Đồng Khởi 1960 - khởi nguồn của lực lượng vũ trang Bến Tre anh hùng

29/12/2009 - 13:29
Súng ngựa trời trong Đồng Khởi. Ảnh tư liệu

Lực lượng vũ trang (LLVT) Bến Tre là đơn vị anh hùng thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Bạo lực vũ trang bắt nguồn từ bạo lực chính trị và ra đời trong cao trào Đồng Khởi 1960. LLVT Bến Tre liên tục phát triển, chiến đấu trưởng thành, chiến thắng vẻ vang qua các giai đoạn của chiến tranh cho đến ngày toàn thắng.

LLVT BẾN TRE RA ĐỜI TỪ CAO TRÀO ĐỒNG KHỞI 1960

Bến Tre chấp hành Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, trong tay không có súng và chưa có LLVT, Đảng bộ Bến Tre chỉ còn 162 đảng viên. Ngày 17-1-1960, Bến Tre khởi đầu đột phá Đồng Khởi ở Mỏ Cày và Châu Thành. Định Thủy được chọn làm xã khởi điểm, tiếp theo lan ra xã Bình Khánh, Phước Hiệp và nhiều xã khác của Mỏ Cày. Quần chúng có sự lãnh đạo đã nổi dậy bằng bạo lực chính trị phá thế kìm kẹp, diệt ác ôn. Sau Mỏ Cày, các huyện khác cũng đồng loạt phát động quần chúng nổi dậy làm chủ xã, ấp với nhiều hình thức phong phú.

Có bạo lực chính trị của quần chúng nổi dậy mới sản sinh ra LLVT. Ngược lại, LLVT vừa là đòn xeo chủ yếu vừa là chỗ dựa vững chắc về niềm tin cho thế tiến công chính trị và binh vận của quần chúng trước sự phản kích ngày càng ác liệt của địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cụ thể là chi bộ tại chỗ, quần chúng giành lại đất đai, thoái tô, xóa tức, khôi phục lại hệ thống chính trị, hình thành thế tự quản của nhân dân. Giải phóng ấp nào, xã nào thì nơi đó tổ chức LLVT tuyên truyền của ấp, của xã. LLVT tương tác cho lực lượng đấu tranh chính trị, là công cụ bạo lực hỗ trợ cho lực lượng đấu tranh chính trị. LLVT đánh tiêu diệt kẻ thù tại chỗ, đồng thời đánh kẻ địch từ bên ngoài can thiệp vào, kiên cường bám trụ tại địa phương, đánh địch và bám chặt trong dân để tồn tại.

Trước tình hình địch phản kích ác liệt, với vài chục súng vừa giành được trên tay địch, Tỉnh ủy chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang tập trung ngay những ngày đầu. Cụ thể thành lập Đại đội 264 (khoảng 4 tiểu đội) ở Mỏ Cày, sau đó tiếp tục hình thành  Đại đội 269 ở Giồng Trôm, hành quân sang cù lao Minh cùng với Đại đội 264 đánh Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến phản kích.

LLVT tuyên truyền hồi ấy được tổ chức ở những nơi nổi dậy, nhưng chủ yếu trang bị súng giả, nghi binh là lực lượng của giáo phái hoặc đơn vị chính quy của miền Bắc về để gây thanh thế. Đó là sự sáng tạo ngay trong những ngày đầu Đồng Khởi. Tỉnh ủy phát động, ai lấy được súng của địch, thì người đó được gia nhập vào bộ đội. Từ đó, có phong trào “ôm hè, bắt hè”, dùng mọi cách gạt địch, giựt súng để được vào bộ đội. Khi có súng nhiều thì tổ chức LLVT đông hơn, mạnh hơn. Huyện nào cũng có từ 1 đến 2 trung đội, xã có từ 2 đến 3 tiểu đội, trang bị từ 1 đến 2 súng và nhiều vũ khí tự tạo.

Song song với tổ chức LLVT, các đoàn thể chính trị xã hội cũng được hình thành và phát triển ở xã, ấp. Ban quân lương ở cơ sở góp sức nuôi quân. Hình thành mạng lưới giao thông liên lạc nối liền giữa ấp với xã và liên xã. Cuối tháng giêng (ĐK đợt 1) ta giải phóng được hàng chục xã ở cù lao Minh và cù lao Bảo.

Đại đội 264 hình thành ở cù lao Minh có 2 tiểu đội trang bị súng, 2 tiểu đội còn lại trang bị từ 1 đến 2 súng, chủ yếu trang bị vũ khí ngựa trời, mã tấu, địa lôi bằng xi-măng.

Vào cuối tháng 2-1960, Đại đội 269 hình thành ở cù lao Bảo, tổ chức và trang bị như Đại đội 264. Đại đội 269 có được 1 trung liên mas, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tự chôn giấu một hầm 5 súng ở xã Thạnh Phú Đông. Khi khui hầm tìm súng thì địch phát hiện, tấn công lấy của ta 4 súng. Bí thư Tỉnh ủy mang được 1 trung liên mas chạy thoát, nhưng không có băng  đạn và thiếu phụ tùng lò xo. Do vậy, sử dụng trung liên mas chỉ bắn nổ từng phát một. Sau này đánh trận ngã tư Châu Bình, diệt tên trung úy Khéo, ta thu được một trung liên mas hoàn chỉnh.

Suốt tuần lễ liên tục phản kích, Đại đội Bảo an cơ động Mỏ Cày không đóng được đồn bót, không lập được tề và hệ thống kìm kẹp, ngược lại bị ta chặn đánh thiệt hại ở sát nách chi khu Mỏ Cày ngày 25-1-1960 và đa số số tề xã, ấp lên quận trả chức. Tháng 2-1960, địch đưa về Mỏ Cày 1 tiểu đoàn Thủy quân lục chiến để đàn áp phong trào. Chúng đóng quân ở xã Phước Hiệp, lập biệt khu Bình Định Phước. Chúng đã bắt bớ, hãm hiếp, giết hại trên 30 quần chúng ở 3 xã: Phước Hiệp, Định Thủy và Bình Khánh. Hàng ngày, chúng hành quân từng trung đội vào các ấp đều bị thế 3 mặt của ta vây tấn công, tạo điều kiện cho LLVT cách mạng liên tục đánh địch. Trung đội vũ trang của huyện có em Trịnh Văn Hiếu 17 tuổi phục kích dùng mã tấu, súng ngựa trời diệt tên trung úy Lương ở xã Bình Khánh, em Hiếu anh dũng hy sinh.

Đầu tháng 3-1960, Tỉnh ủy quyết định điều Đại đội 269 sang Mỏ Cày phối hợp với Đại đội 264 lập kế hoạch tác chiến đánh diệt cho được từ 1 trung đội đến 1 đại đội của Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến ở Phước Hiệp. Hai đơn vị (C264 và C269) phục kích tại ấp Định Hưng (Định Thủy) đánh diệt được 1 đại đội, thu hơn 30 súng, trong đó có 2 trung liên, nhiều tiểu liên và súng tự động của Mỹ. Thắng lớn làm cho bộ đội và đồng bào hết sức phấn khởi.

Sau trận phục kích, địch nhận định ta có khoảng 60 quân và một số Tỉnh ủy viên còn ở trong địa bàn 3 xã: Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp. Ngô Đình Diệm coi đây là ung nhọt của tỉnh Kiến Hòa, tức tốc ra lệnh cho Đại tá Đỗ Cao Trí (sau này là cố Đại tướng) chỉ huy cuộc hành quân qui mô với gần 10 ngàn quân thiện chiến của Sài Gòn (gồm lực lượng thủy quân lục chiến, lính dù, biệt động quân, bảo an của Mỏ Cày và Kiến Hòa, kết hợp hải quân, không quân, pháo binh, thiết giáp…) bao vây nhiều vòng khép kín, thực hành tấn công bằng chiến thuật “quả trám” vào 3 xã nói trên.

Ngay ngày đầu, lực lượng ta chủ động đánh càn 2 trận ở xã Phước Hiệp, làm cho địch thương vong cả đại đội. Các mũi tấn công khác của địch bị dân quân ấp, xã bằng vũ khí thô sơ và bắn tỉa diệt từng tên, đánh suốt ngày. Địch chùn bước, không dám nghênh ngang như lúc đầu. Đánh đến ngày thứ 3 Đại đội 264 hành quân về bắc Mỏ Cày, Đại đội 269 vượt sông Hàm Luông trở về cù lao Bảo. Hai đại đội của ta thoát khỏi vòng vây, tiếp tục hoạt động giải phóng thêm một số xã ở Mỏ Cày và Giồng Trôm…

Địch thực hiện bao vây, tấn công vào 3 xã: Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy đã đốt phá nhà cửa, bắn giết nhân dân làm cho phong trào đấu tranh của quần chúng càng mạnh. Hàng ngàn người dân “tản cư ngược” vào thị trấn, cử đại diện đến dinh quận Mỏ Cày đấu tranh trực diện với BCH cuộc hành quân và Quận trưởng.  Đồng bào chở người bị thương, người chết đến chợ Mỏ Cày đấu tranh đòi địch phải bồi thường, buộc chúng phải nhượng bộ và kết thúc cuộc hành quân sau hơn một tuần lễ. Tỉnh trưởng Lê Ba đồng tình với yêu sách của quần chúng, đòi Đỗ Cao Trí rút quNgô Đình Diệm cách chức tỉnh trưởng Lê Ba, đưa Trung tá Lê Như Hùng về thay với hy vọng dập tắt ung nhọt Kiến Hòa!

Đình Rắn ngày nay, nơi tiêu diệt tổng đoàn dân vệ ở xã Định Thủy
trong Đồng Khởi. Ảnh tư liệu

Qua 2 đợt Đồng Khởi, Bến Tre đã sáng tạo, nâng cao và hoàn thiện thế tấn công 3 mặt, phá thế kìm kẹp của địch, chuyển từ thế thủ sang thế công với phương châm “2 chân, 3 mũi” vững chắc trong phạm vi toàn tỉnh.

Bộ đội huyện Giồng Trôm phục kích tiêu diệt một trung đội biệt kích ở xã Lương Quới, thu hơn 30 súng, có 2 súng trung liên. Bộ đội huyện Bình Đại phục kích diệt 1 trung đội ở xã Vang Quới, thu 8 súng có 1 trung liên. Một tiểu đội du kích ở Thạnh Phú, trang bị bằng mã tấu, phục kích ở ấp Phong (xã Đại Điền) đánh  Tổng đoàn dân vệ đi đàn áp nhân dân, làm chết và bị thương 5 tên, thu 2 súng. Địch điều 1 Đại đội Bảo an của Thạnh Phú đến bao vây, tiểu đội du kích kiên cường chiến đấu đến người chiến sĩ cuối cùng.

Tháng 6-1960, Tỉnh ủy quyết định thành lập Đại đội cơ động của tỉnh với phiên hiệu C261 trên cơ sở C269 và 1 trung đội của C264. Đại đội 261 có đủ 3 trung đội trang bị đầy đủ, mỗi trung đội có 1 tiểu đội hỏa lực với 2 trung liên.

Đại đội 264 hoạt động ở Mỏ Cày, Thạnh Phú, Đại đội 261 hoạt động ở Giồng Trôm, Ba Tri, Châu Thành và Bình Đại, khi có yêu cầu thì Đại đội 261 sang cù lao Minh.

Bến Tre tiếp tục Đồng Khởi đợt II, giải phóng một vùng rộng ở Mỏ Cày, Giồng Trôm, Ba Tri, thu trên 1.000 súng các loại. Bộ Tư lệnh Quân khu 8 quyết định rút 100 khẩu súng, Quân khu đưa hơn 100 đồng chí đến xã Phú Túc, huyện Châu Thành nhận 100 súng vào cuối tháng 9-1960.

Ngày 23-9-1960 ở Châu Hòa, Lương Quới, có cảnh sát Chóng (cơ sở của ta) trong một buổi chiều lấy 3 đồn, thu hơn 100 súng. LLVT và quần chúng có cả gia đình binh sĩ bao vây bức hàng đồn cấp trung đội ở Long Mỹ. Lực lượng cách mạng còn sử dụng gia đình binh sĩ kêu gọi Tổng Khanh và Tổng đoàn Dân vệ ở Thạnh Phú Đông ra hàng, giải phóng một mảng lớn ở Giồng Trôm, hình thành căn cứ liên hoàn nam Ba Tri và nam Mỏ Cày.

Trong năm 1960, Đại đội 261 diệt 3 đại đội Bảo an và biệt kích. Huyện nào cũng xây dựng được từ 1 đến 2 trung đội địa phương quân. Riêng Mỏ Cày đã xây dựng 1 đại đội đánh rất tốt cả 3 hình thức chiến thuật.

Năm 1960, bộ đội địa phương Bến Tre (của tỉnh và huyện) đóng quân ở đâu thì quần chúng ở đó lo bữa ăn cho bộ đội, Ban quân lương đi vận động nhiều ấp không có bộ đội đóng quân thì góp lương thực, thực phẩm. Hội Phụ nữ luân phiên đến nấu ăn phục vụ nuôi quân. Quân trang (quần, áo, nón tai bèo, mùng mền…) đều được nhân dân đóng góp, ủng hộ.

Nguyễn Hữu Vị

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN