Tiếp sức thoát nghèo bền vững

12/10/2018 - 08:36

Tiếp cận hộ nghèo theo cách mới là tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững bằng đa dạng sinh kế. Các ngành, các cấp có nhiều giải pháp đồng bộ để tiếp sức và đặc biệt là việc tiếp sức chỉ thực hiện đối với người nghèo có ý chí thoát nghèo thật sự, có ý tưởng đa dạng sinh kế và kế hoạch phát triển sản xuất cụ thể. Cách làm mới này bước đầu mang lại kết quả khả quan nhưng cũng gặp không ít trở ngại.

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra sổ nhật ký ghi chép của hộ nghèo ở xã Thạnh Phước (Bình Đại).

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra sổ nhật ký ghi chép của hộ nghèo ở xã Thạnh Phước (Bình Đại).

Công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, trong 9 tháng năm 2018, công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ với nhiều hoạt động cụ thể (như hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo mới thoát nghèo, hỗ trợ vốn vay ưu đãi...). Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tiếp tục được tập trung thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về quản lý theo dõi hộ nghèo, tư vấn hộ nghèo xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất; họp mặt, đối thoại về các vấn đề người dân quan tâm như vốn vay, nhà ở, y tế, nước sạch vệ sinh môi trường...

Để phấn đấu thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 7% theo kế hoạch năm (ước tính hiện đạt khoảng 7,93% theo chuẩn nghèo đa chiều), bên cạnh tiếp tục thực hiện các giải pháp đề ra ngay từ đầu năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, đánh giá hiệu quả đề án cho người nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để triển khai các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn. Đồng thời, tiến hành rà soát hộ nghèo vào cuối năm để đánh giá, nắm bắt được tình trạng hộ nghèo, từ đó có chính sách giúp người dân thoát nghèo hiệu quả thông qua các chính sách hỗ trợ.

Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động có nhiều chuyển biến tích cực, đã quan tâm tư vấn việc làm, nghề nghiệp trực tiếp và tổ chức các phiên giao dịch việc làm, qua đó đã giải quyết việc làm cho gần 17.400 lao động, đạt 96,64%, xuất khẩu lao động đạt 114,75% so với nghị quyết và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55,3% (nghị quyết là 56%).

Nâng cao năng lực giảm nghèo cho người dân

Theo đánh giá, việc triển khai đề án ở cơ sở chưa rộng khắp, còn chung chung. Người nghèo chưa nắm hết các thông tin, chuyển đổi nhận thức còn chậm, thiếu nguồn lực hỗ trợ lao động tham gia xuất khẩu lao động. Một số địa phương còn chọn hộ sai trong tham gia đề án. Công tác tiếp cận, hướng dẫn hộ nghèo cách thức phát triển sinh kế chưa đạt yêu cầu. Việc kết nối các nguồn lực hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất và tiếp cận các dịch vụ cơ bản (nước sạch, hố xí, nhà ở) còn hạn chế.

Qua cuộc khảo sát kết quả thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững mới đây, những mặt được và hạn chế được nhìn nhận tổng quan, giúp tỉnh đánh giá hạn chế, khó khăn trong 9 tháng năm 2018 và có giải pháp thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ông Nguyễn Minh Lập - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, sau 2 năm triển khai thực hiện đề án, toàn tỉnh có 11/16 ngàn hộ tham gia, đạt 75% tổng số hộ, trong đó có 3.000 hộ chính thức có đầu tư, có hướng dẫn, với khoảng 200 - 300 mô hình sinh kế được xây dựng.

Ông Nguyễn Minh Lập đánh giá kết quả này chưa như mong muốn. Nguyên nhân cốt lõi là mục tiêu, mong muốn của tỉnh về nâng cao năng lực giảm nghèo để thoát nghèo bền vững chưa được nhận thức rõ trong hệ thống chính trị và người dân. Chỉ có 4/8 huyện triển khai nghiêm túc. Có 80 xã làm đúng mục tiêu, phương pháp, nội dung mà chủ trương đưa ra.

Giải pháp trong thời gian tới là lãnh đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thực hiện tốt đề án; tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ cận nghèo, hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn, lập mô hình sản xuất và các chính sách xã hội để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, vươn lên thoát nghèo. Đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động, nhất là tập trung khắc phục bất cập trong đào tạo lao động, đào tạo phải gắn với nhu cầu xã hội. Tổ chức tốt cuộc thi chung kết hội thi “Sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng”.

“Cốt lõi phải tiếp tục tuyên truyền cho người dân hiểu chủ trương của tỉnh, phải để người nghèo chủ động vươn lên. Cán bộ giảm nghèo, đoàn thể phải đồng hành, phối hợp đồng bộ, kiên trì, bền bỉ hướng dẫn người nghèo tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, cần có vốn để tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cho người nghèo, tiếp tục nâng cao năng lực cho cán bộ hỗ trợ giảm nghèo... Cùng với sự quan tâm phát triển sản xuất thì quan trọng hơn là phải quan tâm đầu ra sản phẩm cho người dân để người dân yên tâm phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế”, ông Nguyễn Minh Lập nhấn mạnh.

Bài, ảnh: M.An

84 tỷ đồng cho phụ nữ vay phát triển sinh kế

Theo bà Nguyễn Thị Thu Ba - Giám đốc Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay, hoạt động quỹ tiếp tục được duy trì và phát triển, giúp cho nhiều hộ có kế hoạch phát triển kinh doanh nhưng thiếu vốn tiếp cận nhanh nguồn vốn tín dụng của quỹ.

Hoạt động tín dụng của quỹ đã tập trung hỗ trợ cho các địa phương hình thành các mô hình sinh kế bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 121 xã có thành viên tiếp cận nguồn vốn của quỹ, với trên 18,4 ngàn hộ tham gia, trong đó hộ nghèo chiếm 31%. Tổng dư nợ tín dụng hiện lên đến trên 84 tỷ đồng. Ngoài hoạt động tín dụng, quỹ còn thực hiện đa dạng các hoạt động phúc lợi xã hội, tiết kiệm, tương trợ…

C. Trúc

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN