Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh:

Thạnh Phú phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch

25/06/2018 - 07:02

BDK - Định hướng phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bền vững kết hợp phát triển du lịch, lấy phát triển du lịch làm mũi nhọn thúc đẩy nền tảng nông nghiệp theo hướng bền vững là quan điểm, mục tiêu được Huyện ủy Thạnh Phú xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo tham quan các sản phẩm đặc sản của huyện Thạnh Phú.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo tham quan các sản phẩm đặc sản của huyện Thạnh Phú.

Lấy nông nghiệp làm nền tảng         

Với điều kiện của huyện là địa bàn thuần nông, còn lắm khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn rất cao, kinh tế chậm phát triển, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì vậy, vấn đề đặt ra lúc bấy giờ là cần đổi mới tư duy, tìm ra giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Về điều này, theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), muốn làm được thì trước hết cán bộ, lãnh đạo của địa phương phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển nông nghiệp đa dạng, gắn với thị trường hàng hóa lớn, có chất lượng, giá trị cao. Đồng thời, xác định cho được, cho đúng đâu là tiềm năng, lợi thế của địa phương; đâu là cơ hội để nắm bắt, đón đầu xu thế phát triển trong giai đoạn hội nhập toàn cầu.

nắm đúng xu thế phát triển, Huyện ủy đã nhanh chóng chỉ đạo UBND các cấp phải rà soát, xác định cây, con chủ lực, mô hình hiệu quả để dồn sức, tập trung mọi nguồn lực cho phát triển. Nông nghiệp là nền tảng cho phát triển kinh tế của huyện. Phải xây dựng nông nghiệp huyện trở thành nông nghiệp sạch; đồng thời, hướng đến phục vụ cho phát triển du lịch. Phát triển du lịch là mũi nhọn, động lực để kích thích, thúc đẩy nông nghiệp có bước phát triển đột phá.

Không hẳn nhiên mà thứ hạng cải cách hành chính của huyện đã vượt lên đứng thứ 2 ngành tỉnh và đứng đầu các huyện, thành phố. Với sự tập trung chỉ đạo, điều hành, sự quyết tâm cao và sự vào cuộc sâu sát của các cấp ủy, cấp chính quyền, lĩnh vực cải cách hành chính được tập trung cải thiện tốt hơn, góp phần quan trọng vào xây dựng môi trường thu hút đầu tư thông thoáng. Môi trường này đã thật sự khơi dậy quyết tâm đầu tư phát triển, làm giàu quê hương của doanh nghiệp (DN) tại địa phương nói riêng, ngoài địa phương nói chung. Điển hình như Công ty TNHH Phân bón hữu cơ Greenfield đã kết hợp người trồng lúa Thạnh Phú chứng nhận hữu cơ cho 100ha, đạt tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ của Mỹ và châu Âu. “Gạo hữu cơ Thạnh Phú hiện khá nổi tiếng ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, được phân phối trên 200 siêu thị của Satrafood và Vissan. Năm 2018, DN sẽ nâng diện tích được chứng nhận trên 200ha”, ông Lâm Anh Tú - Giám đốc sản xuất gạo hữu cơ cho biết.

Ngoài xây dựng thành công chuỗi giá trị đối với cây lúa, huyện đã xây dựng thành công chuỗi xoài tứ quý tại Thạnh Phong, Thạnh Hải, với quy mô trên 200ha. Nhận thấy cơ hội và tiềm năng đầu tư, Công ty TNHH Phân bón hữu cơ Greenfield định hướng trong năm 2018 sẽ tiếp tục tham gia đầu tư vào chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP đối với cây xoài tứ quý.

Huyện cũng đang hình thành chuỗi giá trị đối với con tôm biển, đồng thời khuyến khích người dân phát triển công nghệ nuôi hai giai đoạn để nâng cao năng suất (gấp 5 - 7 lần) so với nuôi truyền thống và nâng cao giá trị con tôm. Để gắn với thị trường, huyện đang tập trung tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào con tôm xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn và gắn kết với nông dân. Đối với cây dừa, huyện cũng đã xây dựng thành công chuỗi dừa ngay từ đầu năm 2018.

Đến nay, kinh tế nông nghiệp - thủy sản huyện chiếm chủ yếu, với trên 50% trong tổng cơ cấu kinh tế của huyện. Huyện phân làm 3 tiểu vùng rõ rệt với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực riêng. Cụ thể, tiểu vùng 1 có cây dừa, cây lúa và chăn nuôi gia súc; tiểu vùng 2 có cây lúa, con tôm với mô hình lúa - tôm thích ứng biến đổi khí hậu; tiểu vùng 3 nổi bật với tôm biển được phát triển theo mô hình công nghệ hai giai đoạn và tôm biển quảng canh.

Du lịch đang vượt lên

Thạnh Phú đang là một “điểm đến” của du lịch sinh thái, thân thiện. Số lượng du khách đến tham quan và doanh thu các ngành dịch vụ tăng mạnh hàng năm. Nhiều dịch vụ tăng trưởng đứng đầu tỉnh như: điện, dịch vụ, viễn thông. Riêng khu du lịch Cồn Bửng, xã Thạnh Hải đã có 13 điểm phục vụ ăn uống, nghỉ dưỡng cho du khách. Một số điểm được DN đầu tư với quy mô khá lớn, có sức chứa trên 500 khách.

Tuần lễ Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực biển mới đây, huyện đã thu hút khoảng 60 ngàn lượt khách, tăng gấp đôi so với lượt khách về dự lễ hội Lăng Ông huyện năm 2017. Du lịch đang trở thành điểm sáng về kinh tế của huyện, thu hút nhiều khách du lịch, đầu tư, thúc đẩy các dịch vụ phát triển. Mục tiêu phát triển du lịch huyện trở thành nơi phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh đang có những bước đi cụ thể, vững chắc, đúng hướng.

Đánh giá chung về kết quả đạt được qua nửa nhiệm kỳ, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trúc Sơn cho rằng: Kinh tế huyện tăng trưởng khá tốt qua cơ cấu và giá trị sản xuất nông nghiệp tăng mạnh, tăng bình quân 4,8%/năm. Nông nghiệp từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh, nuôi trồng tập trung, quy mô và theo các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực. Nhiều dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và cam kết chủ trương, tập trung các lĩnh vực như năng lượng sạch, du lịch, nông nghiệp, hạ tầng. Thu nhập bình quân đầu người đạt ở mức khá cao so với toàn tỉnh, 32 triệu đồng/người/năm. 

Những con số “biết nói” đã chứng minh huyện thực hiện khá tốt theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, đó là tinh thần “hành động” và “tăng tốc”. Trong đó, điển hình là việc thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển mô hình kinh tế tập thể kiểu mới, Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về chuỗi giá trị, Chương trình số 10 của Tỉnh ủy về Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, kiến tạo môi trường thông thoáng thu hút doanh nghiệp về đầu tư vào nông nghiệp và du lịch.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN