Tư vấn “Tiếp sức trường thi”

28/03/2016 - 07:56

Buổi tư vấn thu hút nhiều học sinh tham gia.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Báo Giáo dục TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp xét tuyển năm 2016 với chủ đề “Tiếp sức trường thi” dành cho học sinh các trường THPT trên địa bàn TP. Bến Tre.

Tham gia tư vấn lần này có đại diện 12 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Đây là chương trình nhằm giúp cho các em có dịp tiếp cận nhiều hơn các thông tin về tuyển sinh, nắm rõ ngành nghề đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội; cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường. Thông qua đó, các em có thể tự xác định năng lực, sở trường, nguyện vọng của mình và có quyết định đúng đắn trong việc chọn trường, chọn ngành đăng ký xét tuyển, đồng thời giúp các em chuẩn bị tư thế sẵn sàng, tự tin khi  bước vào kỳ thi THPT quốc gia sắp đến.

Thầy Lê Quang Thành - Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lựa chọn ngành nghề đối với học sinh hiện nay là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Do vậy, khi lựa chọn ngành nghề, phải đầu tư, tìm hiểu kỹ ngành nghề mình sẽ chọn để có sự cân nhắc thật kỹ. Xác định mình có đam mê ngành nghề mình đã chọn chưa? Nếu đã đam mê và học bằng sự phấn đấu hết mình thì ngành nghề nào cũng có việc làm và thành công trên lĩnh vực mình chọn. Điều mà các bạn học sinh cần phải tránh là đừng chọn ngành theo trào lưu, đừng chạy theo những ngành “hot” trong khi không phù hợp với bản thân cũng như hoàn cảnh gia đình. Điều này dễ làm bạn ngán ngại, bỏ học giữa chừng, chưa kể đến khi ra trường, ngành học đã chọn có còn phù hợp với thực tế xã hội không”.

Ngoài vấn đề về chọn ngành, chọn trường, cơ hội việc làm sau khi ra trường, các bạn học sinh còn quan tâm đến vấn đề xuất khẩu lao động. Huỳnh Duy Khang, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, thắc mắc: “Với tình hình kinh tế như hiện nay thì việc đi học đại học và đi xuất khẩu lao động thì việc làm nào khả thi hơn?”. Riêng Khang, nếu vào đại học thì em sẽ học ngành điện tử cơ khí ô-tô. Thạc sĩ Trần Hải Nam - Phó trưởng Phòng Tuyển sinh Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Chương trình của bậc đại học và xuất khẩu lao động sẽ gắn liền với nhau. Hiện tại trường có chương trình chuẩn Nhật Bản, đây là chương trình được sự liên kết giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam với trường nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Qua chương trình này, người học sẽ biết tiếng Nhật, hiểu được văn hóa người Nhật. Như vậy, khi tốt nghiệp đại học, các bạn hoàn toàn có thể làm việc cho các doanh nghiệp của Nhật tại Việt Nam cũng như đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Khi học chương trình đại học tại Hutech, sinh viên sẽ được Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tài trợ 30 triệu đồng để có điều kiện học tiếng Nhật. Cái hay của chương trình này là 100% sinh viên khi ra trường sẽ có được việc làm tại các doanh nghiệp của Nhật Bản ở Nhật hay Việt Nam tùy theo trình độ chuyên môn và khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật của các bạn”.

Về xét tuyển, Thạc sĩ Nam lưu ý: “Trường có 2 hình thức xét tuyển. Thứ nhất là xét theo điểm thi THPT quốc gia do cụm thi của các trường đại học tổ chức. Thứ hai là các em có thể dùng học bạ để xét tuyển. Với hình thức này thì nhà trường sẽ dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và học bạ của 3 tổ hợp môn Toán, Lý, Hóa; Toán, Hóa, Sinh và Toán, Văn, tiếng Anh. Hình thức xét tuyển là dùng học bạ của năm học lớp 12. Chuyên ngành điện tử cơ khí ô-tô được xem là ngành có thế mạnh của Nhật Bản. Do vậy, khi học ngành theo nguyện vọng của mình thì cơ hội việc làm của em không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Nhật Bản đều rất rộng mở”. 

Cũng như Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, năm nay, Trường Đại học Tây Đô cũng thực hiện 2 hình thức xét tuyển gồm: xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển dựa vào kết quả học bậc THPT của học sinh tốt nghiệp năm 2016 và các năm trước. Điều kiện xét tuyển, thí sinh đăng ký xét tuyển đạt một trong 2 điều kiện sau: tổng điểm 3 môn thi thuộc các nhóm môn xét tuyển theo ngành lớn hơn hoặc bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ Giáo dục và Đào tạo; điểm trung bình kết quả học tập 3 môn thuộc các nhóm môn xét tuyển theo ngành đạt từ 6 trở lên đủ điều kiện xét tuyển các ngành bậc đại học, đạt từ 5,5 trở lên đủ điều kiện xét vào các ngành bậc cao đẳng.

“Ngành học nào khi ra trường cũng tìm được việc làm. Quan trọng là trong giai đoạn học, các em có chịu đầu tư, tích lũy kiến thức và rèn luyện kỹ năng thể hiện, tác phong làm việc, khi đó cơ hội việc làm sẽ luôn luôn rộng mở” - đây là điều mà thầy Lê Quang Thành muốn gửi gắm đến học sinh khi chương trình tư vấn khép lại.

Bài, ảnh: P.Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN