Ngọn cờ tiêu biểu cho dòng văn học yêu nước

24/06/2020 - 06:52

BDK - Tại hội thảo khoa học với chủ đề “Danh nhân Phan Văn Trị - Một thế kỷ nhìn lại”, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của nhà thơ Phan Văn Trị trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm và tài thơ ca của cụ Cử Trị.

Xếp sách nghệ thuật về nhà thơ Phan Văn Trị. Ảnh: A. Nguyệt

Xếp sách nghệ thuật về nhà thơ Phan Văn Trị. Ảnh: A. Nguyệt

Ngòi bút sắc bén

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, hội thảo đã mở ra chặng đường nghiên cứu mới làm sao cho tên gọi, mảnh đất quê hương Phan Văn Trị xứng đáng với những gì đã có trong quá khứ. Đặc biệt, phát huy truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Theo PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), Phan Văn Trị là một trong những người con ưu tú của quê hương Bến Tre; một danh sĩ trong văn mạch miền Nam; một chí sĩ trong phong trào yêu nước chống giặc trên mặt trận chính trị tư tưởng; là một nhà nho kiên cường, đã dùng ngòi bút của mình trực tiếp đả kích và vạch mặt những kẻ cam chịu làm tay sai cho giặc. Có khi, nhà thơ Phan Văn Trị đã trực diện chửi thẳng những kẻ xu thời cầu vinh. Dù đã cách xa chúng ta hàng thế kỷ nhưng chí khí bất khuất ấy còn thể hiện trên những trang thơ của ông. Ngày nay còn khiến chúng ta cảm thán cúi đầu nể phục và noi theo.

PGS.TS. Trần Thuận - Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, điểm nổi bật trong thơ ca của nhà thơ Phan Văn Trị là tinh thần dân tộc. Mỗi dòng thơ ca của ông đều in một tâm hồn dạt dào lòng yêu nước, thương dân. Trong 19 bài đề tài tự do, có 10 bài vịnh vật như: Con mèo, Cái cối xay, Hột lúa, Con rận, Cào cào, Con cóc… Bên cạnh đó, có 10 bài cảm hoài và chùm thơ tự thuật họa lại 10 bài thơ của Tôn Thọ Tường. Ông thực sự xứng đáng là một bậc đại trượng phu với tinh thần “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Ông luôn đề cao những phẩm giá của người trí thức và đạo lý của người Việt Nam, luôn biết đặt sự tồn vong của đất nước, sự bình yên của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân.

Nhà thơ Phan Văn Trị đã mượn hình ảnh “Cái cối xay” để thể hiện trách nhiệm của mình đối với non sông đất nước: “Mòn răng nợ chủ lo mong trả/ Trặc họng khen ai khéo đặt bày/ Bao quản thớt trên mòn thớt dưới/ Hiềm vì còn giặc phải ra tay”.

Làm thơ chống giặc

Thơ ca của Phan Văn Trị không chỉ là phương diện nội dung tư tưởng mà còn đặc sắc trong sử dụng nghệ thuật trào phúng. Theo TS. Huỳnh Vĩnh Phúc - Phó giám đốc Trung tâm Văn học và Ngôn ngữ học - Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, khác với phương Tây, văn học trào phúng Việt Nam chủ yếu là ở thể loại thơ. Bằng cách tạo ra hình ảnh tương đồng giữa người và con vật, họ lên tiếng cười nhạo và phê phán những cái sai trái, lố bịch, hợm hĩnh, gian trá, giả dối, nguy hại, tàn ác… trong đời sống xã hội. Sử dụng thủ pháp này, nhà thơ Phan Văn Trị có các bài thơ: Kiến hôi cắn kiến vàng, Con muỗi, Con rận, Con cua… “Lõ mắt không phân người phải quấy/ Quơ càng chẳng lựa kẻ ngay gian/ Đưa mình theo nước hiềm không ruột/ Lột vỏ già đời chẳng thấy gan” (trích bài Con cua).

Trong các sáng tác của nhà thơ Phan Văn Trị, nổi bật là trận bút chiến với Tôn Thọ Tường. Trận bút chiến ấy không những làm chấn động dư luận lúc bấy giờ mà còn kéo dài đến 10 năm sau với sự tham gia của những sĩ phu có uy tín lớn ở Nam kỳ như: nhà thơ Hồ Huân Nghiệp, cử nhân Huỳnh Mẫn Đạt, thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, nhà thơ Lê Quang Chiểu… dấy lên phong trào đấu tranh tư tưởng trong cả nước.

Ông Vũ Hồng Thanh - nguyên  Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre nhận định, dòng văn học yêu nước cận đại nửa cuối thế kỷ XIX, Phan Văn Trị được xếp liên danh với Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ lớn của đất nước. Nguyễn Đình Chiểu hơn Phan Văn Trị 8 tuổi. Hai nhà thơ mỗi người một hoàn cảnh và tị địa ở hai nơi. Tuy hai ông không đứng vào hàng ngũ của những người cầm vũ khí trực tiếp đánh giặc, nhưng hai ông vẫn được coi là những nhà thơ chiến sĩ. Hai ông đã dũng cảm đấu tranh mãnh liệt bằng ngòi bút sắc bén của mình như một vũ khí tinh nhuệ. Di văn của Phan Văn Trị để lại không nhiều. Qua bao phen binh lửa, cho đến nay, chúng ta chỉ mới sưu tầm được 54 bài thơ thất ngôn bát cú và 1 bài phú. Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho chúng ta hiểu thấu tấm lòng luôn đau đáu nỗi niềm “Chưa trả thù nhà, đền nợ nước/ Dám đâu mắt lấp lại tai ngơ”.

Nhiều đại biểu nhìn nhận, Phan Văn Trị xứng đáng là ngọn cờ tiêu biểu cho dòng văn học yêu nước chống Pháp của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hiện đại. Tài năng và nhân cách của nhà thơ đã trở thành một ngôi sao sáng trên bầu trời yêu nước nửa cuối thế kỷ XIX, xứng đáng là bậc danh nhân “lưu danh vạn thế”.

Ánh Nguyệt (lược ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN