Huyện Đoàn Giồng Trôm hỗ trợ đoàn viên thanh niên thoát nghèo

22/05/2012 - 15:53
Đan giỏ cọng dừa giải quyết hàng trăm lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Để giúp các bạn đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thoát nghèo, ổn định cuộc sống, Huyện Đoàn Giồng Trôm đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể và lãnh đạo, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Chính vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo trong ĐVTN trên địa bàn huyện được kéo giảm đáng kể.

Trong thời gian qua, ngoài việc chú trọng đến công tác Đoàn và phong trào thanh niên, Ban Thường vụ Huyện Đoàn Giồng Trôm còn quan tâm đến các hoạt động, phong trào giúp thanh niên phát triển kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống. Qua các phong trào như: “Sáng tạo trẻ”, “Bốn mới”… Huyện Đoàn đã vận động thanh niên chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong nhiệm kỳ 2007-2012, Huyện Đoàn đã phối hợp mở khoảng 200 lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, tập trung ở các lĩnh vực như: kỹ thuật nuôi tôm càng xanh, trồng nấm rơm, cây có múi, cacao; mở nhiều lớp hướng nghiệp… thu hút trên 8.000 lượt TN tham dự. Đặc biệt, khi TN có nhu cầu về vốn để làm kinh tế, Huyện Đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và các đoàn thể tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay.

Anh Đặng Hồng Sơn - Bí thư Huyện Đoàn Giồng Trôm, nhiệm kỳ 2007-2012, cho biết: Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về thiếu vốn sản xuất, Ban Chấp hành Huyện Đoàn đã triển khai thực hiện Đề án 103 về “Hỗ trợ TN học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015”, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện thuận lợi cho ĐVTN vay tín chấp trong thời gian 3 năm, với số tiền từ 7 triệu đến 10 triệu đồng/người. Trong 5 năm qua, Huyện Đoàn đã giúp các bạn ĐVTN trên địa bàn huyện tiếp cận nguồn vốn vay, với số tiền khoảng 14 tỷ đồng, kéo giảm đáng kể tỷ lệ số hộ nghèo là ĐVTN (hiện khoảng 10%). Qua các phong trào đã xuất hiện nhiều gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phát triển kinh tế, như: mô hình trồng ổi không hạt, trồng nấm rơm, dừa dứa, đan giỏ cọng dừa…

Thông qua kênh ủy thác của Đoàn với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ban Chấp hành Huyện Đoàn đã thành lập được 12 tổ tiết kiệm và vay vốn ở 12 xã. Chỉ tính riêng năm 2011, tổng số dư nợ đạt 6,5 tỷ đồng, với 744 hộ TN nghèo vay. Song song với việc tạo điều kiện cho vay vốn, Ban Chấp hành Huyện Đoàn, Xã Đoàn thường xuyên tuyên truyền để ĐVTN có ý thức vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, đồng thời phân công giám sát, theo dõi giúp ĐVTN vay và sử dụng đồng vốn đúng mục đích. Vì vậy, từ khi triển khai chương trình vay vốn đến nay chưa có trường hợp vay sử dụng đồng vốn sai mục đích.

Anh Trần Văn Lên (ngụ tại ấp 4 - xã Thạnh Phú Đông) là một trong những ĐVTN thoát nghèo từ chương trình vay vốn tín chấp của Huyện Đoàn Giồng Trôm. Với số tiền 7 triệu đồng được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh Lên đã sử dụng đồng vốn để mua cọng dừa về đan giỏ, bán ở các thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong năm 2011, trừ hết chi phí, anh Lên thu lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng. Không chỉ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, anh Lên còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại địa phương, với thu nhập bình quân từ 50.000 đồng/người/ngày. Anh Lên chia sẻ: Gia đình tôi thoát nghèo nhờ sự động viên, giúp đỡ của tổ chức Đoàn. Nếu như ĐVTN có chí hướng làm ăn nhưng không có vốn để đầu tư sản xuất thì cũng đành “chịu thua”. Từ mô hình kinh tế đan giỏ cọng dừa, hiện nay, cuộc sống gia đình tôi đỡ hơn rất nhiều. Tôi cũng giải quyết số lượng lớn lao động nhàn rỗi tại địa phương, trong đó có lực lượng ĐVTN.

Từ định hướng giống cây trồng - vật nuôi, mô hình kinh tế, trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật... đến việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho ĐVTN tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp đã góp phần giúp ĐVTN hăng hái hơn trong lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Qua đó, đã thu hút ngày càng nhiều lực lượng TN trên địa bàn huyện tham gia vào tổ chức Đoàn, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện công tác Đoàn và phong trào cách mạng tại địa phương.

Bài, ảnh: Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN