Xã đoàn Thạnh Phú Đông: Quan tâm tạo việc làm cho thanh niên

21/09/2018 - 08:00

Tư vấn xuất khẩu lao động tại xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm). Ảnh: CTV

Tư vấn xuất khẩu lao động tại xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm). Ảnh: CTV

Thạnh Phú Đông là một xã vùng sâu thuộc tiểu vùng III của huyện Giồng Trôm. Thời gian qua, trong vai trò thủ lĩnh đoàn tại địa phương, anh Nguyễn Minh Trung - Bí thư Xã Đoàn đã có giải pháp nắm chắc tình hình và lực lượng đoàn viên, thanh niên (TN) địa phương, sâu sát với đối tượng. Qua đó, xây dựng kế hoạch, giải pháp hỗ trợ phù hợp. Anh cho biết:

- Toàn xã có 3.165 TN, trong đó nữ là 1.574. Có trên 1.838 TN đi làm ăn xa và thường xuyên đi làm theo mùa vụ, còn lại 1.327 TN có mặt tại địa phương. TN trong hộ nghèo là 48, TN làm chủ hộ nghèo 25. Từ đầu năm 2017, mặc dù Xã Đoàn là đơn vị hoạt động khá mạnh nhưng các phong trào chưa thật sự nổi bật, TN còn ngoài tổ chức nhiều, thực hiện nhiệm vụ theo lối mòn và theo sự chỉ đạo của trên.

Trước tình hình đó, Xã Đoàn cần có một giải pháp mới để nâng chất phong trào đoàn tại địa phương. Trước hết, chúng tôi đã khảo sát nhu cầu trong từng đối tượng. Qua đó, nhận thấy, họ có rất nhiều nhu cầu về học nghề để tận dụng thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập; xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại nước ngoài nhất là thị trường Nhật Bản, cần những mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của TN…

Nắm chắc tình hình, đối tượng và nhu cầu thiết thực trong đoàn viên, TN, chúng tôi đã nhân rộng mô hình kinh tế, đẩy mạnh giới thiệu việc làm và tư vấn XKLĐ, chủ yếu là đi Nhật. Để thực hiện, chúng tôi lồng ghép với các chương trình như giảm nghèo, Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Có thể nói, thông qua đáp ứng nhu cầu việc làm, tạo thu nhập ổn định, giúp đoàn viên, TN thoát nghèo và làm giàu đã giúp họ tin tưởng và ngày càng sôi nổi tham gia phong trào đoàn tại địa phương. Ngược lại, qua phong trào đoàn đã huy động lực lượng tham gia cùng địa phương đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giao thông nông thôn. Hiện tại, Xã đoàn đang nhận quản lý vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền là 4,8 tỷ đồng.

* Xin anh cho biết hiệu quả của việc tư vấn XKLĐ tại địa phương?

- Hoạt động giới thiệu việc làm, mô hình hỗ trợ thoát nghèo thông qua “ngân hàng” dê thực hiện trước đó rất có hiệu quả. Tuy nhiên, đến năm 2017, tư vấn XKLĐ nhận được nhiều quan tâm của đoàn viên, TN. Đây được xem là một điểm nhấn, bước đột phá trong phong trào đoàn nói riêng và trong công tác giảm nghèo tại địa phương.

Về cách làm, Xã Đoàn phối hợp với các ngành và UBND xã đến từng hộ gia đình tiến hành tư vấn về chế độ chính sách, quyền lợi khi tham gia XKLĐ. Tổng hợp danh sách báo cáo về Huyện Đoàn, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện. Sau đó mời trung tâm giới thiệu việc làm và công ty XKLĐ xuống trực tiếp tư vấn. Sau khi TN đã đậu phỏng vấn, Xã Đoàn trực tiếp làm tham mưu hỗ trợ cho các TN tham gia XKLĐ làm các thủ tục và hồ sơ vay vốn… 

Kết quả trong 2 năm 2017, 2018, Xã Đoàn đã phối hợp mở 3 lớp tiếng Nhật tại xã cho 43 TN; trong đó, có 28 TN đã bay sang Nhật, 7 TN chuẩn bị bay, còn 8 TN đang chờ phỏng vấn.

* Xã Đoàn có hướng tiếp tục phát huy hiệu quả này như thế nào, thưa anh?

- Đa số người dân địa bàn nông thôn còn rất khó khăn về kinh tế nên việc vay vốn tham gia XKLĐ còn gặp nhiều khó khăn. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn vay, về chi phí cho TN hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng ưu tiên còn nhiều hạn chế. Vì thế, chúng tôi đề xuất Nhà nước cần có cơ chế mở thoáng hơn để hỗ trợ cho TN được tiếp cận vay vốn 100% chi phí. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông cho mọi người dân được biết về chính sách và quyền lợi khi tham gia XKLĐ. Tìm công ty có pháp nhân, uy tín và có nhiều đơn hàng để cho TN tham gia được dễ dàng hơn.

Hướng tới, chúng tôi triển khai đánh giá rút kinh nghiệm kết quả thực hiện hàng năm nhằm rút ra những hạn chế, thiếu sót để khắc phục. Xã Đoàn sẽ làm tốt công tác tham mưu để duy trì và phát triển các mô hình đồng hành cùng TN phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp để hỗ trợ ngày càng nhiều hơn nữa các hộ TN nghèo, cận nghèo trên địa bàn, nhất là công tác tư vấn XKLĐ, đưa phong trào đoàn tại địa phương ngày càng phát triển, thể hiện được vai trò của tổ chức đoàn trong hệ thống chính trị.

* Xin cảm ơn anh!

Cẩm Trúc (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích