“Viên bi kỳ diệu”

05/06/2020 - 07:05

BDK - Sau tập thơ “Ai đi xe mo cau” xuất bản năm 1988 và tập truyện “Đôi mắt con tàu xanh” xuất bản năm 2001, tập truyện “Viên bi kỳ diệu” là tác phẩm thứ ba viết cho thiếu nhi của nhà thơ Kim Ba (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu) được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam phát hành năm 2019.

Bìa tập truyện “Viên bi kỳ diệu”

Bìa tập truyện “Viên bi kỳ diệu”

Thế giới tuổi thơ

Viết cho đối tượng là thiếu nhi, thiếu niên đòi hỏi không chỉ tấm lòng mà còn cả vốn sống, kinh nghiệm, năng khiếu quan sát, tưởng tượng, sự hòa nhập vào thế giới của trẻ em và cả sự dũng cảm trong tình hình tiếp nhận tác phẩm văn học hiện nay. Tuy vậy, đọc qua tập truyện này, chắc hẳn bạn đọc sẽ ngạc nhiên, bởi tập truyện không hẳn dành cho thiếu nhi, thiếu niên mà với bạn đọc là người lớn cũng sẽ có nhiều khám phá đầy thú vị. Tập truyện cho thiếu nhi, thiếu niên nhưng đọc xong mỗi truyện lại còn có cả một tấm vé trở về những năm tháng tuổi thơ lung linh đầy sắc màu, huyền diệu dành cho tất cả mọi người, nhất là những người có những năm tháng sống ở thôn quê miền Nam.

Tập truyện gồm 2 phần: phần 1 có 8 truyện ngắn; phần 2 có 7 truyện đồng thoại.

Ở phần 1, một loạt truyện giàu tính nhân văn như: Cá nhảy trên sân, Chú mèo bị đổi tên, Năm quả trứng cọp, Tô canh hến… Mỗi truyện khi nhìn vào dấu chấm hết (./.) thật sự không hết, chỉ hết những câu chữ…, còn tất cả như mở ra trong lòng người đọc nhiều hồi ức, suy ngẫm không chỉ của cá nhân, bản thân, gia đình mình, mà có thể đó là câu chuyện trong họ hàng, bà con, làng xóm ở những miền quê xưa mà chưa xa. Đó là việc trăn trở, “nghĩ nát nước” của  ông Nội trong truyện “Cá nhảy trên sân” khi để lại di chúc miếng vườn “hương hỏa” cho anh chị hai và các cô mà không để cho bác hai vì “Bác bây ngang ngạnh lắm! Nội mà chết đi sợ các cô con không còn cục đất chọi chim!”.

Câu chuyện chọn người thừa kế nhất là đất “hương hỏa”, vườn đất ông bà tạo dựng từ mồ hôi, nước mắt đâu chỉ ở người ông trong câu chuyện này có thể là bóng dáng câu chuyện của gia đình tôi, gia đình bạn.

Truyện “Tô canh hến” là câu chuyện buồn về bà Ngoại khi cậu mợ Sáu “buộc ngoại phải về ở chung nhà để dễ bề phụng dưỡng”. Phụng dưỡng, chăm sóc mẹ già đâu không thấy; con hiền, dâu thảo đâu không thấy, chỉ thấy “Ngoại đành phải chịu nhịn thèm món canh hến mà không dám nói…” chỉ vì mợ Sáu chỉ cho Ngoại ăn món “khô” chớ không cho ăn món “nước” vì sợ “dây đổ tùm lum, dơ nhà dơ cửa, bàn ghế chùi rửa hoài, mệt!”. Đắng lòng đến rưng rưng nước mắt cho những nghịch cảnh của những người lớn tuổi phải sống với con cháu bất hiếu, vô ơn.

Tuy nhiên, thế giới tuổi thơ đầy những cảnh sắc thơ mộng, hướng về điều thiện, việc lành là sợi dây đầy sắc màu, quyến rũ, là những nét chính của toàn bộ tập truyện. Truyện “Dế cơm cuối mùa” là câu chuyện về hai đứa bé Nguyên - Thanh dưới sự dẫn dắt của chú Út (của Thanh) đi đào bắt dế cơm ở xóm Giồng. Khung cảnh đi đào bắt dế cơm vào cuối mùa mưa ở giồng, ở ruộng. Món “dế cơm chiên bột chấm nước mắm pha mặn ngọt” có lẽ chỉ còn là câu chuyện của thế kỷ XX trở về trước. Món ăn đồng quê đó chắc chắn sẽ mờ khuất trong tâm trí của nhiều người. Có chăng như đoạn kết của truyện “Thì… mai mốt thầy có cho đề viết bài văn bảo tả một món ăn dân dã, tao nhất định sẽ viết về món dế cơm chiên bột…”.

Truyện “Đôi mắt con tàu xanh” là câu chuyện chơi đèn lồng những ngày tết Trung thu của trẻ con xóm Chòi. Xóm Chòi nghèo, xa xã, xa huyện. Những đứa trẻ chơi lêu lổng trong xóm hoặc theo cha mẹ ra đồng, hoặc len lỏi trong vườn đặt lờ, câu cá… Vì vậy, dịp Tết Trung thu với hai, ba cây đèn cầy để chơi đã là niềm vui lớn. Năm nay thằng Đời trong xóm có cả một chiếc đèn lồng “Trông in như con tàu thật” và trở thành một đám rước đèn trung thu kỳ lạ làm cho xóm Chòi ồn ào, bừng sáng. Và những đám trẻ có trọn một niềm vui hớn hở, sáng bừng, long lanh trong những năm tháng tuổi thơ ở nơi quê nghèo.

Truyện “Năm quả trứng cọp”, “Viên bi kỳ diệu” là những góc nhìn, tưởng tượng ngộ nghĩnh và cả sự ngộ nhận mang màu sắc ngây thơ của trẻ con về thế giới xung quanh. Đằng sau đó là cả một thế giới đầy những kỷ niệm ngọt ngào và tình yêu thương lắng đọng đối với cảnh vật, con người của những tháng năm tuổi thơ đã đi qua.

Cuộc sống muôn màu

Ở phần 2 với 7 truyện đồng thoại là cả một thế giới tưởng tượng, hư cấu về thế giới loài vật, cây cỏ.

Truyện đồng thoại là một thể loại văn học dành cho thiếu nhi, lấy loài vật làm nhân vật, lúc nào cũng thích hợp. Thế giới đó trong các truyện đồng thoại của nhà thơ Kim Ba là con Chuồn Kim, Trống Chuối, Mèo Bột, Vịt Trắng, lão Cua Kình, bọn Dế, anh Cào - Cào - Lứt…; đó là thế giới của cô Dừa Xiêm, chị Mướp, bà Dừa Lão, Gòn Mẹ, đám Mắc Cỡ…

Đọc qua các truyện đồng thoại của Kim Ba là cả một thế giới động vật, thực vật phong phú, với những tên gọi thật dễ thương, gần gũi. Các nhân vật trong truyện đồng thoại của Kim Ba được nhân cách hóa nhưng vẫn đảm bảo đó là hình cốt chính của con vật, cây cỏ. Đồng thời không xa rời cái nhìn theo sự hiểu biết, khám phá cảnh vật, môi trường xung quanh của các em. Đó là hình ảnh của chị Mướp trong truyện “Chiếc mũ vàng”, “ở nhờ” nhà bác Xoài nẩy mầm, vươn lên, ra hoa, đậu quả trong nhọc nhằn, khó khăn; trong sự gièm pha của đám Bìm Bìm, dây Cườm Dại; trong sự thù ghét muốn hãm hại của Bù Xít. Nhưng bên cạnh Mướp là “biết bao bạn tốt luôn sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ những đứa con của Mướp! Nào Ong Nghệ, Chuồn Chuồn; nào Bọ Rùa, Bọ Ngựa; nào Chim Sâu, Chim Sẻ” và  “còn bác Xoài cổ thụ đã chở che cho Mướp, khi Mướp hãy còn bé tí ti…”. Và để tỏ lòng biết ơn Mướp có thêm nhiều quả non, “ráng sức trổ đầy hoa vàng rực trên ngọn Xoài cao vút, để trở thành: “ Cây Xoài nhà mình đội “mũ vàng” đó ngoại!” trong sự ví von, tưởng tượng của cậu bé chủ nhà.

Nhà văn Kim Ba đã khai thác hình thức nhân hóa loài vật để đem lại cho thể loại đồng thoại khả năng diễn tả những vấn đề của đời sống một cách hình tượng, ý vị. Qua khảo sát 7 truyện đồng thoại trong tập truyện có khoảng đến 72% mượn hình ảnh con vật, 23% mượn hình ảnh cây cỏ và 5% là hình ảnh khác (con người, gió).

Giá trị của truyện đồng thoại suy cho cùng chính là đã góp phần tạo nên một thế giới với cách nhìn, suy nghĩ và cả tình cảm mang màu sắc trẻ con nhưng đằng sau đó còn mang cả hơi thở cuộc sống của cả người lớn. Chính điều này làm nên tên tuổi của tác giả, giá trị của tác phẩm và làm say mê bạn đọc.

Đọc truyện “Tiếng hát trên bãi hoang”, ta bắt gặp một chú dế khác với chú Dế Mèn thích đi phiêu lưu, khám phá trong truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài những năm 1941 của thế kỷ XX. Chàng Dế của nhà văn Kim Ba của những năm đầu của thế kỷ XXI “như hình dung, là những chàng nhạc sĩ lịch lãm, tài hoa”. Tiếng hát của chàng Dế trong câu chuyện là tiếng hát ngợi ca cái đẹp: “Tiếng hát của Dế cất lên làm cho mỗi chiếc đèn lồng càng thêm lung linh dưới ánh mặt trời ban mai và gió nhẹ”. Là tiếng hát tôn vinh: “Tên chị là Mắc Cỡ/ Chị sống thật khiêm nhường/ Chỉ đàn em biết rõ/ Lòng chị đầy yêu thương!”. Tiếng hát của sự bao dung, biết ơn. Tiếng hát của tình yêu  chan hòa bên đồng loại, muôn loài.

Đọc tập truyện, tin rằng bạn đọc sẽ có thêm một cái nhìn đầy yêu thương, lấp lánh như sắc màu của của nhan đề tập truyện “Viên bi kỳ diệu”. Những sắc màu mơ mộng, tràn ngập tình yêu, hướng thiện về con người, về vạn vật. Và phải chăng nhà văn Kim Ba muốn gửi một thông điệp khác đến những người làm nghệ thuật là hãy quan tâm sáng tạo, sáng tác nhiều tác phẩm cho thiếu niên, nhi đồng. Vì qua đó sẽ cùng nhau gìn giữ, khai phá tốt hơn những cái đẹp của muôn thú, cỏ cây, hoa lá và con người.

Tập truyện “Viên bi kỳ diệu” là cả một thế giới thiên nhiên phong phú, lạ lẫm nhưng gần gũi, thân thiết. Ngôn ngữ truyện chắt lọc, điêu luyện mang hơi thở, màu sắc cuộc sống “rặt” đồng quê Nam Bộ.

Một điều khá lý thú là trong tập truyện này, ngoài việc vẽ bìa còn có 14 bức tranh minh họa trước, trong hoặc sau mỗi truyện của họa sĩ Thứ Lễ. Các bức tranh minh họa thật ngộ nghĩnh, dễ thương, gần gũi; những ý tưởng trong các bức tranh như vừa khít với mỗi truyện giúp bạn đọc như khám phá ra thêm một thế giới đầy kỳ thú.

Bài, ảnh: Nguyên Tương 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN