Quảng cáo ngoài trời được quản lý đúng quy định

15/11/2011 - 17:34

Khi kinh tế, đời sống càng phát triển thì nhu cầu quảng cáo cũng tỷ lệ thuận, đặc biệt là quảng cáo ngoài trời - trên bảng, biển, hộp đèn, pa-nô, màn hình điện tử, màn hình LCD… Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của các loại hình quảng cáo này có thể làm phát sinh những vấn đề bất cập mới, làm cho công tác quản lý Nhà nước về quảng cáo gặp những khó khăn. Ông Huỳnh Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) trao đổi cùng phóng viên Báo Đồng Khởi về vấn đề này, như sau:

 

* Thưa Phó Giám đốc, ông đánh giá thế nào về tình hình quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong những năm gần đây?

- Quảng cáo nói chung và quảng cáo ngoài trời nói riêng là nhu cầu thiết thực của xã hội phát triển. Những năm gần đây, đặc biệt từ khi cầu Rạch Miễu đưa vào sử dụng, nhu cầu quảng cáo trên địa bàn tỉnh Bến Tre tăng. Hình thức quảng cáo cũng có đổi mới, bắt mắt hơn. Quảng cáo ngoài trời có 2 lĩnh vực là phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ kinh doanh. Lĩnh vực phục vụ nhiệm vụ chính trị được thực hiện với các hình thức như pa-nô, băng-rôn cổ động, kêu gọi nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị hoặc đưa ra một số chương trình không nhằm mục đích sinh lời. Các chương trình cổ động chủ yếu do cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp thực hiện nên tương đối chặt chẽ, đáp ứng được yêu cầu về nội dung, tính thời sự, hình thức phù hợp, góp phần làm đẹp đường phố, tạo không khí vui tươi trong dịp lễ, tết, kỷ niệm những sự kiện lịch sử… Trong quảng cáo thương mại, số lượng, nhu cầu quảng cáo của người dân ngày càng tăng lên. Thời gian qua, Sở VHTT&DL cấp rất nhiều giấy phép, trong đó chủ yếu là các hình thức: hộp đèn, băng-rôn, trạm chờ xe buýt, bảng tol gắn ở nơi sản xuất... Riêng pa-nô quảng cáo tấm lớn (100m2 trở lên) còn rất ít. Quảng cáo băng-rôn thường gắn với các hoạt động như khai trương, hội chợ thương mại, lễ hội.

Nhìn chung, quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua tương đối tốt, có nhiều tiến bộ về nội dung, hình thức và thực hiện đúng quy định của Nhà nước về quảng cáo. Qua đó, đã góp phần làm cho bộ mặt thành phố, thị trấn có nhiều sắc màu, giới thiệu đến người tiêu dùng các loại sản phẩm, kích thích tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh ngày càng tốt hơn.

 

* Để có giấy phép cho bảng quảng cáo ngoài trời, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục, quy trình như thế nào thưa ông?

- Một hồ sơ yêu cầu cấp giấy phép quảng cáo đối với hàng hóa, dịch vụ thông thường gồm: đơn xin cấp giấy phép thực hiện quảng cáo; bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; bản sao giấy tờ chứng minh sự phù hợp của hàng hóa với tiêu chuẩn và kỹ thuật theo quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa; mẫu sản phẩm quảng cáo. Hồ sơ nộp được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở VHTT&DL và trong thời gian 5 ngày, Sở sẽ cấp giấy phép quảng cáo. Ngoài ra, đối với hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực y tế thì ngoài các giấy tờ trên, tùy theo loại hàng hóa, dịch vụ quảng cáo cần phải có giấy tiếp nhận của các cơ quan y tế; trong lĩnh vực nông nghiệp cần có thêm: hồ sơ công bố, bản sao tài liệu kỹ thuật, giấy phép lưu hành, chứng nhận kiểm định… Đối với bảng quảng cáo có diện tích trên 40m2 phải có hợp đồng thuê, bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản vẽ thiết kế công trình; thời hạn cấp giấy phép là 15 ngày.

 

* Theo ông, quy trình cấp giấy phép quảng cáo ngoài trời như vậy có rườm rà?

- Thủ tục cấp giấy phép quảng cáo được tỉnh thực hiện theo quy định chung của Bộ VHTT&DL và nhiều năm nay chưa có bổ sung, sửa đổi. Sở đã thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và áp dụng theo tiêu chuẩn ISO, nên tất cả đều được thực hiện đúng quy trình. Chúng tôi thấy quy trình, thủ tục như vậy rất rõ ràng, đầy đủ nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, đối với trường hợp cấp phép lần sau (cho hàng hóa, dịch vụ đã được cấp phép trước đó), trong quy định đòi hỏi phải có hồ sơ như ban đầu là không cần thiết, mà chỉ cần đơn, bản sao giấy phép và mẫu mới để tránh thủ tục rườm rà, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân xin phép quảng cáo.

 

* Dù được quản lý rất chặt chẽ nhưng vẫn còn những mẩu quảng cáo dán bừa bãi ở các nơi công cộng. Theo ông, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?

- Hạn chế rõ nét nhất của quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh hiện nay là các pa-nô, khẩu hiệu, băng-rôn thường được treo ở những điểm chưa được quy hoạch ổn định (trụ điện, trụ đèn), một số trường hợp dựng pa-nô ở góc đường chưa đảm bảo mỹ quan… Về hình thức thì còn có những quảng cáo nghèo nàn, tạm bợ, cả về kích thước, chất liệu. Loại hình quảng cáo tấm lớn, mang tính ổn định còn rất ít (chỉ mới có 2 bảng). Về quảng cáo bằng hình thức tờ rơi, rao vặt hiện không quy định cấp phép. Đây cũng là vấn đề được đặt ra nhiều lần tại các cuộc hội thảo cấp khu vực, cả nước nhưng cách giải quyết như thế nào thì chưa cụ thể. Dù rằng quảng cáo rao vặt là nhu cầu của người dân, nhưng nếu đem dán các mẩu quảng cáo đó một cách bừa bãi ở nơi công cộng, thì dẫn đến mất vẻ mỹ quan, không đúng quy định. Về vấn đề này, Sở VHTT&DL đang bàn với thành phố Bến Tre, để có thể sẽ xây dựng thí điểm một số điểm dành cho quảng cáo công cộng.

 

* Đảm bảo nguyên tắc an toàn, mỹ quan đô thị, phát huy có hiệu quả hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị; đồng thời đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Theo ông, làm thế nào để quảng cáo ngoài trời được thực hiện một cách khoa học hơn?

- Để có được điều này, trước hết người có nhu cầu quảng cáo phải hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật về quảng cáo; phải chú trọng về nội dung và hình thức quảng cáo (đẹp, lịch sự và văn minh). Ngoài việc công bố các thủ tục xin phép quảng cáo để cho người dân biết, Sở VHTT&DL còn có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ để người có yêu cầu quảng cáo thực hiện đầy đủ các quy định theo bộ thủ tục. Phòng văn hóa - thông tin các huyện, thành phố là nơi quản lý địa bàn, có trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sau khi có giấy phép triển khai việc quảng cáo phù hợp với quy định. UBND tỉnh đã ban hành quy hoạch quảng cáo trên địa bàn thành phố Bến Tre và một phần huyện Châu Thành (Quyết định số 1153/QĐ-UBND ngày 18-5-2010) đối với quảng cáo tấm lớn, tấm nhỏ. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Bến Tre nề nếp hơn, trật tự hơn.

* Xin cảm ơn ông!

Phương Yến (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN