Hội thảo về giải pháp phát triển nguồn nhân lực

04/12/2017 - 07:09
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Viện Xã hội học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) vừa phối hợp tổ chức hội thảo khoa học về giải pháp phát triển nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ. Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi đến dự.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đã có các báo cáo tổng quát về thực trạng, đặc thù nguồn nhân lực Tây Nam Bộ trong 30 năm qua; nhận diện ưu thế, hạn chế trong cơ cấu nhân lực và nhân lực chất lượng cao của vùng; những vấn đề liên quan đến chính sách phát triển nguồn nhân lực của vùng. Đồng thời, dự báo xu hướng cũng như gợi mở một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao phục vụ vùng trong giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2035.

Từ thông tin của các nhà nghiên cứu, gắn với tình hình cụ thể ở tỉnh nhà, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có tham luận nêu giải pháp phát triển nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020, cùng những yêu cầu đặt ra trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tỉnh đặc biệt quan tâm và tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi nhận xét: “Nguồn nhân lực là nguồn lực trực tiếp, quan trọng, là nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững”. Thời gian qua, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực: đội ngũ cán bộ, công chức được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kỹ năng làm việc; số lượng nhân lực trình độ cao phát triển; mặt bằng dân trí, tay nghề lao động được nâng lên… Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: đào tạo các ngành nghề chưa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chất lượng đào tạo chưa cao; chưa phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong xây dựng giáo trình, đưa học sinh, sinh viên thực tập tại doanh nghiệp; thiết bị thực hành theo công nghệ mới còn thiếu…

Trong phần thảo luận, đại diện các sở, ngành và các cơ sở giáo dục, đào tạo cũng đã nêu những ý kiến cụ thể về hiện trạng, công tác quản lý, sử dụng nguồn nhân lực và đề xuất thêm một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Tin, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN