Việc thích ứng biến đổi khí hậu là nền tảng cho mọi chiến lược

04/12/2019 - 07:27

BDK - Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu (BĐKH) tiếp tục là mối quan tâm toàn cầu. Câu chuyện xây dựng chiến lược thích ứng với BĐKH có ý nghĩa sống còn, phải xuyên suốt, lâu dài và là nền tảng cho mọi chiến lược khác.

Đoàn chuyên gia Viện Châu thổ và Khu dự trữ sinh quyển Danube, Romania khảo sát thực địa về BĐKH tại tỉnh.

Đoàn chuyên gia Viện Châu thổ và Khu dự trữ sinh quyển Danube, Romania khảo sát thực địa về BĐKH tại tỉnh.

Tác động lên nhiều lĩnh vực

Theo kịch bản BĐKH tỉnh được cập nhật theo kịch bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đến năm 2020, ranh giới mặn 4%o xâm nhập 60 - 70km từ cửa sông vào mùa khô dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Nếu như các công trình thủy lợi ngăn mặn điều tiết nước của tỉnh chưa hoàn thành, khép kín thì tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn. Đến năm 2100, tỉnh là một trong những địa phương ven biển có nguy cơ ngập cao với 22,2% diện tích tự nhiên của tỉnh bị ngập khi mực nước biển dâng 100cm.

Bên cạnh đó, vấn đề chia sẻ sử dụng nước, tích và xả nước của các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong là một thách thức và gia tăng áp lực lớn lên phát triển bền vững của tỉnh nói riêng và cả đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung. Sự bất thường về lượng mưa, nhiệt độ và thời tiết sẽ gây thêm những thử thách lớn cho tỉnh. Đó là những tổn thất về năng suất và sản lượng hoặc làm gia tăng chi phí đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đe dọa an ninh lương thực và tạo nên những biến động tiêu cực lên nông thôn. Cụ thể, làm suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên, thu hẹp diện tích canh tác và cư trú…

Theo nhận định của các chuyên gia, dự kiến sẽ có dịch chuyển dòng di cư của nông dân các vùng ven biển bị tác động bởi BĐKH và nước biển dâng lên các đô thị. Điều này khiến các kế hoạch quy hoạch đô thị bị phá vỡ, trật tự xã hội sẽ là thách thức, môi trường đô thị sẽ bị xấu đi do sự gia tăng cơ học về dân số. Tất cả các tác động là thách thức rất lớn sẽ uy hiếp sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, nền nông nghiệp có thể bị mất bền vững.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, BĐKH đang uy hiếp sự phát triển vùng nông nghiệp ĐBSCL. Nếu không có hành động tích cực, phù hợp với quy luật tự nhiên, nơi đây có thể mất tính bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, các nhà quản lý cần sớm nhận thức nguy cơ và phải có những đối sách hợp lý.

Phải gắn với phát triển bền vững

Đối với sản xuất nông nghiệp, cần phải có những điều chỉnh lịch thời vụ kịp thời, đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống cây, con mới có thể chịu đựng khô hạn, nhiễm mặn tốt hơn. Sử dụng biện pháp tưới tiêu tiết kiệm nước, giảm chi phí sản xuất và phù hợp với sự suy kiệt nguồn nước.

Ngoài ra, ưu tiên xây dựng và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo nhằm phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. Cần phối hợp với nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật, các tổ chức chính phủ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ để cùng nhau chung tay xây dựng và triển khai các hoạt động cụ thể giúp cộng đồng thích nghi. “Việc tạo dựng các chính sách thích hợp để thích ứng với sự thay đổi của khí hậu trong tương lai và lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có ý nghĩa rất lớn”, PGS.TS Lê Anh Tuấn lưu ý.

Theo các chuyên gia Viện Châu Thổ và Khu dự trữ sinh quyển Danube, Romania, cần có sự đổi mới trong tư duy, nhận thức, năng lực ứng phó, năng lực chuyển đổi của cả hệ thống chính trị và người dân trước những bất lợi của BĐKH. Cần phối hợp liên kết giữa các chủ thể, giữa các ngành, các địa phương trong và ngoài vùng. Có như vậy, mới có thể chuyển từ việc ứng phó bị động với BĐKH sang chủ động thích ứng một cách bền vững.

Trong đó, thực hiện các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chuyên viên phụ trách về BĐKH; tăng trưởng xanh đáp ứng nhu cầu hội nhập, hợp tác quốc tế là rất cần thiết. Bởi lẽ, khi có đủ năng lực thích ứng với BĐKH, con người sẽ có những hành động tích cực cùng cộng đồng bảo vệ, tránh được những can thiệp thô bạo vào tự nhiên; tận dụng các cơ hội từ BĐKH để phát triển kinh tế - xã hội.

Trong các chuyến khảo sát về tác động BĐKH và tham vấn ý kiến chuyên gia về tầm nhìn chiến lược của tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng ứng phó BĐKH phải bao gồm: tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội trước các tác động tiêu cực; nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại; tăng cường nguồn lực cho thích ứng với BĐKH. Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Võ Văn Ngoan cho biết, tỉnh đã xác định ứng phó với BĐKH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo cho phát triển bền vững; đã và đang triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó với BĐKH.

Đặc biệt, ngành chuyên môn đã tham vấn ý kiến của Cục BĐKH, Bộ TN&MT để xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến 2050 (chiến lược hành động). Dự kiến, tháng 6-2020 ban hành chiến lược hành động. Đồng thời đang thực hiện rà soát các quy hoạch để điều chỉnh phù hợp với điều kiện cụ thể, quy luật tự nhiên, chủ động thích ứng với BĐKH. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng BĐKH, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế vườn và kinh tế biển theo hướng gắn với diễn biến hạn mặn và BĐKH.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập, quan điểm thích ứng với BĐKH từ các bộ, ngành Trung ương đến địa phương luôn gắn với phát triển bền vững, tăng khả năng chống chịu của hệ thống xã hội và tự nhiên, tận dụng các cơ hội do BĐKH mang lại và bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN