Giồng Trôm hỗ trợ người dân trong khởi nghiệp

17/08/2018 - 07:50

BDK - Thời gian qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cụ thể là các chương trình hỗ trợ giảm nghèo, nhiều hộ dân của huyện đã vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển.

Đặc biệt, trong thực hiện chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, kể từ tháng 6-2016, lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm đến công tác khởi nghiệp để thoát nghèo và giảm nghèo bền vững. Công tác giảm nghèo đã trở thành phong trào thực hiện sâu rộng trong người dân, giúp nhiều hộ nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống thông qua nhiều hình thức như họp mặt, đối thoại trực tiếp với người nghèo, hướng dẫn thực hiện mô hình giảm nghèo, kinh nghiệm làm kinh tế hiệu quả.

Theo bà Lê Thị Sai - Trưởng phòng Tài chính kế hoạch, trên cơ sở khảo sát các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện, chí thú làm ăn, các địa phương trong huyện chọn ra hộ có nhu cầu tham gia sinh kế tại các ấp, khu phố đưa vào đề án sinh kế để hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho hộ. Có 1.693 hộ nghèo, hộ cận nghèo đăng ký tham gia đề án. Đến nay, số hộ tham gia là 852 hộ, đạt 50,32%; còn lại 841 hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp tục thực hiện đến năm 2020.

Dựa trên nhu cầu thực tế của hộ tham gia sinh kế và quy mô, kế hoạch sản xuất của hộ, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thẩm định, giải ngân cho 633 hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn để chăn nuôi, trồng trọt, xuất khẩu lao động, sản xuất, kinh doanh, kinh phí gần 10 tỷ đồng. 

Xác định xuất khẩu lao động là một hướng giảm nghèo bền vững, những năm qua, việc tư vấn xuất khẩu lao động được huyện đẩy mạnh. Từ năm 2016 đến nay, có 309 người tham gia xuất khẩu lao động (14 người thuộc hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo, 3 khởi nghiệp thoát nghèo), tổ chức 4 lớp dạy nghề tiếng Nhật tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và xã Thạnh Phú Đông với 72 học viên.

Bà Lê Thị Sai cho biết thêm, hiện có 10 mô hình giảm nghèo được tỉnh đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tại 7 xã: Lương Hòa, Châu Bình, Hưng Lễ, Lương Quới, Phong Nẫm, Tân Lợi Thạnh, Bình Thành với tổng số tiền đầu tư 578,5 triệu đồng cho 102 hộ nghèo. Mô hình nuôi dê tại xã Lương Quới, Lương Hòa, Hưng Lễ, Tân Lợi Thạnh, Phong Nẫm, mô hình nuôi bò xã Bình Thành và dệt thảm tại xã Phong Nẫm vẫn đang được duy trì và phát triển.             

Trong năm 2018, huyện Giồng Trôm phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm, đến năm 2020 thoát nghèo 1.693 hộ, đạt 100% theo đề án. Để thực hiện đạt chỉ tiêu này, huyện sẽ tập trung thực hiện các chế độ, chính sách đối với những hộ chí thú làm ăn, hộ tham gia sinh kế một cách thiết thực và cụ thể, làm cho người dân thấy được lợi ích khi tham gia sinh kế và tự giác tham gia; tập trung giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, tư vấn xuất khẩu lao động đến những hộ gia đình có con em trong độ tuổi lao động, nhất là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo; theo dõi, quản lý, hướng dẫn hộ gia đình ghi chép sổ quản lý để tự điều chỉnh, cân đối thu, chi của hộ và có giải pháp thực hiện phù hợp với điều kiện kinh tế của hộ...

Minh Mừng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN