Cha mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của trẻ

08/12/2013 - 17:44
Thạc sĩ Phan Thanh Minh.

Để góp phần phòng tránh bệnh tự kỷ ở trẻ em, người lớn có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là vai trò của các bậc phụ huynh. Sau đây là cuộc phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Khởi với Thạc sĩ Phan Thanh Minh - nguyên Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh.

- PV: Xin bà vui lòng cho biết tự kỷ là gì?

+ Ths sĩ Phan Thanh Minh:

Đó là rối loạn nặng, lan tỏa trong nhiều lĩnh vực phát triển. Kết quả của rối loạn về mặt thực thể thần kinh trong 3 năm đầu đời. Ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của não bộ, tác động đến sự phát triển các lĩnh vực tương tác xã hội và các kỹ năng giao tiếp. Thông thường khởi phát trước 3 năm; trong số ít trường hợp, trẻ phát triển bình thường trong 1-2 năm đầu.

- Nguyên nhân của tự kỷ?

+ Ths PTM: Nguyên nhân của tự kỷ chưa rõ ràng. Có thể do những bất thường về cấu trúc hay chức năng vận hành của não. Các nguyên nhân khác, bao gồm: mẹ bị sốt khi mang thai, tai biến khi sinh nở gây ảnh hưởng đến sự phát triển của não. Ảnh hưởng của môi trường: giữ con quá cẩn thận, không cho ra ngoài, bố mẹ ít tiếp xúc với con...

- Trẻ tự kỷ được thể hiện qua những biểu hiện nào, thưa bà?

+ Bất thường rõ trong giao tiếp mắt nhìn mắt, biểu cảm nét mặt, tư thế cơ thể và điệu bộ. Không tự động đi tìm cách chia sẻ, vui vẻ, thích thú hay các kết quả với người khác. Thiếu sự giao lưu xã hội, không chú ý đến các trẻ em khác. Ít hoặc không chú ý đến các nhu cầu, cảm xúc của người khác. Rối nhiễu về ngôn ngữ: chậm nói, mất khả năng hiểu các câu đơn giản, các phương pháp hay lời nói đùa, lặp ngôn ngữ...

Không biết thực hiện trò chơi giả vờ đa dạng tự phát hay trò chơi bắt chước xã hội. Hành vi, thích thú và hoạt động hạn chế, lặp đi lặp lại, định hình. Hay quan tâm kéo dài đến một bộ phận của các vật (ví dụ mắt búp bê, chơi ô-tô chỉ quay bánh xe...). Có thể tăng năng động, giảm chú ý.

Rối nhiễu có thể rõ ràng ở chỗ chậm hay hoạt động bất thường ở ít nhất một trong các lĩnh vực sau đây trước 3 tuổi: tương tác xã hội, ngôn ngữ, các trò chơi tượng trưng hoặc tưởng tượng.

- Làm thế nào để can thiệp và phòng ngừa bệnh tự kỷ ở trẻ, thưa bà?

+ Giáo dục, với liệu pháp ngôn ngữ thường hiệu quả nhất trong việc giúp trẻ tự kỷ phát triển đầy đủ tiềm năng.

Cách thức giáo dục nên tính đến điểm mạnh, khó khăn và nhu cầu của trẻ.

Một trẻ tự kỷ tiến triển tốt hơn trong môi trường học đường trợ giúp trẻ có khó khăn về giao tiếp hoặc trường đặc biệt dành riêng cho trẻ tự kỷ.

Cha mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc mang đến cho trẻ tình yêu thương, sự hiểu biết và đáp ứng những nhu cầu của trẻ. Cha mẹ cần học sử dụng những chiến lược tương tự hoặc tiếp cận với cách mà giáo viên hay các chuyên gia sử dụng.

- Xin cám ơn bà!

Kim Thanh (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN