Về làng nghề khai thác thủy sản Bình Thắng

12/01/2018 - 08:19

Cảng cá Bình Thắng tấp nập tàu cá sau một chuyến ra khơi.

Cá khô là thức ăn dân dã, mang đậm hương vị mộc mạc, là đặc sản của nắng gió biển khơi. Từ những con cá tươi ngon của biển, bà con vùng quê xã Bình Thắng, huyện Bình Đại đã chế biến thành những loại cá khô đặc sản mang hương vị rất riêng mà ít có địa phương nào sánh kịp.

Nức tiếng với khô “lù đù một nắng”

Người dân quê biển Bình Thắng có câu nói cửa miệng “biển là nhà, đảo là quê hương”. Biển cho ta tôm cá, cho ta cuộc sống ấm no dạt dào như những đợt sóng hằng ngày ôm ấp mảnh đất yêu thương. Như những vùng biển khác trên khắp chiều dài của đất nước, biển Bến Tre cũng có những làng nghề được hình thành với những nét riêng gắn liền với quá trình vươn khơi bám biển của ngư dân. Ở đó người ta luôn tìm thấy những chiếc thuyền đang ngày đêm vượt biển ra khơi bởi những ngươi đàn ông có làn da cháy sém vì nắng gió. Và cũng có những người phụ nữ tay nở phồng vì tảo tần với nghề làm khô, lựa cá.

Cảng cá Bình Thắng là cảng cá duy nhất của huyện Bình Đại. Những tàu cá có công suất lớn đánh bắt xa bờ hay ghe nhỏ đánh bắt gần bờ đều về neo đậu tại đây. Vì vậy, các thương lái có mặt tại đây từ rất sớm để tìm mua sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của mình.

Bình Thắng nổi tiếng với loại đặc sản “khô lù đù một nắng”. Vì vậy, để có cá to, tươi, ngon, cùng với mọi người, chị Nguyễn Thị Em - chủ cơ sở làm cá khô Ấp 2, Bình Thắng tranh thủ dậy sớm để đến cảng cá. Chị Em cho biết, cá tươi là một trong những bí quyết để có những con khô ngon. Tuy nhiên, lù đù cũng có nhiều loại nhưng chỉ có cá lù đù sóc mới làm được “khô lù đù một nắng”. Bởi đây là loại cá có kích thước to, nhiều mỡ, sống gần bờ, khi chế biến khô sẽ mềm, mang hương vị rất riêng.

Có tận mắt chứng kiến cảnh bà con chờ để mua rồi lựa từng con cá, chúng tôi mới hiểu phần nào công việc của bà con nơi đây. Để khô lù đù một nắng ngon cần trải qua nhiều công đoạn từ khâu lựa, làm sạch cá, ngâm, róc xương rồi tẩm ướp gia vị. Trong đó, bí quyết cần quan tâm là ngâm cá trong nước đá nhiều giờ để cá đông cứng vừa phải sẽ giúp thuận tiện cho việc róc xương, tẩm ướp gia vị và tạo được thành phẩm đẹp, bắt mắt.

Giữ vững làng nghề

Chị Đỗ Thị Thương ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai khệ nệ với gần chục ký cá khô trên tay vẫn vui vẻ bày tỏ: “Một lần cùng bạn bè về Bình Thắng thăm người quen tôi, vô tình phát hiện sản phẩm này vậy là “mê” luôn từ đó. Nay cùng đồng nghiệp về Bến Tre công tác, tôi tranh thủ tạt qua mua vài ký, vừa biếu bà con vừa để làm thực phẩm dự trữ mấy ngày Tết”.

Còn anh Trần Thanh Sơn, TP. Hồ Chí Minh thì “mê” khô lù đù một nắng vì dễ chế biến, hương vị đậm đà, vừa ăn. “Loại khô này không chỉ là thực phẩm chế biến cho những bữa cơm thường ngày mà có thể làm “mồi” để tiếp khách, bởi thuận tiện trong bảo quản, lại chế biến nhanh, khách đến nhà chỉ cần vài phút là có món để “nhâm nhi” - anh Sơn nói vui.

Làng nghề chế biến cá khô xã Bình Thắng hiện có hơn 23 hộ tham gia. Mỗi năm, làng nghề cung cấp cho thị trường khoảng 30 tấn cá khô các loại. Do nằm gần biển nên người dân Bình Thắng đã chọn nghề chế biến, đánh bắt để phát triển kinh tế. Trải qua hàng chục năm hình thành và phát triển, làng nghề cá khô Bình Thắng vẫn giữ cách chế biến truyền thống đã làm nên hương vị nức tiếng cho sản phẩm này.

“Để phát huy làng nghề khai thác thủy sản Bình Thắng, địa phương tạo mọi điều kiện cho bà con tiếp cận các nguồn vốn vừa duy trì, giữ vững làng nghề vừa để vươn khơi bám biển. Bình Thắng hiện có lượng tàu cá đánh bắt xa bờ khá lớn, với 495 tàu, sản lượng đánh bắt năm 2017 đạt 70,3 ngàn tấn cá tôm các loại. Với lợi thế này, khi có sự đầu tư đúng mức, giúp ngư dân mở rộng, nâng cấp phương tiện khai thác, sản lượng đánh bắt sẽ tăng lên, kéo theo các nghề phụ cận, phụ trợ trên bờ phát triển, tạo việc làm ổn định cho bà con. Ra khơi, ngư dân không chỉ đánh bắt mà còn góp phần cùng lực lượng chức năng bảo vệ vùng biển của tỉnh nói riêng và biển đảo Việt Nam nói chung”.

(Ông Phạm Thanh Phong - Phó chủ tịch UBND xã Bình Thắng)

Bài, ảnh: P.Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích