Nhiều hộ thoát nghèo nhờ tham gia Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững

27/03/2018 - 21:50

BDK - Năm 2016, qua bình xét hộ nghèo, cận nghèo, xã Châu Bình có 236 hộ nghèo với 800 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 9,9%; 87 hộ cận nghèo với 293 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 3,6%.

Mô hình nuôi gà thả vườn của hộ ông Trần Vinh Thịnh.

Mô hình nuôi gà thả vườn của hộ ông Trần Vinh Thịnh.

Ấp có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là Bình Đông B (46 hộ), thấp nhất là Bình Thạnh (11 hộ). Trên cơ sở rà soát, địa phương đã lập danh sách 82 hộ để hỗ trợ tham gia Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững.

Thoát nghèo từ nuôi gà thả vườn

Từ danh sách trên, Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã giao trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ từng hộ cho các đoàn thể, các hội quản lý, hướng dẫn, cùng nghĩ, cùng làm… để giúp hộ nghèo vươn lên, thoát nghèo. Điển hình như hộ ông Trần Vinh Thịnh, sinh năm 1961, ở ấp Bình An. Từ nguồn vốn 10 triệu đồng trích từ Quỹ hỗ trợ dành cho hộ nghèo khởi nghiệp, thoát nghèo bền vững do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Giồng Trôm hỗ trợ, ông Thịnh đã mạnh dạn đầu tư nuôi 1.000 con gà thả vườn và đã giúp gia đình ông thoát nghèo trong năm 2017.

Gia đình ông Thịnh có đến 3 người con (2 trai, 1 gái), ít đất canh tác lại thiếu vốn làm ăn. Trước khi tham gia đề án, ông Thịnh đã bươn chải đủ nghề, làm thuê kiếm sống mà vẫn không thể thoát khỏi cảnh nghèo. Năm 2016, hộ ông được xã chọn và đưa vào tham gia Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững.

“Về kỹ thuật chăn nuôi, trước đó, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn cho hộ nông dân trên địa bàn; trong đó, có kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn. Ông Thịnh tham gia học rất đầy đủ, dường như lớp nào cũng có dự học. Có lần, ông tâm sự rằng, nếu có tiền, ông sẽ đầu tư nuôi gà thả vườn vì sau khi tham dự lớp tập huấn, ông sẽ am hiểu nhiều hơn”, chị Ngô Thị Yến Nhi - cán bộ giảm nghèo của xã kể.

Cuối năm 2017, với 800 con gà xuất chuồng - trọng lượng mỗi con 1,5kg, giá bán cho thương lái lên đến 85 ngàn đồng/kg, ông Thịnh thu về gần 97 triệu đồng. Cuối năm 2017, ông tự nguyện xin thoát nghèo. Chị Yến Nhi cho biết, ông Thịnh rất chịu khó, chí thú làm ăn. Địa phương sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ vốn để giúp hộ gia đình ông thoát nghèo bền vững, không tái nghèo. Mô hình của ông Thịnh được huyện và địa phương đánh giá rất cao vì tính hiệu quả.

Vợ ông Thịnh cho biết, hiện đang trong giai đoạn tổng vệ sinh và sửa chữa chuồng trại. Trong năm chỉ nuôi 2 đợt là thích hợp nhất (giữa năm và cuối năm) vì môi trường thuận lợi và bán sẽ được giá cao hơn.

36 hộ thoát nghèo bền vững

Trong năm 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân với tổng nguồn vốn vay lên đến 3,4 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo tại địa phương. Ngoài ra, xã tổ chức tư vấn xuất khẩu lao động cho 115 đối tượng, trong đó có nhiều đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Theo chị Yến Nhi, cuối năm 2017, qua bình xét những hộ tham gia đề án, có 36 hộ thoát nghèo bền vững, 21 hộ chuyển qua cận nghèo. Điều đáng ghi nhận là nhiều hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo đã sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả. Nhiều hộ đã mạnh dạn xin đăng ký tham gia xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật. Điển hình là hộ anh Võ Văn Ngươn, gia đình có 4 người con, ít đất và cả hai vợ chồng đang chuẩn bị tháng 5-2018 là xuất khẩu lao động sang Nhật. Qua khảo sát, thăm dò đối với hộ nghèo, cận nghèo thì đây cũng là xu hướng mới, mở ra nhiều cơ hội để người nghèo thoát nghèo bền vững.

Từ những kết quả đạt được với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể, cuối năm 2017, qua bình nghị, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, toàn xã chỉ còn 72 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,04%; 103 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,35% (kéo giảm 7%).

Ngoài ra, trong năm, địa phương đã vận động từ các mạnh thường quân xây dựng và bàn giao 8 căn nhà tình thương. Hiện tỉnh cũng rất quan tâm, hỗ trợ địa phương trong Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững năm 2018, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia đã triển khai và xây dựng nhiều mô hình như nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, may công nghiệp… để giúp và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN