Xây dựng quy chuẩn homestay kiểu mới

10/12/2018 - 08:47

Điểm du lịch homestay là các điểm kinh doanh du lịch theo hình thức nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Du khách đến với homestay sẽ cùng sinh hoạt trong gia đình chủ nhà, trải nghiệm các giá trị văn hóa của cộng đồng cư dân địa phương. Toàn tỉnh hiện có 31 cơ sở kinh doanh loại hình du lịch này, tập trung ở các huyện Châu Thành, TP. Bến Tre, Chợ Lách, Giồng Trôm. Ngành chức năng đang tiến hành xây dựng các quy chế, tiêu chuẩn để đánh giá và quản lý các homestay, góp phần đảm bảo chất lượng du lịch tỉnh nhà.

Du khách xem đổ bánh xèo tại điểm homestay Duyên Quê ở xã Nhơn Thạnh (TP. Bến Tre). Ảnh: Thanh Đồng

Du khách xem đổ bánh xèo tại điểm homestay Duyên Quê ở xã Nhơn Thạnh (TP. Bến Tre). Ảnh: Thanh Đồng

Cần có tiêu chuẩn chung

Hoạt động của các homestay ở Bến Tre xuất hiện từ năm 2000 đến nay nhưng hầu hết mang tính tự phát, do người dân tự đầu tư, thực hiện, xây dựng theo chủ quan. Theo ghi nhận thực tế cho thấy, các homestay mới hình thành và hoạt động những năm gần đây thì có nhiều đầu tư hơn về xây dựng cảnh quan, chú trọng hơn đến yếu tố sinh thái, gần gũi thiên nhiên để đáp ứng nhu cầu của khách. Hiện có hai xu hướng làm homestay là: một là bố trí bungalow riêng trong khuôn viên vườn nhà để khách nghỉ, hai là bố trí phòng nghỉ cho khách ngay trong nhà chủ. Các vật liệu xây dựng hiện tại cũng đa dạng, chủ yếu vẫn đề cao tính mộc mạc, tự nhiên như gỗ, mây, tre, lá, gạch tàu…

“Chủ yếu cách làm vẫn là tận dụng khuôn viên vườn nhà đang ở và đầu tư, chỉnh sửa thêm để đón tiếp du khách. Nhưng đòi hỏi của khách ngày càng cao hơn về tiện nghi, vệ sinh thì nhiều nơi mình chưa đáp ứng được”, ông Huỳnh Minh Ý, chủ homestay Quốc Phương (Châu Thành) cho biết. Vấn đề đặt ra là dù các homestay cũng đã đảm bảo được các yếu tố cơ bản nhưng do chưa có một quy chuẩn chung nào nên các homestay chưa bật lên được đặc trưng của du lịch xứ Dừa. Đồng thời, ngành chức năng cũng chưa có cơ sở nào để đánh giá chất lượng homestay cho xác đáng.

“Hoạt động phần lớn các homestay chưa đáp ứng nhu cầu của du khách đến trải nghiệm loại hình du lịch cộng đồng tại tỉnh”, ông Trương Quốc Phong - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá. Chính vì vậy, khi ngành chức năng đưa ra thảo luận về bộ quy chuẩn homestay kiểu mới đã được nhiều đại biểu là chủ các homestay, các chuyên gia trong ngành đồng tình. Ông Huỳnh Minh Ý, chủ homestay Quốc Phương (Châu Thành) nói: “Nếu bộ quy chuẩn được xây dựng thành công thì các chủ homestay sẽ có cơ sở để đánh giá điểm homestay của mình, từ đó làm cho hoàn thiện và tốt hơn”.

Đề cao nét riêng xứ Dừa

Ông Trương Quốc Phong cho biết, bộ quy chuẩn homestay kiểu mới được làm theo tiêu chuẩn nhà dân có chỗ ở cho khách du lịch thuê trên quy chuẩn của Tổng cục Du lịch và tham khảo theo tiêu chuẩn ASEAN. Vừa phục vụ du khách chuyên nghiệp vừa có sự kết nối, tạo mối liên hệ hợp tác với các làng nghề truyền thống, phục vụ tốt cho du khách đến tham quan. Các homestay dựa trên nền tảng văn hóa, lịch sử và con người, khai thác du lịch mang đậm tính Nam Bộ để tạo tiền đề cho du lịch cộng đồng Bến Tre phát triển trong thời gian tới. Qua đó, giới thiệu cho du khách các nét đẹp, giá trị văn hóa của làng quê sông nước miệt vườn, tạo ấn tượng tốt để khách lưu lại dài ngày và quay lại nhiều lần để trải nghiệm sản phẩm này, giới thiệu cho bạn bè của họ đến.

Dự thảo bộ quy chuẩn gồm 5 nội dung chính: các tiêu chí đánh giá về vị trí, kiến trúc; trang thiết bị, tiện nghi; dịch vụ và mức độ phục vụ; tiêu chuẩn về người phục vụ và bảo vệ môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, phòng chống cháy nổ. Theo đó, thiết kế kiến trúc được khuyến khích xây dựng theo phong cách đặc trưng của vùng nông thôn xứ Dừa, gần gũi thiên nhiên. Vật liệu xây dựng, trang thiết bị, tiện nghi trong homestay được khuyến khích sử dụng vật liệu gỗ, dừa hoặc mây, tre, lá, thể hiện đặc trưng của xứ Dừa. Góp ý về lựa chọn vật liệu xây dựng, có các ý kiến cho rằng, gỗ dừa tuy có phần bên ngoài rất cứng nhưng phần ruột bên trong lại dễ bị mối mọt. Có thể chọn gỗ dừa để thi công các kết cấu bên trong hoặc dùng để trang trí sẽ bớt hư hại.

Kinh nghiệm từ thực tế của Homestay Út Trinh (Vĩnh Long), một điểm homestay đạt tiêu chuẩn ASEAN mà đoàn cán bộ ngành du lịch cùng các chủ homestay Bến Tre tham quan học tập vừa qua cho thấy, yếu tố vật liệu, kiến trúc xây dựng góp phần rất lớn tạo nên cảm tình cho du khách. Anh Trương Hoàng Khanh - Giám đốc Công ty TNHH TMDV Du lịch Sẵn Sàng -  thị trấn Ba Tri nhận xét: “Homestay Út Trinh được thiết kế dạng nhà xưa Nam Bộ (mái lá vách cây hoặc mái ngói, gạch tàu) nhưng phòng ngủ hay nhà vệ sinh thì được thiết theo xu hướng hiện đại của phương Tây, tạo sự tiện nghi cho khách nhưng cũng rất gần gũi với thiên nhiên và đảm bảo sạch sẽ”.

Tăng cường liên kết

Bên cạnh đó, tăng cường liên kết với các công ty lữ hành, các làng nghề và cộng đồng dân cư cũng là yếu tố quan trọng để homestay hoạt động hiệu quả. Bà Phạm Thị NgọcTrinh - chủ Homestay Út Trinh cho biết, bí quyết của bà trong làm du lịch là liên kết chặt chẽ với các công ty lữ hành, các nhà quản lý và chú trọng chữ tín trong hợp tác giữa các bên.

Các tiêu chí về tính liên kết cũng được đề cập đến trong bộ quy chuẩn. Một số điểm mới để đánh giá chất lượng homestay như: homestay phải có liên kết với các đơn vị lữ hành, kết hợp bán dịch vụ online; có xây dựng chương trình tour, tuyến bổ sung, liên kết với làng nghề truyền thống. Ngoài ra còn có bản đồ xe đạp, mô tô nội vùng và mở rộng các vùng lân cận; có tờ rơi, ấn phẩm riêng để quảng bá thương hiệu.

Bộ quy chuẩn còn yêu cầu homestay phải có giấy chứng nhận nghiệp vụ về: các kỹ năng sơ cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiến thức và kỹ năng phục vụ homestay, Anh văn cơ bản cho nhân viên… Theo kinh nghiệm của bà Ngọc Trinh, việc chăm lo đời sống nhân viên với tinh thần chia sẻ lợi ích, tạo điều kiện cho nhân viên đi học các lớp tập huấn nghiệp vụ nâng cao trình độ, tay nghề, ngoại ngữ chính là một trong các yếu tố góp phần giúp cho homestay hoạt động hiệu quả.

Có một số ý kiến cho rằng ngành chức năng cần cân nhắc khi xây dựng các tiêu chí để không “tự làm khó” mình trong quá trình triển khai thực hiện. Có thể tính toán kỹ để đề ra các tiêu chuẩn nào thì bắt buộc phải có, còn tiêu chuẩn nào thì chỉ là khuyến khích thực hiện để không quá gò ép trong quy định. Ngoài ra, có thể thiết kế rõ ràng thang chấm điểm theo các mức độ để đánh giá các tiêu chí cụ thể và thuận lợi hơn.

Bộ quy chuẩn này được xem là yếu tố để giúp những người kinh doanh homestay làm căn cứ điều chỉnh, sửa chữa, những cái chưa phù hợp, theo hướng cho du khách trải nghiệm, đối với những homestay mới hoặc những hộ dân có nhu cầu kinh doanh loại hình du lịch này sẽ được xây dựng có định hướng rõ ràng hơn. Ngành chức năng cho biết sau khi hoàn thành và công bố bộ quy chuẩn sẽ tiến tới cấp giấy chứng nhận cho các homestay đủ chuẩn.

Thanh Đồng - Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN