Nhiều mô hình sinh kế ở Châu Hưng đạt hiệu quả

19/10/2018 - 07:28

BDK - Thời gian qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã Châu Hưng, huyện Bình Đại được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, các chính sách về giảm nghèo ngày càng mở rộng. Việc thực hiện đề án phát triển đa dạng sinh kế có chương trình, kế hoạch cụ thể. Qua đó, nhiều mô hình sinh kế đạt hiệu quả cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.

Chị Nguyễn Ngọc Gương chăn nuôi vịt thịt, vịt lấy trứng.

Chị Nguyễn Ngọc Gương chăn nuôi vịt thịt, vịt lấy trứng.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Một trong những giải pháp giảm nghèo xã Châu Hưng là tập trung công tác tuyên truyền về các chế độ, chính sách ưu đãi dành cho người nghèo, các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, các gương điển hình vượt khó, vươn lên thoát nghèo, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của đề án sinh kế, chương trình khởi nghiệp và lợi ích của hộ gia đình khi tham gia đề án. Cấp phát 51 sổ tay nhật ký cho hộ nghèo, cận nghèo tham gia phát triển sinh kế. Phối hợp với các ngành, đoàn thể huyện tổ chức họp mặt, đối thoại trực tiếp với người nghèo, cận nghèo tại địa bàn xã, có 100 lượt người nghèo, cận nghèo tham dự.

Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế, khởi nghiệp, giảm nghèo gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống giúp người dân nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả như: chuyển đổi đất nông nghiệp, trồng xen, nuôi xen... Với nguồn vốn phân bổ, xã xây dựng phương án sản xuất, xây dựng, nhân rộng mô hình giảm nghèo nuôi dê sinh sản cho 7 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã với số tiền 10 triệu đồng/hộ. Đa số hộ chọn dê chất lượng giống tốt, dê đã mang thai, một số đã sinh sản và phát triển tốt.

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia, các đoàn thể phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thẩm định, xây dựng dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo giúp cho các hộ có nhu cầu tham gia phát triển sản xuất. Tính từ năm 2016 đến tháng 5-2018, xã phối hợp giải ngân hơn 12 tỷ đồng cho 681 hộ vay với mục đích chăn nuôi, buôn bán, trồng trọt... Các mô hình từ nguồn vốn các chương trình, dự án được các đoàn thể quản lý đã triển khai, vận động hộ dân thành lập các mô hình, tổ sản xuất, trong đó có hộ khá, hộ có kỹ thuật giúp hộ khó khăn, hộ nghèo, hộ chưa biết cách làm ăn...

Những điển hình vươn lên

Hộ chị Nguyễn Ngọc Gương, ấp Hưng Nhơn là hộ nghèo nhiều năm liền của địa phương. Chồng chị mất cách đây khoảng 12 năm, để lại cho chị 2 đứa con, đứa nhỏ 3 tháng tuổi. Trước hoàn cảnh gia đình, chính quyền địa phương tranh thủ nguồn vốn từ Dự án Seed to Table hỗ trợ vốn cho chị mua 1 con bò và ống hồ cách đây 3 năm. Nhờ cần cù, chịu khó, chị chăn nuôi thành công và trả lại được nguồn vốn cho dự án và con bò của chị cũng sắp có thêm bê con. Đầu năm 2018, chị được hỗ trợ từ nguồn vốn sinh kế 30 triệu đồng, chị Gương nuôi vịt lấy trứng, vịt thương phẩm và nuôi heo sinh sản. Hiện nay, hàng tháng chị xuất bán hơn 20 con vịt thương phẩm và hàng trăm quả trứng. Đàn heo của chị cũng nhân lên thành 3 con heo sinh sản và hơn chục con heo con. Ngoài ra, tận dụng 3 công đất vườn, chị đặt dừa xen bưởi, tuy chưa có thu nhập nhưng vườn dừa hiện nay sai trái, cây bưởi tốt tươi. Hiện thu nhập của chị cũng đã tăng lên hàng tháng khoảng 3 triệu đồng. Nhờ chí thú làm ăn, tiết kiệm chi tiêu, gia đình chị Gương hiện nay có cơ sở làm ăn ổn định, dự kiến thoát nghèo cuối năm 2018.

 Hộ ông Đặng Văn Nhường, cùng ấp Hưng Nhơn, cũng là hộ khó khăn nhiều năm liền. Được hỗ trợ nguồn vốn của Dự án Seed to Table năm 2017, ông đầu tư chăn nuôi bò, đến nay, ông đã được nguồn vốn và hiện có 2 con bò. Giữa năm 2018, ông Nhường tiếp tục được nhận hỗ trợ nguồn vốn sinh kế và ông dự định chăn nuôi thêm 1 con bò cái sinh sản. Ngoài ra, ông Nhường được nhà tài trợ xây tặng nhà tình thương. Dự kiến cuối năm 2018, ông Nhường cũng sẽ được chính quyền xem xét để thoát nghèo.

Qua chú trọng đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo gắn với thực hiện Đề án sinh kế đã mang lại nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo tại địa phương, nhiều hộ nghèo biết được cách làm ăn, tự phấn đấu vươn lên. Qua kết quả điều tra hộ nghèo cuối năm 2017, toàn xã có 75 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,55%, giảm 3,94% so với cùng kỳ. Riêng qua 2 năm thực hiện đề án sinh kế (2016, 2017),  xã có 54 hộ tham gia đề án, kết quả có 27 hộ thoát nghèo. Năm 2018, có 16 hộ tham gia đề án sinh kế, dự kiến có 12 hộ thoát nghèo.

Ông Nguyễn Duy Phúc - Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đề án sinh kế, về chương trình khởi nghiệp thoát nghèo sâu rộng đến các ngành và nhân dân. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh đối tượng tham gia sinh kế giai đoạn 2016 - 2020 và hộ tham gia sinh kế, khởi nghiệp năm 2018 là những hộ thật sự chí thú làm ăn, có ý chí vươn lên thoát nghèo. Nghiên cứu hỗ trợ hộ tham gia sinh kế phù hợp bằng chính sách, giải pháp cụ thể đối với hoàn cảnh thực tế của từng hộ...

Bài, ảnh: Tuyết Mai

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN