Xây dựng đời sống văn hóa từ chính người dân

08/06/2009 - 19:52

Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (2006-2010), Tân Lợi Thạnh (Giồng Trôm) đã tập trung chỉ đạo, điều hành và đến nay đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí của xã văn hóa.

7/7 ấp, 6/6 cơ quan, đơn vị, trường học, nơi thờ tự được công nhận văn hóa… Với phương châm xây dựng Đảng là then chốt, Ban Chấp hành Đảng ủy xã Tân Lợi Thạnh có quy chế làm việc, phân công cụ thể từng thành viên phụ trách theo ngành, đoàn thể và chi bộ. Đánh giá chất lượng hàng năm, 13/13 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh. Điều đáng ghi nhận ở Tân Lợi Thạnh trong cuộc vận động này là Đảng ủy xã đặc biệt chú trọng việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, cách ăn, nếp ở… Qua đó đã tạo được chuyển biến từ trong suy nghĩ đến cách ứng xử, giao tiếp trong xã hội, tạo sự đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Tuy nhiên, so với nhiều địa phương, quá trình xây dựng xã văn hóa ở đây còn chậm. Theo Bí thư Đảng ủy xã Lê Thanh Tòng, Tân Lợi Thạnh chậm được công nhận xã văn hóa vì xuất phát điểm của xã rất thấp, nên tiêu chí xây dựng và phát triển văn hóa phải đồng bộ với kinh tế khó thực hiện. Hơn nữa, ở xã vùng căn cứ cách mạng này, các cựu chiến binh rất khắt khe trong tiêu chí xây dựng ấp văn hóa, xã văn hóa với quyết tâm nâng cao chất lượng, không chạy theo thành tích.

 

Tại buổi làm việc với xã Tân Lợi Thạnh vào ngày 5-6-2009, Trưởng đoàn Đoàn kiểm tra về thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy - ông Huỳnh Nam Bình - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy nhận xét: Hệ thống chính trị ở Tân Lợi Thạnh được nhận thức sâu sắc, thể hiện trách nhiệm và quyết tâm cao trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Xã đã có bước tuyên truyền, vận động và tạo được sự đồng tình trong nhân dân - thể hiện qua tỉ lệ hộ hoàn thành các tiêu chí. Do điều kiện thổ nhưỡng, Tân Lợi Thạnh có thời gian khá dài không tìm được cây trồng đột phá nên tỉ lệ hộ nghèo (12,6%) và cận nghèo (9,9%) còn khá cao. Phát triển văn hóa - xã hội gắn với kinh tế nhưng không có nghĩa là người nghèo thì không có văn hóa. Xã cần tiếp tục tuyên truyền để người dân tự ý thức nâng cao đời sống văn hóa của mỗi người, mỗi gia đình. “Phải làm thế nào để việc xây dựng đời sống văn hóa mang tính nhân dân thì phong trào mới bền bỉ và hiệu quả cao” – ông Huỳnh Nam Bình nhấn mạnh.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích