Đạo diễn Trần Thanh Hưng: Hết mình vì nghệ thuật cải lương

11/09/2019 - 07:10

BDK - Yêu thích nghệ thuật cải lương và quyết đi theo con đường nghệ thuật, đạo diễn Trần Thanh Hưng - Phó trưởng đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre đã mang nhiệt huyết, cống hiến sức trẻ, góp phần tích cực vào hoạt động nghệ thuật tỉnh nhà.

Đạo diễn Trần Thanh Hưng (thứ hai, phải sang) cùng anh em nghệ sĩ của đoàn trong một buổi biểu diễn tổng dợt chương trình.

Đạo diễn Trần Thanh Hưng (thứ hai, phải sang) cùng anh em nghệ sĩ của đoàn trong một buổi biểu diễn tổng dợt chương trình.

“Lén” đi học vì quá đam mê

Tuy sinh ra trong gia đình không có ai làm nghệ thuật, nhưng giai điệu những bài vọng cổ, cải lương từ đài phát thanh, băng cassette đã làm xao động lòng anh ngay từ thuở nhỏ và bắt đầu chập chững học ca theo. Với “máu” văn nghệ sẵn có, anh tích cực tham gia trong công tác đội, đoàn ở địa phương (xã Bình Khánh Đông, huyện Mỏ Cày Nam) và khi ấy anh được xem là một trong những “hạt nhân đỏ” ca cổ trong học đường.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, theo định hướng của gia đình, anh đã thi đỗ và theo học ngành sư phạm tại Trường Cao đẳng Bến Tre (khoa Văn). Thế nhưng, vì còn đam mê nghệ thuật sân khấu nên chỉ sau nửa năm theo học ngành sư phạm, anh quyết định rẽ hướng. Anh chia sẻ: “Sợ ba mẹ buồn lòng, tôi đã “lén” nộp đơn và thi đỗ vào Trường Nghệ thuật Sân khấu 2, TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành diễn viên cải lương. Tôi theo học một thời gian thì gia đình mới biết, dần dần cũng thấu hiểu và ủng hộ tôi”.

Sau khi tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Sân khấu 2, anh làm việc tại Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre từ cuối năm 1995. Khởi đầu nhiều bỡ ngỡ với vai trò diễn viên nhưng anh không e ngại mà chịu khó học hỏi các anh chị để có thêm kinh nghiệm. Điều kiện đoàn khi ấy rất nhiều khó khăn nhưng được diễn phục vụ bà con khắp nơi luôn là niềm hạnh phúc của anh và các anh chị em trong đoàn.

Ngoài làm diễn viên, anh còn nghiên cứu cách viết kịch bản, sáng tác bài ca cổ. Năm 2006, anh được lãnh đạo đoàn tạo điều kiện học lớp đạo diễn tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Năm 2010, anh trở về phục vụ đoàn trong vai trò mới.

Vốn tính cẩn trọng, trong mỗi kịch bản, đạo diễn Trần Thanh Hưng luôn chăm chút từng chi tiết, từ cách viết, dàn dựng đến theo dõi, hướng dẫn diễn xuất. Với anh, theo dõi sát sao trong từng chi tiết kịch bản để “nắn nót” cho tác phẩm trình diễn được hoàn chỉnh, hay nhất có thể. Anh viết nhiều dạng: có kịch bản là chuyển thể từ kịch, có kịch bản do anh chấp bút viết toàn vở, cũng có trích đoạn ngắn, chập cải lương và cả những bài ca cổ… Trong đó có một số vở lớn do anh dựng cho đoàn ở thể loại cổ trang như: Qua cơn ác mộng, Thiên định tơ hồng, Trăng nước lạc Dương Thành; các trích đoạn ngắn như: Bạch Đằng giang, Trái tim và Đôi mắt (ca ngợi cụ Đồ Chiểu), Lục Vân Tiên… Một số vở được anh chuyển thể như: Cõi tình, Cạm bẫy trắng… gần đây nhất là chuyển thể chập cải lương Chuyện chung (chủ đề về xây dựng nông thôn mới). Ngoài ra, anh còn hỗ trợ đạo diễn dàn dựng các trích đoạn cho các các đơn vị ban, ngành biểu diễn trong các phong trào văn hóa, văn nghệ, cụ thể như hỗ trợ dàn dựng cho ngành Công an các trích đoạn “Tiếng trống Mê Linh”, “Dưới rặng dừa xanh”, dàn dựng tiểu phẩm nhỏ ca ngợi tấm gương yêu nước của nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị cho đơn vị Giồng Trôm…

Trăn trở con đường đổi mới

Đổi mới hoạt động đoàn nghệ thuật cải lương là vấn đề đang được tỉnh và ngành đặc biệt quan tâm. Anh đã cùng nghệ sĩ Lư Phóng - Trưởng đoàn cùng “lèo lái” đoàn hoạt động đáp ứng ngày càng tốt hơn trong giai đoạn mới. “Không thể cứ diễn mãi theo lối mòn sẽ rất dễ làm cho khán giả nhàm chán nên nhất thiết phải thay đổi hình thức cho phù hợp”, anh bộc bạch. Thế rồi, anh đã dàn dựng chương trình theo một hướng mới hơn. Ví dụ, trong chương trình tổng hợp, thay vì diễn viên, ca sĩ sẽ trình bày các khúc lẻ đầu giờ như thường lệ trước đây thì hiện nay, anh đã viết và dàn dựng các biến khúc chủ đề lịch sử mang màu sắc sôi nổi, để khởi động cho đêm diễn thêm phần hấp dẫn. Đoàn cũng phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh, Phân hội Sân khấu duy trì sinh hoạt chương trình Hội ngộ đờn ca tài tử để có thêm nhiều hoạt động mới cho sân khấu. Đặc biệt, anh mạnh dạn đề xuất cho đoàn được đi lưu diễn giao lưu ngoài tỉnh để giúp diễn viên, nghệ sĩ của đoàn có cơ hội giao lưu, học hỏi đồng nghiệp.

Điều trăn trở nhất của anh hiện nay là lực lượng kế thừa, cả về nhạc công và diễn viên. Nhạc công hiện chỉ còn một người biên chế chính thức và cũng sắp đến hạn hưu trí, chưa có người thay thế, diễn viên cũng thiếu. Bến Tre hiện có lực lượng nhưng không đủ chuẩn về bằng cấp chuyên môn nên không thể tuyển vào theo quy định. Hiện đoàn vẫn đang ra sức tìm kiếm nguồn để kế thừa trong thời gian tới.

Anh cho biết thêm, dự kiến trong thời gian tới (cuối năm 2019), đoàn sẽ dựng lại vở cải lương “Cây dừa đỏ” của soạn giả Lê Huỳnh, vở diễn về cách mạng Bến Tre rất nổi tiếng. Trong tháng 9-2019, đoàn sẽ có chuyến lưu diễn tại Cà Mau với diễn vở “Dưới rặng dừa xanh”, tái hiện một phần về cuộc đời hoạt động cách mạng của Nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Học hỏi và không ngừng phấn đấu, tâm huyết với từng kịch bản, từng chương trình dàn dựng, từng nội dung, chi tiết... đạo diễn Trần Thanh Hưng như một ngọn lửa giữ “nóng” cho nghệ thuật cải lương tỉnh nhà. Với anh, đó không chỉ là trách nhiệm mà là tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật cải lương.

Đạo diễn Trần Thanh Hưng sáng tác rất nhiều bài ca cổ đạt giải cao tại các cuộc thi sáng tác ca cổ trong tỉnh. Điển hình như bài Ba Tri đất biển hồn thơ (giải nhì cuộc thi sáng tác huyện Ba Tri 2013), khúc Lưu thủy trường viết về quê hương Bến Tre (giải A cuộc thi sáng tác của tỉnh năm 2014), bài Quê dừa vang mãi tên anh - viết về liệt sĩ Hoàng Lam (giải ba cuộc thi sáng tác của tỉnh mở rộng năm 2017)...

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN