Mít-tinh Ngày Nhà vệ sinh thế giới

23/11/2015 - 07:08

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập (bìa trái) cùng các đại biểu ấn nút phát động hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh thế giới 19-11.

Sáng 21-11-2015, tại Trường THCS Trần Thị Tiết (xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú) đã diễn ra buổi mít-tinh hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh thế giới (19-11). Buổi mít-tinh do UBND tỉnh, Cục Quản lý môi trường y tế (thuộc Bộ Y tế) và Quỹ Unilever Việt Nam - UVF (do Công ty Unilever Việt Nam sáng lập) cùng phối hợp tổ chức. Hơn 500 đại biểu là đại diện bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, người dân, tập thể thầy cô giáo, học sinh xã Giao Thạnh tham dự.

TS Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, thông tin: Tổ chức Y tế thế giới đã chứng minh rằng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh có thể giảm được 32% bệnh tiêu chảy. Ở nước ta, một số bệnh nguy hiểm lây truyền qua đường phân miệng vẫn chưa được khống chế một cách triệt để, có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào như tiêu chảy, tả, lỵ, giun sán, đặc biệt là bệnh tay - chân - miệng trong thời gian gần đây. Nguyên nhân chính bệnh nhân bị mắc phải do phân người phát tán ra môi trường nước, đất, thực phẩm, bàn tay bẩn hoặc qua côn trùng trung gian truyền bệnh. Hơn nữa, công tác vệ sinh môi trường kém làm tăng chi phí khám chữa bệnh, tốn mỗi năm khoảng 780 triệu USD, gây thiệt hại 1,3% GDP. Ngoài ra, làm ảnh hưởng tới sự phát triển của thế hệ con em chúng ta, vì nó là một nguyên nhân chính làm cho tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở Việt Nam lên đến 26%.

Theo TS Liên Hương, vận động toàn dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chấm dứt tình trạng đi tiêu bừa bãi là một trong những giải pháp tận gốc cho vấn đề này. Từ năm 2001, Liên hiệp quốc đã lấy ngày 19-11 hàng năm làm “Ngày Nhà vệ sinh thế giới - World Toilet Organization”, với mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội cũng như của mỗi người dân về tầm quan trọng của nhà vệ sinh. Việt Nam là một trong các quốc gia sớm hưởng ứng sự kiện này. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 45% số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh, đây là một tỷ lệ còn rất thấp so với tỷ lệ chung của toàn quốc (khoảng 65%).

Tại buổi mít-tinh, thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi toàn thể nhân dân trong tỉnh cần có nhận thức sâu sắc hơn nữa về lợi ích sau khi đầu tư xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đó là một hành động bảo vệ sức khỏe và môi trường sống cho mình và cộng đồng. Các tổ chức cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội cần quan tâm và phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác cải thiện vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh, đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ kinh phí cho những hộ nghèo để họ sớm xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Mỗi cán bộ, công nhân, viên chức từ tỉnh đến địa phương là những hạt nhân gương mẫu trong việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh cho gia đình mình.

Buổi mít-tinh này đánh dấu một bước quan trọng trong việc hợp tác giữa cơ quan Chính phủ, tổ chức phát triển và khối tư nhân để cùng nhau đạt mục tiêu về chấm dứt đi tiêu bừa bãi trong thời gian tới, như cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế (tháng 4-2015).

Sau buổi mít-tinh, các đại biểu đã tham quan một số nhà tiêu hợp vệ sinh của Trường Tiểu học Giao Thạnh, trạm y tế xã và một số hộ dân trên địa bàn xã này.

Tin, ảnh: Phương Bình

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích