Quê hương, ai đi xa cũng nhớ nhiều

21/12/2011 - 08:00

“Quê hương là gì hở mẹ - Mà cô giáo dạy phải yêu - Quê hương là gì hở mẹ - Ai đi xa cũng nhớ nhiều” (bài thơ Quê hương của tác giả Đỗ Trung Quân). Những ai đã từng xa xứ, dù là người bình thường hay bậc vĩ nhân, đều mang trong lòng nỗi nhớ quê hương da diết. Nỗi niềm ấy lại càng khắc khoải bội phần ở trái tim dạt dào cảm xúc của những nghệ sĩ có quê hương là “ba dải cù lao”.

 

Hạnh Thúy: “Mong một lần biểu diễn ở quê mình”!

Rời quê nhà Lương Hòa (Giồng Trôm), sau bao nhiêu năm miệt mài theo đuổi con đường nghệ thuật, nữ diễn viên - đạo diễn sân khấu Ngô Phạm Hạnh Thúy đã có một chút tự hào khi đem về hai giải thưởng cao quý là: Giải diễn viên phụ xuất sắc nhất thể loại phim truyện nhựa Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 15 và Giải đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc (với vở dựng đầu tay “Dòng Nhớ”). Trong đó, “Dòng Nhớ” là cơ hội để Hạnh Thúy thỏa nỗi lòng nhớ quê nhà. Bởi, Hạnh Thúy, Dòng Nhớ kể về miền sông nước Tây Nam bộ, mà nói như nhân vật Thà: “Đời tôi gắn dưới sông rồi, quên hổng được!”, nên có sự đồng cảm sâu sắc.

Hiện nay, dù công việc đóng phim, diễn kịch, dựng vở... dày đặc nhưng Hạnh Thúy luôn dành thời gian trở về tỉnh nhà. Ngoài lý do thăm gia đình, chị còn tham gia công tác từ thiện xã hội đối với Bến Tre.  Gần đây nhất là vào ngày 6-11-2011, Hạnh Thúy cùng một số diễn viên, nghệ sĩ của nhóm “Vòng tay yêu thương” - TP. Hồ Chí Minh đã đến huyện Thạnh Phú tổ chức thăm, tặng quà cho người nghèo bệnh tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó có thể chỉ là những khoản tiền ít ỏi, những tặng phẩm đơn giản nhưng cái mà khán giả Bến Tre quý, thương chị chính là ở hành động, ở tấm lòng của chị đối với quê nhà. Hạnh Thúy tâm sự: “Tôi luôn muốn được một lần “trực tiếp diễn phục vụ” cô bác, người dân tỉnh nhà, dù đó chỉ là một màn tấu hài để được nhìn từng ánh mắt, nghe từng tiếng cười của khán giả Bến Tre”. Hạnh Thúy cũng như nhiều nghệ sĩ gốc Bến Tre khác, ao ước quê hương có một sân khấu “chuyên nghiệp” để về cống hiến, sáng tạo và đền đáp cho quê hương bằng những sản phẩm văn hóa “con đẻ” của mình. Rồi chị sẽ trực tiếp về hoặc vận động nhiều thầy cô, anh chị có uy tín và thật tâm với nghề dạy lẫn nghề diễn tham gia đào tạo diễn viên cho tỉnh nhà. Hy vọng, mong ước của chị sẽ sớm trở thành hiện thực trong một ngày không xa, có thể là Tết Nhâm Thìn này chăng?

 

Huỳnh Giao: “Sống sao cho xứng đáng với quê nhà”

Xuất phát điểm từ một cuộc thi người đẹp, nhưng Người đẹp Xứ Dừa Nguyễn Thị Huỳnh Giao đã mang vinh quang về cho tỉnh nhà ở một đấu trường mang tính tri thức, khoa học, chuyên nghiệp. Đó là Giải Én vàng cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, bên cạnh công việc giảng dạy tại Trường Đại học Ngoại thương và tham gia khóa học thạc sĩ, Huỳnh Giao rất bận rộn với vai trò MC trong các chuyên mục của Đài Truyền hình Thành phố: Dự báo thời tiết, Cuộc sống quanh ta, Sống lâu sống khỏe,… Chị còn là đại sứ thiện chí cho các chương trình hướng đến môi trường như: Giờ trái đất, Doanh nhân xanh, Những ngày hè xanh…

Là một người xa quê, nhưng hình bóng quê nhà luôn trong trái tim cô gái trẻ này. Huỳnh Giao đã từng cùng nhiều bạn thanh niên xa quê khác “hiệp sức, đồng tâm” để đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nhà, hỗ trợ “tiếp sức đến trường” cho các bạn sinh viên Bến Tre trong chính ngôi trường đại học mà chị đang giảng dạy và học tập. Chị còn truyền đạt những kinh nghiệm về tổ chức, sản xuất chương trình truyền hình; kiến thức khoa học, đời sống thường thức mà chị “thu lượm” được khi tham gia các chương trình của các đài truyền hình lớn cho các bạn trẻ đồng nghiệp ở quê nhà, như: kiến thức về sử dụng điện năng tiết kiệm, sử dụng túi giấy thay túi nylon… Huỳnh Giao chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm hãy sống và làm việc cho xứng đáng là người con quê hương xứ dừa”.

 

Nhã Ca, “mộng” TỔ CHỨC live show tại Bến Tre

“Ai đứng như bóng dừa… Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre…”. Bài hát Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý) được người con gái Bến Tre - Nhã Ca cất giọng lên nghe sao du dương, da diết quá. Chất giọng khỏe, có thể hát được nhiều thể loại âm nhạc nhưng từ khi khởi nghiệp đến nay, cô luôn chọn cho mình những bài hát thuộc dòng nhạc quê hương để thể hiện. Nhất là những bài hát nổi tiếng về Bến Tre, như: Dáng đứng Bến Tre, Lý Ba Tri… Trong thời buổi dòng nhạc thị trường đang lan tràn mạnh mẽ, thì những ca sĩ như Nhã Ca chọn gắn bó với dòng nhạc quê hương thật ý nghĩa. Nhã Ca chia sẻ: “Ca sĩ hát được là nhờ có người lắng nghe, khi khán giả yêu cầu mình sẽ hát, phần còn lại là cái duyên sân khấu”.

Đã trở về quê nhà biểu diễn rất nhiều lần nhưng dường như vẫn chưa “thỏa mãn”, bởi vậy, khi chia sẻ với độc giả báo Đồng Khởi trước thềm năm mới - 2012, Nhã Ca có “mộng” là sẽ tổ chức một live show tại Bến Tre, để có thể thỏa sức cống hiến những giai điệu hay cho “người nhà mình” nghe. “Đó là một chương trình đa sắc màu, âm nhạc chủ yếu là những bài hát Nhã Ca đã viết, đã hát và được yêu thích” - Nhã Ca bộc bạch. Chúng tôi e ngại cho vấn đề doanh thu, chị chia sẻ: “Mình không quan trọng điều đó. Mình chỉ mong một lần được hát, được “lửa” hết mình thông qua những bài hát dành tặng quê nhà. Đời người nghệ sĩ đôi khi chỉ cần một lần sống hết mình vì âm nhạc, nhất là được phục vụ trên chính mảnh đất quê hương thì không còn gì hạnh phúc bằng. Đó cũng là để mình “trả nghĩa tình” mà quê hương ưu ái dành cho bấy lâu nay”. Đối với ước mơ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp của những bạn trẻ ở quê nhà, Nhã Ca chia sẻ là rất đồng tình ủng hộ và sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ. “Chỉ cần có cái tâm với nghề thì dù gian khó thế nào cũng vượt qua được” - Chị không giấu niềm sung sướng.

Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN