Nỗ lực thoát nghèo từ các nguồn vốn hỗ trợ

15/11/2019 - 06:57

BDK - Hưởng ứng phát động của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về công tác giảm nghèo và vận động hộ nghèo có điều kiện đăng ký thoát nghèo bền vững, đã có nhiều hộ nghèo nỗ lực phấn đấu cùng với sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức chính trị, đoàn thể, các mạnh thường quân đã vươn lên thoát nghèo bền vững và hỗ trợ lại những hộ nghèo có hoàn cảnh giống mình trước đây. Sau đây là một số gương tiêu biểu.

Tạo việc làm ổn định cho lao động nữ ở xã Vĩnh Thành (Chợ Lách).

Tạo việc làm ổn định cho lao động nữ ở xã Vĩnh Thành (Chợ Lách).

Ông Trần Văn Mến, ấp Phụng Đức, xã Phú Phụng (Chợ Lách)

Gia đình ông Mến có 4 nhân khẩu, năm 2012 - 2014 là hộ nghèo, 2014 - 2018 là hộ cận nghèo. Cả 4 người trong gia đình nhưng chỉ có 1.200m2 đất để canh tác, bình quân mỗi người chỉ 300m2 đất. Nguồn thu nhập chính nhờ vào cây trái trên đất này và tiền làm thuê mướn hàng ngày của hai vợ chồng ông. Hoàn cảnh gia đình ông Mến vô cùng khó khăn vì lo cho mẹ già yếu nằm một chỗ, các con trong độ tuổi đi học. Năm 2015, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã với số tiền 6 triệu đồng, ông Mến mua 2 con dê giống về nuôi, sau khi được hỗ trợ kỹ thuật và được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn số tiền 40 triệu đồng, ông Mến mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp, chăm sóc các cây chôm chôm đang có. Cuối năm 2018, thu nhập của gia đình đã ổn định, ông liền viết đơn xin thoát nghèo.

Từ đầu năm 2019 đến nay, ngoài việc chăm lo vườn cây nhà mình, ông Mến còn mạnh dạn chăn nuôi dê. Với mô hình trên, hàng năm, gia đình ông thu nhập bình quân khoảng 65 triệu đồng. Hiện nay, ông đang hỗ trợ, giúp đỡ cho 3 hộ nghèo, hộ khó khăn khác trong xóm qua việc hỗ trợ, bán trả chậm dê giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi dê, sản xuất chôm chôm, tạo điều kiện cho những hộ khó khăn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần cùng địa phương giảm nghèo một cách bền vững.

Bà Đoàn Thị Kim So, ấp An Thiện, xã An Thới (Mỏ Cày Nam)

Gia đình bà So có 4 nhân khẩu với 1.000m2 đất nhưng không có vốn sản xuất. Chồng bà đi làm thuê mướn không ổn định nên cuộc sống rất khó khăn. Năm 2012, được sự hỗ trợ Quỹ vì người nghèo huyện, bà mua 2 con bò về nuôi, đến năm 2014, cuộc sống đã khấm khá hơn. Năm 2017, gia đình bà nhận làm gia công cho một cơ sở làm ghế và đăng ký tham gia thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững của xã. Bà vay Ngân hàng Chính sách xã hội 100 triệu đồng, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển 20 triệu đồng để đầu tư mở cơ sở đan ghế xuất khẩu. Ban đầu chỉ có 6 công nhân nhưng hiện nay đã có tới 22 công nhân đang theo làm việc tại cơ sở, trong đó có 8 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo.

Cơ sở của bà So còn tạo điều kiện cho 18 hộ gia đình có công ăn việc làm, đem sản phẩm về nhà gia công, trong đó có 6 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Hiện nay, gia đình bà So đã thoát nghèo bền vững, thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 25 triệu đồng. Bà cất được nhà mới khang trang và mua thêm 2 công đất, các con bà cũng đã học hành đến nơi đến chốn. Năm 2019, bà đã giúp 4 hộ nghèo có việc làm và hiện đã thoát nghèo bền vững. Dự kiến trong năm 2020, gia đình bà sẽ hỗ trợ 2 hộ nghèo của ấp thoát nghèo.

Ông Bùi Trung Trực ở ấp Thạnh Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại

 Trước đây, gia đình ông Trực gặp nhiều khó khăn, không có đất để sản xuất, 2 đứa con còn nhỏ nên cái nghèo luôn đeo bám gia đình nhiều năm. Năm 2017, ông quyết tâm thoát nghèo bằng việc mạnh dạn đăng ký tham gia Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững và được hỗ trợ 3 con dê sinh sản. Hội Nông dân hỗ trợ 10 triệu đồng, ông vay thêm 60 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua bò giống về nuôi, đồng thời còn thuê đất trồng cỏ nuôi bò. Qua 2 năm thực hiện mô hình, đời sống gia đình ông từng bước được cải thiện. Năm 2018, ông Trực đăng ký với địa phương thoát nghèo.

Hiện gia đình ông có thu nhập ổn định, mua được khoảng 1.000m2, đàn dê sinh sản lên đến 32 con và 4 con bò nái sinh sản. Kinh tế khấm khá, nhớ lại lúc khó khăn được nhiều tổ chức, cá nhân giúp đỡ nên ông Trực rất tích cực tham gia các phong trào tại địa phương. Ông đã hỗ trợ 3 hộ nghèo trong ấp về con giống, kỹ thuật chăn nuôi, góp phần cùng địa phương thực hiện công tác giảm nghèo.

Thời gian qua, MTTQ các cấp, các đoàn thể đã phát động trong cán bộ, đoàn viên, hội viên tích cực thực hiện phong trào “Giúp nhau làm kinh tế gia đình” như giúp đỡ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về giống, cây trồng, vật nuôi, vốn, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh đã góp phần kéo giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh. Nhiều hộ thoát nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên khá, giàu.

Sắp tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ dành một phần Quỹ vì người nghèo để quay vòng hỗ trợ người nghèo trong sản xuất, kinh doanh, giúp họ thoát nghèo bền vững.

(Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đoàn Văn Đảnh)

Bài, ảnh: Hương Thu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN