Chuẩn bị ra mắt Đoàn Nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh

17/08/2020 - 06:54

BDK - Đoàn Nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh đang có bước chuẩn bị để đưa vào hoạt động. Địa điểm nằm trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh (số 88/1, đường 30-4, Phường 4, TP. Bến Tre). Loại hình nghệ thuật này đưa vào hoạt động không chỉ nối tiếp hoạt động đã từng có cách đây hơn 30 năm ở Bến Tre, mà còn tạo thêm sự phong phú cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của tỉnh.

Một tiểu phẩm múa rối nước do Đoàn Nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh biểu diễn thử nghiệm.

Một tiểu phẩm múa rối nước do Đoàn Nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh biểu diễn thử nghiệm.

Múa rối nước có nguồn gốc từ đồng bằng Bắc Bộ và phát triển ở nhiều vùng miền cả nước; được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hình thức là dùng con rối để diễn kịch trên mặt nước (những con rối biểu diễn nhờ sự điều khiển của những người phía sau phông thông qua hệ thống sào, dây điều khiển). Các hình tượng con rối thường có nhiều màu sắc sặc sỡ, vui tươi, kết hợp âm nhạc, lời thoại, tạo nên sự sinh động, hấp dẫn cho người xem, nhất là các em thiếu nhi, học sinh. Nội dung là những câu chuyện phản ánh đời sống sinh hoạt, phong tục, tập quán của cư dân vùng lúa nước.

Đây là hoạt động do tư nhân tổ chức, được Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh hỗ trợ địa điểm và tạo điều kiện trong giai đoạn đầu mới đưa vào hoạt động. Ông Phạm Tấn Vũ - người quản lý cho biết, mặc dù những con rối được đặt mua tại Làng Rối Việt Nam (Hà Nội) nhưng khi mang về biểu diễn phục vụ tại tỉnh, các hình thức đã được cải biên một phần cho phù hợp. Các tiết mục biểu diễn gắn với hơi thở đời sống người dân Nam Bộ.

Để đảm bảo nghệ thuật múa rối nước đạt chất lượng, doanh nghiệp đã mời nghệ nhân Tiến Hòa làm cố vấn chỉ đạo nghệ thuật. Nghệ nhân Tiến Hòa xuất thân từ diễn viên Đoàn Nghệ thuật cải lương lương Bến Tre (1976 - 1989) nhưng ông lại có đam mê tìm hiểu về nghệ thuật múa rối nước. Sau khi rời đoàn, ông đã theo học lớp đào tạo về nghệ thuật múa rối nước tại Hà Nội. Sau đó, ông làm việc tại Đoàn múa rối nước Hậu Giang, rồi đến Thảo Cầm Viên (TP. Hồ Chí Minh). Năm 1990, ông nhận được lời mời trở về quê nhà làm việc tại Nhà Văn hóa (Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh ngày nay). Khi ấy, Nhà văn hóa có tổ chức hoạt động biểu diễn múa rối nước. Sau thời gian, do điều kiện hạn chế nên hoạt động này dừng lại đến nay. Hiện ông Hòa đã nghỉ hưu và nhận làm cố vấn chỉ đạo nghệ thuật cho Đoàn Nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh. “Biểu diễn múa rối nước khó nhất là kỹ thuật. Những người điều khiển rối phải nắm chắc đường dây cơ bản và phối hợp nhịp nhàng, thể hiện được nội dung câu chuyện, trong đó, khó nhất là múa rồng, múa lân, múa tiên…” - ông Tiến Hòa chia sẻ.

Hiện Đoàn Nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh có gần 10 người tham gia vào thực hành múa rối (hầu hết xuất thân từ diễn viên múa), đang luyện tập theo sự hướng dẫn của nghệ nhân Tiến Hòa. Đoàn đã luyện tập hoàn chỉnh các tiết mục như: Rồng phun lửa - làm mưa chúc phúc, Lân đá bóng sôi động, Múa tiên kết hợp khói màu lung linh huyền ảo, tiết mục Cáo bắt vịt vui nhộn, câu chuyện Vợ chồng đánh cá dí dỏm, hay truyền thuyết về Hồ Gươm, múa tứ linh Long - Lân - Quy - Phụng…

Ngoài các tiết mục đã được luyện tập, Đoàn Nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh cũng đang hướng đến xây dựng những tiểu phẩm mang nét riêng của Bến Tre như: Cuộc đời nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, câu chuyện về Đoàn tàu không số, cùng những câu chuyện thiếu nhi…

Dự kiến cuối tháng 8-2020, đoàn sẽ có suất diễn đầu tiên cho khán giả, biểu diễn vào các buổi tối cuối tuần. Hoạt động giới thiệu sẽ được hướng đến các trường trên địa bàn tỉnh cùng với các công ty lữ hành.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN