễ Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực biển Thạnh Phú lần I-2018 và Tọa đàm “Xây dựng sản phẩm du lịch Thạnh Phú”, tôi được nghe nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đơn vị lữ hành và cả của lãnh đạo địa phương nhằm định hướng phát triển du lịch Thạnh Phú trong tương lai.

Lãnh đạo tỉnh, huyện điều hành Tọa đàm “Xây dựng sản phẩm du lịch Thạnh Phú”. Ảnh: Hạnh Linh

Lãnh đạo tỉnh, huyện điều hành Tọa đàm “Xây dựng sản phẩm du lịch Thạnh Phú”. Ảnh: Hạnh Linh

Góp một góc nhìn, từ vai trò của một giảng viên đại học, từ góc độ nhà trường, trong bài viết ngắn này tôi đề xuất mô hình phát triển du lịch kết hợp với công tác giáo dục nhận thức về biển, đảo, lịch sử quê hương. Đây là mô hình chưa được các bên có liên quan dành sự quan tâm đúng mức vì chưa nhận ra ý nghĩa tích cực và tính hiệu quả của nó.

Nhìn lại lịch sử, do có chiều dài bờ biển khoảng 25km, ở ven biển, ven sông là những dải dừa nước, rừng ráng nên trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ cứu nước, Thạnh Phú đã trở thành căn cứ an toàn của quê hương Bến Tre Đồng khởi nói riêng và Khu 8 nói chung. Tại địa bàn Thạnh Phú, có nhiều cơ quan, bệnh viện, công binh xưởng, trường học… được lập lên phục vụ cho cách mạng.

Ngày nay, cùng với các dấu tích khác (cũng đều là những bến cảng, lạch sông…) còn lại trên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, Thạnh Phú cũng đang vươn mình cùng nhịp đổi mới của đất nước.

Công viên Nghĩa trang “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã được xây dựng tại hai xã Thạnh Phong và Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú). Đây được xem là địa chỉ đỏ, giúp giáo dục lòng yêu nước của lớp trẻ.

Thạnh Phú còn có Khu di tích Đầu cầu tiếp nhận chi viện vũ khí Bắc Nam thuộc xã Thạnh Phong, gồm vàm Khâu Băng, cồn Bửng, cồn Lợi, cồn Lớn.

Hiện nay, công tác giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, về tài nguyên biển đảo… đang rất cần có những hình thức tuyên truyền mới nhằm đạt hiệu quả cao thay vì chỉ đơn thuần là những hoạt động truyền thông rập khuôn.

Thiết nghĩ, huyện Thạnh Phú có thể kết hợp với ngành giáo dục huyện và tỉnh tổ chức các chương trình hoạt động ngoại khóa ngoài giờ lên lớp là các chuyến thăm của học sinh, sinh viên đến Thạnh Phú tìm hiểu về các địa điểm căn cứ cách mạng như đã kể trên.

 Việc tăng cường tính hiện diện về biển đảo quê hương trong các hoạt động dạy và học như mô hình này có thể mang lại tính thực tiễn cao hơn các bài giảng lý thuyết có phần khô khan. Qua hoạt động trải nghiệm này, học sinh, sinh viên dễ tiếp cận với các kiến thức về tiềm năng biển đảo, kinh tế biển đảo, chủ quyền biển đảo, du lịch biển đảo…

Nếu mô hình thành công, sẽ có thể mở rộng quy mô là đón tiếp các đoàn học sinh, sinh viên từ các tỉnh bạn.

Phát triển du lịch gắn với phát triển giáo dục, thiết nghĩ, là một việc làm vừa mang ý nghĩa nhân văn vừa đem lại giá trị kinh tế.

Trần Xuân Tiến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN