Thân thương cải lương

16/03/2018 - 08:05

BDK - Thuộc thế hệ 7X nên tuổi thơ tôi ngoài lời hát má ru đầu nôi còn là những tối say mê ngồi trước màn hình tivi trắng đen coi cải lương hay “đại tiệc” là những lúc đoàn cải lương về xã lưu diễn. Mới đây, có dịp đứng phía sau bức màn nhung của Đoàn Cải lương Bến Tre, trong tôi bỗng dâng lên bao niềm xúc cảm.

Nghệ sĩ hóa trang chuẩn bị cho buổi biểu diễn.

Nghệ sĩ hóa trang chuẩn bị cho buổi biểu diễn.

Quý ở tấm chân tình

“Đoàn cải lương sắp về quê mình diễn nha bà con”. Thông tin của chú Ba Cường, là Bí thư Chi bộ ấp An Thủy, xã An Qui  (Thạnh Phú) đưa ra mấy hôm trước làm bà con không ít người đứng ngồi không yên. Bà Hai Mai, 71 tuổi, rủ người chị cùng xóm Út Kim, 79 tuổi, chuẩn bị cơm nước từ sớm để kêu đứa cháu đưa đi coi hát. Mua vé tổng cộng 40 ngàn đồng cũng không tiếc. Ngồi ở quán nước mía trong lúc chờ đợi, bà Hai Mai cười móm mém: “Bà già rồi nên thường ngủ sớm, nhưng hôm nay vui quá, phá lệ”. Do nôn nao nên hai bà đến từ lúc trời mới chạng vạng, dù biết 20 giờ chương trình mới bắt đầu. Hai đêm liền, đoàn đón hai vị khán giả nhiệt tình như thế. Ngồi gần bà Hai Mai, Út Kim ngoài những cụ già, còn không ít thanh niên, trẻ em đi thành từng nhóm.

Ấp An Thủy có trên 300 hộ, đa số sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản. Phương tiện giải trí không thiếu, nhà nào cũng có tivi, đầu đĩa nhưng để xem nghệ sĩ ngoài đời vẫn là mong muốn của nhiều người. Có lẽ đây là một lý do nuôi sống cải lương trong thời gian qua? Bà Hai Mai nói như trách: “Đoàn đi 3 năm trời mới trở lại. Bà tính đoàn ở diễn mấy ngày, cũng sẽ ráng đi coi hết”. Người chị bạn đi cùng bà Hai gật gật đầu ủng hộ.

Mấy năm mới quay trở lại, anh em nghệ sĩ không mấy khó khăn khi hòa vào nhịp sống với nơi đã từng hết lòng với đoàn. Nghệ sĩ đông, một điểm không đủ thì nhiều nhà dân cùng cho ở miễn phí. Đạo diễn, Phó trưởng đoàn Trần Thanh Hưng cùng mấy anh chị ở tại “chốn cũ” - nhà vợ chồng con gái của chú Ba Cường. Những chiếc võng được giăng mắc bên hiên nhà lồng lộng gió. Cạnh đó là bàn cơm của đoàn đã được chị nuôi chuẩn bị xong với món chính là cá thu kho khóm. Khi tôi đến, mọi người đã ăn uống xong, đang chờ đến giờ diễn. Tiếng loa giới thiệu vở cải lương Qua cơn ác mộng (tác giả Viễn Châu, đạo diễn Trần Thanh Hưng) như thúc giục chân người.

Sân khấu lộ thiên được dựng lên cách đó vài chục mét. Lẩn trong cái lạnh của từng cơn gió chiều là những hạt cát li ti làm rát mặt. Thế nhưng vẫn không cản được nụ cười, sự rạng rỡ của những người có mặt tại đây. Khu đất này trước kia là vuông tôm, chú Ba Cường vừa bơm cát để hiến cho địa phương xây dựng trường học. Tháng sau sẽ khởi công xây dựng. “2.000m2, quy ra khoảng 600 triệu đồng. Cũng nhiều tiền thiệt, nhưng có chỗ gần cho mấy đứa nhỏ học là tui thấy vui rồi”, chú Ba Cường bảo. Không những vậy, lần sau An Thủy sẽ đón đoàn bằng nơi chốn tinh tươm hơn, sạch sẽ hơn. Cái tình, cái nghĩa sẽ làm đoàn biểu diễn thăng hoa hơn.

Cố gắng làm mới mình

19 giờ 30, anh chị em nghệ sĩ thoăn thoắt mỗi người một phần việc cuối để bước vào đêm diễn. Tôi chợt nhớ lời anh Hưng: “Mọi người đã quen việc rồi”. Điều kiện, sân bãi ít nhiều hạn chế nhưng họ vẫn lạc quan, đùa vui với nhau. Hòa theo tiếng nhạc, người thì lẩm nhẩm ca theo, người thì tìm ánh sáng ưng ý để ngắm lại đôi chân mày vừa kẽ xong. Làn hơi nghệ sĩ ngân vang nghe muốn… rụng tim.

Họ cũng tranh thủ thời gian trống ít ỏi để chia sẻ về nghề, về khán giả, về những nơi đã đi qua. Các xã, phường đều đã in dấu chân của các anh chị. “Các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long hầu như không còn bán vé, họ làm theo hợp đồng để hoàn thành chỉ tiêu phục vụ, chỉ Bến Tre là còn bán vé được”, anh Hưng chia sẻ. Năm 2018, đoàn sẽ diễn 50 suất phục vụ, 50 suất có doanh thu. Điều khiến anh Hưng tự hào là dàn nghệ sĩ kế thừa khá trẻ trung và đồng đều về thanh, sắc. Tất cả đến với nghệ thuật cải lương bằng niềm đam mê cháy bỏng. Đó cũng là động lực để họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để hết mình với cái nghiệp “tằm nhả tơ”. Trường hợp của anh Hưng, gia đình 8 anh chị em không có ai theo cải lương, mỗi mình anh tốt nghiệp Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (TP. Hồ Chí Minh) niên khóa 1992 - 1995. Anh cũng là một trong hai đạo diễn của đoàn hiện nay.

Nếu trước đây những lúc cần dựng vở mới, phải mời đạo diễn từ TP. Hồ Chí Minh thì sau này đoàn... “chơi lớn” khi cử Trần Thanh Hưng đi học khóa đạo diễn (2006 - 2010). Đạo diễn còn lại của đoàn là Trần Tuấn Linh cũng đã hoàn tất khóa cao đẳng, đang học đại học. “Cây nhà lá vườn nhưng không bình thường”. Bởi, trong đội ngũ 35 người, đoàn có gương mặt gạo cội Khánh Dũng, Như Thủy hay tên tuổi từng đình đám với cuộc thi Chuông vàng vọng cổ Võ Thị Trí, Lê Minh Hảo, cùng dàn diễn viên trẻ Quế Hương, Lê Diệu Hiền, Thy Lan, Quốc Quang… Gần đây, đoàn có 2 nghệ sĩ đến từ tỉnh bạn đầu quân, là Phương Trinh ở Tiền Giang, Chí Danh ở Trà Vinh. Diễn viên trẻ là lợi thế, song đa số còn diễn theo năng khiếu, do vậy, lãnh đạo đoàn sẽ chú trọng đến việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho anh em.

19 giờ 45, nghệ sĩ Khánh Dũng đã trang điểm xong. Anh là người mở màn bằng một ca khúc trong chương trình ca nhạc đầu giờ trước khi đoàn diễn vở. Có hơn 30 năm theo nghề, sở trường của anh, theo đồng nghiệp nhận xét, là “vai gì cũng làm được”. Các diễn viên bình tĩnh làm nốt các phần việc của mình. Vẫn là câu nói quen thuộc: “Quen rồi”. So với thời trước, giờ các anh chị có phần sung sướng hơn nhiều, dù đi xa nhà nhưng vẫn có thể nói chuyện hằng đêm với người thân. Lúc này đây, công nghệ thông tin đưa người ta lại gần nhau hơn. Như nữ diễn viên Thy Lan vừa trang điểm vừa chát với cậu con trai nhỏ của mình.

Màn mở. Dẫu chưa hết số lượng 300 vé chuẩn bị nhưng tất cả đều háo hức chào đón đêm diễn. Hoạt động chuyên nghiệp nên hễ khoác vào bộ trang phục diễn, các anh chị gác lại phía sau bao muộn phiền, lo toan. Đời nghệ sĩ rày đây mai đó nhưng họ đã nguyện một đời như tằm rút ruột nhả tơ. Hết ngày rồi lại đến đêm, cánh màn sân khấu làm phận sự của nó cũng đã mở ra biết bao câu chuyện thú vị. Trong hành trình mải miết đi về hướng tương lai, tôi tin sẽ có nhiều, nhiều đứa bé nuôi dưỡng tâm hồn, trưởng thành từ sự trong trẻo, ngọt ngào của cải lương, từ sự nỗ lực của các anh chị hôm nay...

Bài, ảnh: K.Minh

Chia sẻ bài viết
Từ khóa cải lương

BÌNH LUẬN