Nhu cầu đổi nước ngọt của người dân tăng

26/02/2020 - 13:31

BDK.VN - Hiện nay, hầu hết nước ở các nhà máy và các kênh, rạch trên địa bàn tỉnh đều bị nhiễm mặn từ 2‰ trở lên. Độ mặn này không thể sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt. Vì vậy, nhu cầu đổi nước ngọt của người dân tăng cao. Ở nhiều nơi, người dân chấp nhận đổi nước ngọt với giá từ 80 – 100 ngàn đồng/m3 nước giếng khoan, thậm chí có nơi phải trả 300 ngàn đồng/m3 nước... sông.

Bà Tiền Ngọc Nga, xã Mỹ Hoà (Ba Tri) sử dụng nước tiết kiệm vì mỗi khối nước bà phải trả 85 ngàn đồng.

Bà Tiền Ngọc Nga, xã Mỹ Hoà (Ba Tri) sử dụng nước tiết kiệm vì mỗi khối nước bà phải trả 85 ngàn đồng.

Giá nước phụ thuộc vào quãng đường

Anh Huỳnh Hoàng Phú, xã Tam Phước, huyện Châu Thành bỏ ra 300 ngàn đồng để trả cho 1m3 nước sông được xe chở đến tận nhà. Anh Phú cho biết, nguồn nước này được xà lan chở từ Tiền Giang sang 300 ngàn đồng/m3 nước là giá tính cả tiền nước và tiền công chở. Vì cần nguồn nước ngọt để tưới cho các cây trồng nên anh chấp nhận với giá cao chứ không còn nguồn nước ngọt nào khác.

Tại một số xã của huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách, người dân cũng  phải đổi nước ngọt để dùng với giá từ 80 - 200 ngàn đồng/m3.

Nhà có gần 10 dụng cụ trữ nước mưa như ống hồ, lu, thùng... nhưng đến lúc này nước mưa cũng hết, gia đình bà Tiền Ngọc Nga, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri phải đổi nước ngọt từ xe đổi nước để dùng. 170 ngàn đồng/2m3 nước ngọt lấy từ giếng khoan là giá mà người đổi nước thu của bà Nga.

Với nhiều gia đình không có điều kiện thì mức giá hơn 80 ngàn đồng/m3 nước ngọt không phải rẻ. Nhưng bà Nga và nhiều gia đình khác vẫn chấp nhận đổi, bởi vì cần nước ngọt. “Nhà tôi bên này sông người ta thu 85 ngàn đồng/m3 nhưng nhà cháu của tôi chỉ cách một con rạch khoảng 2m, họ đòi giá 100 ngàn đồng/m3”, bà Nga cho biết.

Với mức giá 85 ngàn đồng/m3 nước, anh Huỳnh Văn Diệp, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, nhẫm tính mỗi tháng anh tốn trên 500 ngàn đồng tiền chi cho đổi nước ngọt. Một gia đình khó khăn như nhà anh Diệp thì khoảng tiền đó là mức chi phí rất cao nhưng phải chấp nhận vì giờ không nơi nào giá thấp hơn, nếu không đổi thì không có nước dùng.

Theo anh Hồ Văn Bảy, làm nghề đổi nước ở xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, có những gia đình ở nơi xe không đến được thì giá nước tăng lên gấp đôi. Họ phải đổi nước từ các ghe. Những ghe này mua nước từ những xe chở nước với giá khoảng 80 – 100 ngàn đồng/m3, sau đó chở đi đổi lại cho những gia đình ở nơi hẻo lánh với giá 200 ngàn đồng/m3.

Nguồn nước ngọt ở Bến Tre trở nên khan hiếm khi các nhà máy cung cấp nước sạch cũng bị nhiễm mặn. Tận dụng thời cơ này, nhiều xà lan đã chở nước sông từ các tỉnh như Tiền Giang, Cần Thơ về cung cấp cho người dân Bến Tre.

Tại Bến Lở, đường Hùng Vương (khu vực chợ đêm TP. Bến Tre), mỗi ngày có xà lan cập bờ sông đổi nước lại cho các xe bồn, xe bốn bánh chở thuê với giá 100 ngàn đồng/m3. Sau đó, các xe này sẽ chở nước đến các hộ dân có nhu cầu bán lại với giá từ 150 - 200 ngàn đồng/m3, tùy đoạn đường xa hay gần.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Mỏ Cày Nam cho biết, trên địa bàn huyện, tình trạng thiếu nước rất trầm trọng. Vì khan hiếm nước ngọt nên dù phải đổi nước với mức giá từ 150 - 200 ngàn đồng/m3, người dân vẫn chấp nhận để có nước ngọt sử dụng.

Đổi nước với mọi giá

Đó là tình cảnh mà nhiều hộ gia đình ở những vùng sâu, vùng xa khu dân cư, ở những nơi hẻo lánh, ngoài ruộng, ven sông... ở Bến Tre đang trải qua.

Gia đình khó khăn nên không có điều kiện mua sắm các dụng cụ trữ nước mưa, nước ngọt nên đến nay, nguồn nước ngọt nhà anh Huỳnh Văn Diệp, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri đã hết. Thế nhưng, gọi xe đổi nước ngọt 3 ngày xe mới chở tới. Trong thời gian đó, nhà anh Diệp phải dùng nước mặn cho mọi sinh hoạt.

Anh Huỳnh Văn Diệp, xã Tân Xuân (Ba Tri) mỗi tháng tốn khoảng 500 ngàn đồng tiền đổi nước ngọt.

Anh Huỳnh Văn Diệp, xã Tân Xuân (Ba Tri) mỗi tháng tốn khoảng 500 ngàn đồng tiền đổi nước ngọt.

Anh Diệp cho biết, vì nhu cầu đổi nước của người dân nhiều và nhà anh nằm cách đường một con kênh, xe chở nước phải đấu nối đường ống sang nên họ ưu tiên chở nước cho những hộ gần đường trước rồi mới đến nhà anh. Giờ nhà có nước ngọt, anh rất mừng.

Bơm nước chứa hết vào các lu, thùng, anh Diệp liền đem một xô nước ngọt cho bò uống bởi những ngày qua con bò nhà anh toàn uống nước mặn. “Mấy ngày nay, con bò nhà tôi không uống nước vì nước mặn. Đem bao nhiêu nước cũng đổ bỏ ra ngoài hết. Nay có nước ngọt, nó uống hết sạch”, anh Diệp cho biết.

“Nước mặn nên không có nước xài. Tắm rửa cho em bé, rửa rau, giặt đồ phải có nước ngọt chứ xài nước mặn không được. Với lại, nước mặn bò cũng không chịu uống thành ra giờ đổi nước ngọt nhưng đợi mấy ngày họ mới chở tới. Họ chở cho mình là may lắm rồi vì ở xa, đường khó đi”, bà Tiền Ngọc Nga, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri cho biết.

Anh Nguyễn Văn Giới, làm nghề đổi nước, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri cho biết, ở đâu nước cũng mặn, cũng phèn nên người dân có nhu cầu đổi nước rất nhiều. Có hàng chục xe công nông chở nước ngọt từ các giếng khoan ở Tân Xuân đi đổi mà vẫn không kịp. Tại xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm cũng có vài điểm đổi nước ngọt: cơ sở sản xuất nước đá, gia đình có máy lọc nước RO... tấp nập người mua, xe chở đi đổi.

Chị Nguyễn Thị Tiên, xã Lương Quới cho biết, đợi xe chở đến nhà rất lâu vì nhà hẻo lánh nên chị chủ động chạy quãng đường hơn 3km đem theo 2 can nước (30 lít/can) ra cơ sở sản xuất nước đá để mua nước ngọt với giá 7.000 đồng/30 lít.

Trao đổi với phóng viên về giá nước ngọt bị đẩy lên cao, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng cho biết, đã nắm được thông tin này. UBND tỉnh đã ban hành công văn đề nghị các phương tiện xà lan can thiệp chở nước ngọt phục vụ nhu cầu của người dân. Kế hoạch này sẽ góp phần làm giảm giá nước hiện nay.

Hiện nay, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh đều sử dụng nước nhiễm mặn. Dự báo mặn sẽ kéo dài đến hết tháng 4-2020. Tỉnh dự đoán có khoảng 57 ngàn hộ dân sinh sống xa trong nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển, trên các cù lao, cồn hoặc ở cặp theo kênh rạch sâu trong ruộng vườn có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh nếu mặn tiếp tục kéo dài.

Bài, ảnh: Viết Duyên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích