Lắng đọng từ một cuộc thi

10/11/2009 - 08:41
Đại diện Ban Giám khảo hội thi (bìa trái) tặng quà cho thí sinh đoạt giải. Ảnh: T.Quốc

Trang phục áo dài màu sắc rực rỡ, thướt tha, cùng với sự năng động, nhạy bén của từng thí sinh đã góp phần làm cho Hội thi Cán bộ nữ công giỏi năm 2009, (do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức trong hai ngày 15 và 16-10) thêm sôi động. Về dự hội thi có 33 thí sinh là Ủy viên BCH CĐCS, công đoàn viên xuất sắc trong tổng số gần 300 thí sinh trải qua các cuộc thi cấp huyện, thành phố và ngành.

Đặc biệt là có đến 20 thí sinh chọn cùng một chủ đề thuyết trình: Tuyên truyền “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” cho nữ công nhân viên chức, lao động. Lý do mà các chị đưa ra là trong bối cảnh ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, ý nghĩa thiết thực của việc học tập và làm theo tấm gương Bác như được nhân lên gấp bội. Đi vào giải thích tỉ mỉ từng cụm từ trong chủ đề, các chị đã làm toát lên vấn đề - nếu xem tiết kiệm là người bạn trung thành của ta thì tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù nguy hiểm vì nó không mang súng, mang gươm mà nằm trong tổ chức ta để làm hỏng việc của ta. Như Bác đã nói: “Tham ô là trộm cướp, là hành động xấu xa, đê tiện nhất xã hội. Sở dĩ có nạn tham ô, lãng phí là vì bệnh quan liêu, không sát thực tế, coi trọng hình thức, thiếu kiểm tra, cán bộ liên quan đến tham ô, quan liêu có tội như Việt gian”.
Trên cơ sở nhắc lại lời nói của Bác, các thí sinh đã nêu lên phần việc phải làm trên các phương diện. Trước hết là tiết kiệm từ gia đình: phải khéo léo từ bữa ăn cho cả nhà, sao cho đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng không thừa. Khi tổ chức đám tiệc cần cân nhắc, tránh phô trương hình thức. Mua sắm hàng tiêu dùng theo nhu cầu và hưởng ứng tích cực chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Nếu nói tiết kiệm thì không phân biệt là việc nhỏ hay việc lớn. Các chị minh chứng cụ thể bằng việc hàng ngày mỗi người góp nhặt những đồng bạc lẻ cho vào ống heo, khi nhiều người góp lại đã tương trợ nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Chính sự tiết kiệm của người cha, người mẹ trong gia đình đã góp phần làm cho cuộc sống gia đình thêm ổn định, hạnh phúc và là tấm gương để con cháu học tập, noi theo.
Không dừng lại ở gia đình, mà tại cơ quan, đơn vị công tác, mỗi cá nhân phải tích cực thực hiện tiết kiệm, từ việc sử dụng điện thắp sáng, điện thoại, văn phòng phẩm, sinh hoạt phí đến tiết kiệm thời gian như bố trí công việc đúng chuyên môn để hướng đến không lãng phí của công, lãng phí sức lao động, lãng phí thời gian, có điều kiện học tập nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Đặc biệt là không lợi dụng chức quyền lấy của công làm của riêng, đục khoét của nhân dân... Các chị đưa ra minh chứng về lợi ích thiết thực từ việc thực hành tiết kiệm, như: Công đoàn viên ngành Giao thông - Vận tải một năm đã tiết kiệm cho đơn vị 50 triệu đồng. Trường Tiểu học Lương Phú (xã Lương Phú-Giồng Trôm) từ tiết kiệm mà 12 công đoàn viên  tự trang trải kinh phí để học, nâng cao trình độ chuyên môn.
Theo các thí sinh, để "Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu" đi vào cuộc sống,  trước hết người đứng đầu phải gương mẫu, phải xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại cơ quan, đơn vị. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng để nâng cao nhận thức cho từng công nhân viên chức, lao động. Các khoản thu, chi tại đơn vị phải được công khai, minh bạch. Từng công nhân viên chức, lao động tăng cường giám sát lẫn nhau. Trường hợp sai phạm phải kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh và biểu dương gương điển hình; có sự giám sát từ phía quần chúng nhân dân...
Cuộc thi là sân chơi bổ ích để các chị cùng học tập, trao đổi kinh nghiệm để làm giàu thêm vốn kiến thức của mình. Khi trở về đơn vị, các chị vận dụng linh hoạt trong tuyên truyền nâng cao nhận thức công nhân viên chức, lao động để góp phần khẳng định vai trò, vị trí tiên phong của tổ chức công đoàn.

Mai Thy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN