Sưu khảo văn hoá bản địa trên đất Tây Nguyên

23/07/2019 - 06:47

BDK.VN - Từ ngày 18 đến 21-7-2019, Phân hội Văn nghệ dân gian, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Nguyễn Đình Chiểu đã tiến hành đợt sưu khảo năm 2019 chủ đề tập trung về văn hóa bản địa Tây Nguyên từ truyền thống đến đương đại và câu chuyện khởi nghiệp…

Đoàn tìm hiểu tri thức bản địa về thảo dược ở Buôn Đôn. Ảnh: TL

Đoàn tìm hiểu tri thức bản địa về thảo dược ở Buôn Đôn. Ảnh: TL

Đoàn do nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hồ Trường - Phó chủ tịch Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu dẫn đầu và 5 thành vên là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hội viên Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu đang sinh hoạt tại Phân hội Văn nghệ dân gian Bến Tre.

Đoàn sưu khảo đã được hướng dẫn đến xã Ia Rvê, huyện Easup để tìm hiểu về văn hóa - văn nghệ dân gian và đời sống của những người con xứ Dừa đã tham gia chương trình di dân kinh tế mới của tỉnh Bến Tre cách nay gần 20 năm.

 Là một trong những xã khó khăn nhất huyện Easup, xã Ia Rvê với hơn 1.700 người, chiếm 80% dân số là người Bến Tre. Sau gần 20 năm về vùng đất mới, họ đã góp phần xây dựng xã biên giới vững mạnh, có cơ sở hạ tầng và kinh tế ngày càng phát triển bền vững. Điểm đáng chú ý, chính tri thức bản địa và văn hóa miệt vườn sông nước xứ Dừa là 1 trong những trụ cột tinh thần quan trọng giúp bà con bám trụ, kiên cường khai phá đất hoang hóa, cải tạo đất khô cằn thành những trang trại mang đậm dấu ấn Bến Tre. Họ rất thành công với danh hiệu “triệu phú vườn mít” gần 5ha trồng 1.700 cây cách nay 8 năm, thu hoạch 1 đợt 50 tấn của chị Nguyễn Thị Y (quê xã An Phước, huyện Châu Thành) hay vườn xoài tứ quý của chị Trần Thị Loan (quê xã Tân Hưng, huyện Ba Tri)… là những mô hình kinh tế tiêu biểu có thu nhập trên nửa tỷ đồng/năm…

Điểm chung của những mô hình thành công này là tất cả cây con giống, kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm sản xuất đều được bà con chuyển tải từ quê nhà lên vùng đất mới áp dụng linh hoạt. Đặc biệt, vườn cây trái nào cũng được bà con đem cây dừa Bến Tre ra trồng, chăm sóc. Mỗi ngày, họ đều trông về cây dừa như 1 biểu tượng sống của quê hương… Chị  Y, đã trồng thành công gần 100 cây dừa trong trang trại của mình cho biết: “Trồng dừa là một tập quán lâu đời ở Bến Tre. Cây dừa giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống người dân và là tiêu điểm của du khách khi đến Bến Tre, nơi được được mệnh danh là xứ Dừa”.

 Chính cây dừa đã hội tụ cho Bến Tre một tiềm năng phát triển du lịch sinh thái phong phú, đặc sắc, giúp Bến Tre có những ưu thế không phải nơi nào cũng có để phát triển du lịch...bTôi luôn ao ước và mong vườn dừa Bến Tre ở Ia Rvê sẽ được lan tỏa tinh thần Bến Tre, để có một Bến Tre thu nhỏ giữa lòng đại ngàn Tây Nguyên".

Từ điểm nhấn cây dừa, chúng tôi được biết, người Bến Tre ở Đắk Lắk đang nóng lòng trông chờ Lễ hội Dừa Bến Tre năm 2019 sắp đến. Họ đang hy vọng một ngày gần đây sản vật do người Bến Tre làm ra và những câu chuyện văn hóa của người xứ Dừa ở Tây Nguyên sẽ tạo ra nét riêng, làm nên diện mạo của văn hóa - văn nghệ dân gian xứ Dừa Bến Tre ở những vùng đất mới và được tạo điều kiện để góp mặt vào Lễ hội Dừa ở quê nhà...

Khắc Kỳ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN