Lê Văn Phúc với “Đường phảng tuyệt kỹ”

02/08/2019 - 06:37

BDK - Tập truyện ngắn “Đường phảng tuyệt kỹ” (Nhà xuất bản Trẻ - 2019) của nhà văn Lê Văn Phúc là tập hợp 10 truyện ngắn được sáng tác trong khoảng thời gian hơn 10 năm kể từ khi truyện ngắn “Đường phảng tuyệt kỹ” được độc giả đánh giá cao khi lần đầu tiên tác phẩm của Lê Văn Phúc được đăng trên báo Văn Nghệ Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007.

Bìa tập truyện ngắn “Đường phảng tuyệt kỹ”.

Bìa tập truyện ngắn “Đường phảng tuyệt kỹ”.

Tập truyện ngắn “Đường phảng tuyệt kỹ” trong lần xuất bản này nhà văn Lê Văn Phúc sẽ đưa độc giả vào một vùng đất thanh bình của miền Tây Nam Bộ, chủ yếu là nông thôn xứ Dừa Bến Tre. Bằng kinh nghiệm từng trải của tác giả cộng với những kiến thức về ẩm thực, y học cổ truyền, âm nhạc truyền thống, thi ca, thuật số... được lồng vào những câu chuyện thú vị trải qua khung thời gian dài từ những năm đầu khẩn hoang lập ấp đến nay.

Với chủ đề âm nhạc, nhạc cụ truyền thống, “Bản Công-xéc-tô cho đàn nhị” tập hợp tinh hoa của các khúc nhạc chèo của cụ Thái Bình trong truyện ngắn “Nhị hồ đêm quê” và bài nhạc “Buồn vào hồn không tên” chơi trên đàn độc huyền của chàng nhạc sĩ nghèo tên Phương trong truyện “Phố đã vắng hoa đèn” được xây dựng như những tác phẩm đầy tâm huyết của các nghệ sĩ muốn gửi lại đời sau. Tuy nhiên, tuyệt phẩm đôi khi không được người đời coi trọng, nghệ sĩ thường yếu đuối và kém may mắn trong cuộc sống. Chưa kể các yếu tố khách quan, ngoại lai đã làm cho việc giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc của những người có tâm, có trách nhiệm trở nên khó khăn.

Những làn điệu hát chèo (Điệu Lới Lơ, Tình Thư Hạ Vị, Đường trường bắn thước, Du xuân) trong truyện “Bạn phương xa” lại được một người chính gốc quê Bến Tre viết bài bình luận gửi đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Chính người biên tập cứ ngỡ người viết bài phải là người Bắc cho đến khi hai người có duyên gặp nhau. Đồng cảm nghệ thuật nên họ trở thành bạn và hứa cùng nhau giữ gìn, truyền bá loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền giàu tính dân tộc có tuổi đời hàng nghìn năm.

Về ẩm thực, có hai truyện tưởng xưa mà lại có tính thời sự cao. Xưa nay dân ta vẫn coi trọng “thuốc Bắc” và “ăn cơm Tàu”. Ấy vậy mà đôi khi không phải, đọc “Sườn Vô Tích” nội dung đại khái như vầy: Chị kia đi du lịch Trung Quốc được ăn món sườn Vô Tích. Đây là một món ăn nổi tiếng, khi chế biến đầu bếp ướp sườn với mật ong và nấu với các hương liệu như quế khâu, đại hồi, hương nhu... Được thưởng thức một lần, chị quyết tâm khi về sẽ làm thử món này đãi cả nhà. Nào ngờ, làm chỉ thất bại, không ngon như mong muốn. Nhờ người em trai giúp đỡ, nhắc về món sườn ram nước dừa xiêm mà Má đã làm cho cả nhà ăn khi xưa, chị quyết định làm theo công thức cũ:

“... Nhờ có tỏi, ít nước mắm đã ướp và nước dừa tươi thắng kẹo, mùi thơm bốc lên ngào ngạt, chị tôi và các cháu bèn xúm lại coi trầm trồ. Đứa cháu gái nhỏ của tôi cả quyết với mọi người đây là sườn ... Vô Tích, làm ai cũng thấy vui”.

Ẩm thực là một nghệ thuật, cũng nặng truyền thống và có tình cảm của người chế biến trong đó. Tôi thích cái kết nhẹ nhàng và những lời gởi gắm đến độc giả của tác giả:

“- Ấy nó ngon chắc nhờ nước dừa xiêm quê mình và cái tình đưa vào món ăn khi nấu cũng hơi nhiều chăng? Từ đó chị tôi không còn ý định thực hiện lại món sườn trứ danh của người phương xa nữa”. (trang 58)

Tuệ Tĩnh Thiền sư sinh thời có nói: “Nam dược trị Nam nhân” (thuốc Nam chữa bệnh người Nam). Trong truyện ngắn “Chén canh rau”, câu nói này càng được chứng minh tính đúng đắn. Một người bệnh dùng Thần Phương của Hoa Đà, Hà sâm hoàn của các cao tăng chùa Thiếu Lâm để điều trị và bồi bổ nhưng vẫn không thuyên giảm. Một hôm được một nhà sư giới thiệu Thường phương của Tuệ Tĩnh. Đúng là một phương thuốc rất thường. Thực chất nó chỉ một là chén canh rau (rau má, cải trời, nhãn lồng, rau chạy, bồ ngót, rau dền, rau muống, mồng tơi...). Vậy mà trị hết bệnh so với các loại thuốc mắc tiền kia.

Bối cảnh thời gian truyện của nhà văn Lê Văn Phúc có truyện từ thời di dân miền Trung vào phương Nam mở cõi. Truyện “Niềm vui đối diện với nhà nho kỳ lạ” được kể lại một cách... lạ kỳ là từ cuốn bản thảo “nhật ký hành trình” bằng chữ Nho. Hóa ra người xưa cũng thông minh, trong cái khó ló cái khôn. Họ biết thuần dưỡng heo rừng để cưỡi, trồng mì trúng mì, trồng bắp được giá bắp nhờ cơ duyên gặp được bậc đại trí chỉ điểm. Có điều hay là đa số trong họ là những người trọng nghĩa khinh tài, không tham lam, gặp được tiền của phi nghĩa, túng quá cũng lấy đủ xài, phần còn lại để dành cho người hoạn nạn khác.

Truyện ngắn “Đường phảng tuyệt kỹ”, theo tôi, có lẽ là “tuyệt kỹ” trong tập truyện. Cái công cụ lao động tưởng chừng cán và lưỡi tréo ngoe ấy lại là dụng cụ hiệu quả và thông minh của tổ tiên trên bước đường khai hoang lập ấp, diệt cỏ ruộng vườn. Cuộc thi đấu dùng phảng phát cỏ (cũng là giành mối phát cỏ trong xóm, ai thua tự rút lui) của hai nhân vật Sáu Đực và Chú - Tư - mặt - buồn mang hơi hướng “kiếm hiệp” dẫn dắt cho trận đấu diễn ra rất hấp dẫn. Kết quả hòa, người trẻ hơn là Sáu Đực ỷ mạnh do chủ quan lại ngủ quên phải cố gắng dùng hết công lực vào phút cuối nên hôm sau ngã bệnh. Người già hơn đi thăm như muốn “nhắc” về tình làng nghĩa xóm. Đoạn kết có hậu khi Sáu Đực bỏ nghề ra làm ở khu công nghiệp cùng lúc Chú - Tư - mặt - buồn giải nghệ thì có phảng thủ Tư Ngung thay thế, một thương binh chỉ phảng phát cỏ vừa giúp bà con vừa rèn luyện sức khỏe lại tính giá rẻ nên có nhiều chủ vườn mời.

Nếu chọn truyện đơn giản nhất lại triết lý nhất để lại nhiều suy ngẫm cho người đọc tôi chọn truyện ngắn “Nghệ nhân”. Ở xứ Dừa mà nói việc làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa dành cho du lịch thì có lẽ cốt truyện không được hấp dẫn lắm. Nhưng với cách kể chuyện có duyên đã biến nhân vật Nhum từ một thầy giáo bỏ nhiệm sở đã trở thành Nghệ nhân trong cuộc thi kén rể với yêu cầu: “Người trai nào có sản phẩm gỗ dừa đẹp lạ và vừa con mắt con gái ông thì được!”. Nhum thắng và cưới được vợ đẹp bằng tác phẩm bức phù điêu từ gỗ dừa Sơn vũ liêu liêu. Bức phù điêu sau này được Nhum tặng cho một nhà thơ Nga nhân dịp bà thăm làng nghề. Có người yêu cầu Nhum làm lại bức mới. Nó nói: “Đó là xúc cảm nghệ thuật đầu tiên được đưa đến trong vô thức, không thể làm lại bức thứ hai”. Dù chỉ là một đôi đũa dừa, thước, dây thắt lưng bằng gỗ dừa... cũng phải luôn sáng tạo. Bởi vì đã khoác lên mình hai chữ Nghệ nhân.

Đọc văn của Lê Văn Phúc có người cho rằng như thưởng thức một viên ngọc thô chưa được mài dũa lấp lánh. Nhưng ẩn bên dưới là những “chất liệu” đáng giá của cuộc sống. Mỗi người có góc nghiêng để tìm tòi sự lấp lánh cho riêng mình.

“Đó là bằng chứng về sức quyến rũ của một tác phẩm được viết bằng tất cả sự thuần hậu và giản dị” như lời giới thiệu của Nhà xuất bản Trẻ.

Tác giả Lê Văn Phúc sinh năm 1960, quê quán Phước Thạnh, Châu Thành, Bến Tre. Hiện nay anh là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre. Sở trường của anh là viết văn xuôi. Anh từng đạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi Tiểu thuyết Đồng bằng sông Cửu Long lần I (2010 - 2012).

Nguyễn Võ Khang Hạ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN