Nhà văn hóa đa năng

02/10/2009 - 13:09
Trao chứng chỉ sơ cấp nghề nề.

Chỉ là nhà văn hóa xã, nhưng hoạt động ở đây không chỉ thu hút người tại xã mà cư dân ở các xã lân cận cũng đến dự các lớp đào tạo nghề ngắn hạn như: sửa xe hon da, thi bằng lái xe A1, kỹ thuật nông nghiệp, thợ xây dựng, nấu ăn…

Cổ phần nhà văn hóa
Năm 2003, xã xuất kinh phí mua 2.800 m2 đất (trên 142 triệu đồng), huyện giúp xây dựng nhà sân khấu khoảng 220 triệu đồng, tỉnh trang bị 200 ghế, thiết bị âm thanh, karaoke… thành lập nhà văn hóa. Phương tiện vật chất cơ bản khá đầy đủ nhưng sau đó 6 tháng, Nhà văn hóa xã Tân Phú, huyện Châu Thành hầu như chỉ có… cái vỏ. Bộ máy điều hành nhà văn hóa bấy giờ cồng kềnh và hầu hết thành viên kiêm nhiệm.
Nhận thấy bộ máy kiêm nhiệm không thể hoạt động hiệu quả, lãnh đạo xã quyết định bổ nhiệm anh Võ Văn Tiệp, Trưởng Ban VHTT xã làm chủ nhiệm. Nhận chức vụ mới, anh Tiệp phải rời ghế trưởng Ban VHTT và tự “bào” để có “định suất” lương hàng tháng cho mình. Anh mời những anh em có năng khiếu hoạt động văn hóa, ham thích nghề thành lập ban chủ nhiệm. Tất cả thành viên ban chủ nhiệm đều là người ngoài biên chế cán bộ xã. Nhiệm kỳ ban chủ nhiệm là ba năm. Kinh phí cho hoạt động, ban chủ nhiệm tự cân đối thu, chi; không xin và nộp ngân sách. UBND xã không cấp gì thêm cho hoạt động Nhà Văn hóa.
Để có kinh phí, anh Tiệp kêu gọi tám thành viên ban chủ nhiệm góp cổ phần, 3 triệu đồng/thành viên. Ngoài góp vốn cổ phần, các thành viên ban chủ nhiệm còn đóng góp 58 triệu đồng tráng bê-tông sân nhà văn hóa, xây cổng rào, làm sân pa-tin. Nguồn thu của nhà văn hóa, hàng tháng trích 30% chi trợ cấp cho thành viên ban chủ nhiệm, 20% tích lũy trả vốn, 50% còn lại sử dụng cho hoạt động thường xuyên. Chi phí cho hoạt động thường xuyên cũng được cụ thể trên công việc thực tế. Nhiệm kỳ đầu (2003-2006), Nhà văn hóa trợ cấp hàng tháng cho ban chủ nhiệm, người thấp nhất 300.000 đồng và người cao nhất 600.000 đồng. Nhiệm kỳ hiện tại (2006-2009), Ban chủ nhiệm cải tiến việc chi kinh phí, tạo điều kiện cho các thành viên “sống được” bằng cách trả tiền công nhật: Thành viên có điều công về Nhà văn hóa, 55.000 đồng/ngày; đi công tác được thanh toán công tác phí 40.000 đồng/ngày. Những người trực tiếp làm việc tại Nhà văn hóa, ngoài chế độ điều công việc, còn được khoán 50% huê hồng (như thu hồ sơ thi lái xe, hưởng 2.000đ/hồ sơ).


Ca nhạc tài tử-cải lương.

Hoạt động đa năng
Trong tình thế xóa bao cấp, Ban chủ nhiệm Nhà Văn hóa Tân Phú phải tìm ra cho mình những hoạt động vừa tập hợp được người dân, vừa tạo được nguồn thu cho hoạt động. Bước đầu, Ban chủ nhiệm thành lập các câu lạc bộ sở thích như: câu lạc bộ cờ tướng, thể dục dưỡng sinh, hoạt động văn nghệ như một số nhà văn hóa xã ở các địa phương khác. Sau một thời gian, nhận thấy những hoạt động này chưa đáp ứng nhu cầu của người dân ở nông thôn, Ban chủ nhiệm thành lập thêm câu lạc bộ thông tin khoa học, công nghệ để sinh hoạt kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi, trồng cho nông dân.
Như “gãi đúng chỗ ngứa” câu lạc bộ thông tin khoa học thu hút rất đông nhà vườn đến tham gia trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, phòng, chữa bệnh cho cây ăn trái; kỹ thuật cho cây chôm chôm, sầu  riêng cho trái nghịch vụ; các kỹ thuật sản xuất trái cây an toàn, chất lượng, rồi đến việc xây dựng vườn nhà thành điểm du lịch sinh thái cũng được câu lạc bộ sôi nổi bàn luận. Hiệu quả là, đến dịp tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) hàng năm, rất đông khách du lịch đến với các vườn cây ăn trái an toàn, chất lượng.
Từ thành công của câu lạc bộ thông tin khoa học, Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa mở thêm các câu lạc bộ khác như: câu lạc bộ ca nhạc tài tử, câu lạc bộ võ thuật Vovinam. Những câu lạc bộ này không chỉ thu hút đông đảo người dân trong xã mà còn tạo được nguồn thu qua hoạt động như: Câu lạc bộ võ thuật Vovinam mở rộng việc huấn luyện, dạy võ đến các xã Thành Triệu, Phú Túc và huyện Chợ Lách, tạo được nguồn thu cho hoạt động. Điểm nổi bật của câu lạc bộ võ thuật Vovinam ở đây là đã đào tạo nên nhiều kiện tướng, đoạt giải cao ở khu vực ĐBSCL và câu lạc bộ võ thuật này là tiền thân của câu lạc bộ võ thuật Vovinam của tỉnh. Câu lạc bộ đàn ca tài tử cũng tạo được nguồn thu qua việc phục vụ văn nghệ.
Ngoài những câu lạc bộ vừa thu hút người dân đến với nhà văn hóa vừa có thu, Nhà văn hóa xã Tân Phú còn có những dịch vụ hợp đồng với các cơ sở đào tạo mở các lớp ngắn hạn như: dạy  thi lấy bằng lái xe A1; dạy sửa xe gắn máy; dạy nghề thợ nề (thợ xây dựng); dạy nấu ăn, trồng cây kiểng…
Tại lễ bế giảng lớp sơ cấp nghề nề, khóa III-2009 của Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi phối hợp với Nhà văn hóa Tân Phú tổ chức, hầu hết anh em học viên đều trải qua xây nhà, công trình lớn, anh Nguyễn Thanh Bình (ngụ ở xã Phú Túc, huyện Châu Thành), lớp trưởng cho biết: “Lớp học đã trang bị thêm cho học viên kiến thức xây dựng, nắm được kỹ thuật xây dựng chất lượng, an toàn. Qua lớp này, người thợ đã đọc được bản vẽ thiết kế công trình”.
  Ông Võ Hoàng Bá, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú nhận xét: “Hoạt động của Nhà văn hóa mang lại hiệu quả trên nhiều lĩnh vực xã hội như: vui chơi giải trí gắn liền với văn hóa truyền thống. Câu lạc bộ còn giúp người dân trong và ngoài xã có cơ hội vươn lên, nhiều hộ có cuộc sống khá, giàu nhờ trải qua các lớp đào tạo nghề, kiến thức canh tác nông nghiệp…
 

 Toàn tỉnh có 50/161 xã, phường có nhà văn hóa, nhưng hầu hết chỉ hoạt động cầm chừng hoặc chỉ dành cho hội họp. Nguyên do: xã không có kinh phí và người phụ trách không năng động, sáng tạo nhiều loại hình thu hút cư dân tham gia, tự tạo được nguồn kinh phí cho hoạt động.
(Nguồn Văn phòng Sở VH-TT&DL Bến Tre)

Bài, ảnh: L.T.N

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN