“Dù con sống thế nào, mẹ cũng luôn ủng hộ”

16/08/2019 - 07:47

Một người bạn của tôi cách đây mấy năm, trong những tháng ngày tìm lại thăng bằng sau sự ra đi đột ngột của mẹ vì cơn bạo bệnh đã đọc được một cuốn sách. Cuốn sách mà theo lời bạn thuật lại với tôi là: “Món quà từ mẹ”. Tôi biết đến tập sách “Dù con sống thế nào, mẹ cũng luôn ủng hộ” của nữ văn sĩ Hàn Quốc Gong Ji Young như vậy... 

Gong Ji Young là nữ nhà văn nổi tiếng của Hàn Quốc, tác giả của nhiều tựa sách ăn khách. Nhà văn sinh năm 1963 tại Seoul, Hàn Quốc, bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ năm 1988. Các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn như: Go Alone Like a Rhino Horn, My sister Bongsoon, Our Happy Time, Dù con sống thế nào mẹ cũng luôn ủng hộ... Bà đã nhận được nhiều giải thưởng của văn học Hàn Quốc. “Dù con sống thế nào mẹ cũng luôn ủng hộ” do Nguyễn Thanh Tùng dịch, Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam ấn hành năm 2016.

Tập sách mỏng giản dị của Gong Ji Young có thể nói là một tập hợp những lá thư, hay những dòng nhật ký, chứa đựng những lời lẽ tâm tình nhẹ nhàng của một người mẹ dành cho con gái về những câu chuyện đời thường.

“Uy Nyung, ngoài trời đang mưa. Mẹ buồn lắm. Mẹ với con cách nhau hai mươi bảy tuổi, cuộc sống của mẹ con mình cũng khác nhau, nên có nhiều điều mẹ không thể nói hết với con. Bởi mẹ biết, nếu mẹ nói hết lòng mình với con sẽ chỉ làm con thêm buồn và thêm bối rối, nên mẹ không nói được vì sao mẹ mệt mỏi. Cả vì sao cứ mỗi khi buồn mẹ lại chỉ biết ngồi viết cho con như thế này nữa”, “Uy Nyung! Chúc con một ngày tốt lành”... Cô bé Uy Nyung đang ở độ tuổi mới lớn đã nhận được những lá thư từ mẹ mình như vậy. Nữ văn sĩ Gong Ji Young trong tâm trạng dằn vặt vì không đối thoại trực tiếp được với con mình đã mượn những trang văn để kết nối, thầm thì những chuyện giữa mẹ và con gái.

Những dòng tâm sự đó còn là những lời nhắn nhủ cho đứa con bé bỏng trước những biến cố mà con rồi sẽ phải đối mặt trong đời qua 26 lá thư như: “Dù là khoảnh khắc trôi qua trong nháy mắt nhưng không thể không trân trọng”, “Người có thể làm tổn thương chỉ là chính con mà thôi”, “Nguyện vọng thì có hàng ngàn, nhưng hy vọng chỉ có một thôi”, “Tình yêu chẳng làm tổn thương ai”, “Dù con không thấy mẹ, nhưng mẹ vẫn luôn ủng hộ con”...

Từng trang văn còn là những lời khích lệ, động viên con gái: “Dù con hết lần này đến lần khác chịu tổn thương, loay hoay rồi thất bại, nhưng con biết, mẹ mãi luôn ủng hộ con. Nên con không sợ gì hết”. Nhà văn bày tỏ với con mình: “Khi mẹ bằng tuổi con, những người phụ nữ thuộc thế hệ bà ngoại hầu hết đều không hề có kinh nghiệm trong tình yêu, cũng như kinh nghiệm làm việc bên ngoài, thế nên mẹ chỉ còn cách tự thân học hỏi. Mẹ chưa từng được học cách yêu, cách chia tay hay cách tìm nghề nghiệp cho bản thân nên ngày nào mẹ cũng vấp phải những lựa chọn sai lầm. Nhưng có một điều mà mẹ học được từ bà ngoại, đó là cho dù mẹ làm gì đi nữa, thì bà cũng luôn tin tưởng, cổ vũ và ủng hộ mẹ. Nhờ có niềm tin, sự cổ vũ và ủng hộ đó, mẹ đã đứng dậy được sau không biết bao nhiêu vấp ngã, thậm chí còn nở nụ cười nữa”...

Đâu đó trong những trang văn của Gong Ji Young, chúng ta dường như bắt gặp chính mình trong nhịp sống hàng ngày, khiến người đọc có dịp soi lại mối quan hệ trong chính gia đình mình. Kết nối giữa chúng ta với song thân nếu người còn bên ta - thật hạnh phúc, cũng như sự kết nối giữa chúng ta với những đứa con trong bối cảnh xã hội bộn bề lo toan này có thật sự chắc chắn? Sự lỏng lẻo giềng mối cố kết gia đình đang từng ngày đe dọa các tế bào của xã hội. Nhiều người cũng đã phải thảng thốt thú nhận rằng: Đã bao lâu rồi ta không nói với cha mẹ rằng ta yêu họ? Hay đã bao lâu rồi ta chưa cùng các con của mình ăn cơm cùng nhau? Trải qua một ngày trọn vẹn bên nhau? Chúng ta có thật sự biết được sự mong mỏi của song thân hay những đứa con đang cần sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục hơn là những trang bị tiện nghi, vật chất đầy đủ?

“Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”, nhưng xin đừng đợi đến khi nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ.

Xin mượn lời của tác giả nhắn nhủ với con mình để kết lại: “Cho dù không có con, ta vẫn có thể sáng tạo nên thế giới. Nhưng trong mắt ta, thế giới ấy sẽ vĩnh viễn không hoàn thiện”.

Triều Dương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN