Giáo sư Ca Văn Thỉnh - Người đầu tiên nghiên cứu văn học Nam Bộ

21/10/2019 - 06:47

BDK - Cố giáo sư (GS) Ca Văn Thỉnh là một trí thức yêu nước của quê hương Bến Tre. Cùng với phẩm chất cách mạng cao quý, ông còn là một học giả có những nghiên cứu đóng góp quan trọng cho nền văn học nước nhà. Những nghiên cứu của ông về văn học Nam Bộ trước năm 1954 đã đặt nền móng quan trọng cho quá trình nghiên cứu lịch sử văn học nước nhà nói chung, cụ thể là văn học Nam Bộ.

Cố giáo sư Ca Văn Thỉnh (ảnh tư liệu)

Cố giáo sư Ca Văn Thỉnh (ảnh tư liệu)

Phẩm chất người trí thức yêu nước

Cố GS Ca Văn Thỉnh (1902 - 1987), quê quán ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, vốn xuất thân là một trí thức Tây học, am hiểu văn hóa, truyền thống Nho học Việt Nam và có tinh thần yêu nước, sớm chọn con đường theo cách mạng, tham gia nhiều phong trào yêu nước trong thời gian còn đi học.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương (Hà Nội), là một trường hàng đầu của Pháp tại Đông Dương vào năm 1928, ông về dạy học tại quê nhà. Hơn 10 năm dạy học, làm Đốc học tại Bến Tre, ông luôn quan tâm nâng cao tinh thần yêu nước cho người học, dốc lòng vào việc nghiên cứu văn học, sử học Nam Bộ và tham gia các hoạt động yêu nước tại địa phương. Năm 1946, với vai trò là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến kiêm hành chánh tỉnh Bến Tre, ông cùng đoàn cán bộ, trong đó có Nữ tướng Nguyễn Thị Định đi tàu ra Bắc gặp Trung ương xin chi viện vũ khí cho kháng chiến ở miền Nam.

Nói về phẩm chất của cố GS Ca Văn Thỉnh, GS. TS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: “GS Ca Văn Thỉnh là một trí thức suốt đời đi theo Đảng, phụng sự nhân dân, là một trí thức với phẩm chất, năng lực, hiểu biết của một nhà nghiên cứu văn học cổ Nam Bộ”. Ông là một đảng viên mẫu mực, luôn chấp hành mọi sự phân công của Đảng, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ: Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Giám đốc Văn phòng Nam Bộ của Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ, Ủy viên Mặt trận Việt Minh - Liên Việt Nam bộ, từng đảm nhiệm công tác ngoại giao, Giám đốc Thư viện Khoa học xã hội Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội miền Nam tại TP. Hồ Chí Minh (sau 30-4-1975).

Cố GS Ca Văn Thỉnh là một tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, phục vụ nhân dân, có nhân cách cao đẹp và dạt dào tình yêu quê hương. Điều đó thể hiện rất rõ qua việc ông chọn cho mình bút danh Ngạc Xuyên khi sáng tác nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Ngạc Xuyên có nghĩa là “rạch Cá Sấu”, tên một con rạch ngay tại quê nhà của ông, như là nỗi lòng của ông đối với quê hương trong những tháng ngày chiến đấu.

Sự nghiệp nghiên cứu văn học

Nói đến sự nghiệp nghiên cứu của cố GS Ca Văn Thỉnh, nhiều nhà nghiên cứu của Việt Nam như GS Vũ Khiêu, GS.TS Mai Quốc Liên, PGS Mạc Đường, PGS.TS Đoàn Lê Giang cùng các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học cũng có những đánh giá cao về uy tín, tài năng, đức độ của ông, khẳng định cố GS là người đầu tiên nghiên cứu lịch sử văn học Nam Bộ, có nhiều thành tựu trong nghiên cứu lịch sử văn học Nam Bộ.

Ông Ca Văn Thỉnh là một trong những người được phong hàm giáo sư đợt đầu tiên của nước ta vào năm 1955-1956. Từ trước năm 1954, ông đã có nhiều bài nghiên cứu, dịch thuật, giới thiệu về văn học, các tác giả của Nam Bộ đăng trên các báo, tạp chí ở Hà Nội như báo Văn học, tạp chí Văn nghệ. Có thể nói gần như cố GS Ca Văn Thỉnh là người duy nhất ở Hà Nội giới thiệu về văn học Nam Bộ trong thời kỳ đó. Tiêu biểu có thể kể đến như cuốn “Thơ văn yêu nước Nam Bộ cuối thế kỷ XX” (cùng nhà thơ Bảo Định Giang, xuất bản năm 1962), lời giới thiệu cho cuốn sách “Thơ văn Nguyễn Thông”… Và nhất là công trình “Hào khí Đồng Nai” được xuất bản năm 1983 (năm 2014 được tái bản). Đây là công trình có giá trị khoa học và giá trị về văn học nghệ thuật, giới thiệu được tác giả, tác phẩm của các tác giả ở Nam Bộ trước năm 1954.

Sự nghiệp nghiên cứu văn học của ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị, có ý nghĩa trong công tác nghiên cứu văn học Nam Bộ. Do nhiệm vụ chính trị được giao, ông ít có thời gian để dành cho nghiên cứu nhưng các công trình, tác phẩm của ông là một bộ phận quan trọng trong nền văn học Nam Bộ, được tái bản nhiều lần, khẳng định được vị trí trong lòng công chúng qua nhiều thời kỳ. Các công trình của ông đều được công bố, sử dụng từ năm 1993 trở về trước, có tác dụng to lớn trong phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc nhận thức về lịch sử văn học Nam Bộ.

Theo GS. TS Nguyễn Chí Bền, đối với nghiên cứu lịch sử văn học Nam Bộ, trước cố GS Ca Văn Thỉnh, chưa có ai nghiên cứu về văn học cổ Nam Bộ và có sự quan tâm sâu sắc về nội dung đến các tác giả, tác phẩm của Nam Bộ giai đoạn đó. Đối với công trình “Hào khí Đồng Nai”, đây thật sự được xem là tác phẩm tiêu biểu của cố GS Ca Văn Thỉnh khi giới thiệu các tác phẩm văn học Nam Bộ trước năm 1954. “Những nhận xét của ông về lịch sử văn học Nam Bộ có thể nói là những nhận xét đầu tiên nhưng lại rất khoa học. Từ “hào khí” và phạm trù “Đồng Nai” mà ông đề cập trong tác phẩm cho thấy sự tiếp nối truyền thống từ “hào khí Đông A” đến hiện đại”, GS.TS Nguyễn Chí Bền phân tích.

Cố GS vừa biết tiếng Hán, lại tiếp thu phương pháp Tây học, cộng với công tác đi điền dã, thực tế đã tạo nên một tác phẩm “Hào khí Đồng Nai, có giá trị về văn học và cả về mặt học thuật. Ông viết về vùng đất, con người Nam Bộ theo lối viết mới, giúp cho giới nghiên cứu hiểu về lịch sử văn học Nam Bộ, nói cách khác là lịch sử văn học Việt Nam ở Nam Bộ. Nếu không có các công trình nghiên cứu của cụ thì việc nghiên cứu ấy hoàn toàn thiếu hụt, bức tranh nghiên cứu văn học Việt Nam bị thiếu vắng một mảng rất quan trọng là văn học Nam Bộ.

Luận điểm mà cố GS Ca Văn Thỉnh đóng góp cho nghiên cứu văn học Nam Bộ, văn học Việt Nam đó là: “Nam Bộ tuy là vùng đất mới nhưng văn học Nam Bộ cả văn học dân gian lẫn văn học chữ viết đều rất phong phú, đa dạng, giá trị và các tác giả có rất nhiều phong cách sáng tác khác nhau. Văn học Nam Bộ là một bộ phận của văn học Việt Nam, dòng chảy hào khí từ mấy ngàn năm của dân tộc vẫn được truyền vào vùng đất mới Nam Bộ, được thể hiện qua các tác phẩm văn thơ yêu nước lúc bấy giờ”.

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích