Mô hình nuôi heo nái để thoát nghèo ở Mỏ Cày Bắc

16/10/2012 - 15:47
Khách tham quan một mô hình nuôi heo ở Mỏ Cày Bắc. Ảnh: CTV

Nhằm tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận được với tiến bộ khoa học kỹ thuật và nguồn vốn Dự án DBRP Bến Tre, Văn phòng Dự án huyện Mỏ Cày Bắc kết hợp với Ban Phát triển các xã: Tân Thành Bình, Tân Thanh Tây và Nhuận Phú Tân xây dựng mô hình nuôi neo nái sinh sản. Mô hình được thực hiện theo phương thức hỗ trợ về con giống, thức ăn và kỹ thuật để tạo điều kiện thiết thực giúp cho một số hộ nghèo thoát nghèo.

Mô hình nuôi heo nái sinh sản ở xã Tân Thành Bình được triển khai từ tháng 6-2011. (7 hộ nghèo được chọn tham gia mô hình). Dự án hỗ trợ tập huấn các kiến thức về cách thức nuôi heo nái sinh sản, từ khâu chuẩn bị chuồng trại, đến kiến thức thú y. Sau khi đã được tập huấn kiến thức, 7 hộ nghèo đầu tiên được hỗ trợ 7 heo giống, thức ăn và thuốc thú y. Sau 6 - 8 tháng, heo nái này được tạo điều kiện gieo tinh từ nguồn giống của các trung tâm phối giống. Sau khi heo nái sinh, mỗi hộ sẽ bàn giao 1 con heo cái giống bằng với số ký ban đầu được nhận từ Dự án cho hộ nghèo tiếp theo. Cứ như vậy mà nhiều hộ nghèo ở xã Tân Thành Bình đang từng bước thoát nghèo.

Đến nay, các hộ tham gia mô hình của Dự án đã được 15 tháng. Các hộ tham gia mô hình chăn nuôi heo nái sinh sản đưa ra nhu cầu và nguyện vọng cho Hội Nông dân và Phụ nữ xã. Chuyên viên Văn phòng huyện kết hợp với thành viên Ban Phát triển xã khảo sát từng hộ gia đình để chọn lọc đúng như nhu cầu của Dự án là hộ nghèo và phải chí thú làm ăn.

Sau khi được Dự án cho mượn heo giống, hỗ trợ một phần thức ăn, cùng với dạy nghề thú y (được cấp giấy chứng nhận hành nghề), 7 hộ nghèo nêu trên đã cập nhật được nhiều thông tin về chăn nuôi. Thay vì cán bộ thú y phải đến hỗ trợ phòng bệnh và tiêm chích cho heo, thì nay các hộ có thể tự tiêm chích và nhận biết dấu hiệu các bệnh lý cũng như dấu hiệu sinh sản của heo để kịp thời có thao tác nhanh chóng và phù hợp để giảm bớt thiệt hại.

Chị Nguyễn Thị Hiền là một trong 7 hộ điển hình nhận heo giống và chăn nuôi khá thành công. Từ khi được Dự án hỗ trợ, nhất là khi tham gia lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi và học nghề thú y do Hội Nộng dân hỗ trợ, có cấp giấy chứng nhận nghề gia đình chị vô cùng phấn khởi. Hiện con heo giống đã sinh sản lứa đầu tiên (được 11 con heo giống từ 60 – 70kg/con, sắp ra chuồng); heo nái đã được gieo tinh lứa thứ 2. Chị vui mừng khi những hộ nghèo tiếp theo được hỗ trợ để cuộc sống đỡ vất vả hơn. Đặc biệt từ khi tham gia lớp tập huấn, gia đình chị cũng đã tìm hiểu học cách làm hầm biogas tránh gây ô nhiễm môi trường. Gia đình chị Hiền là một điển hình cho các hộ trong mô hình làm theo.

Trong 7 heo nái giao cho 7 hộ nghèo, đến nay, có 4 heo nái sinh sản lần 1, tổng số được 43 heo con; 3 heo nái đã mang thai lần 2 và 1 nái đã sinh sản được 9 heo con và 3 heo nái đang trong giai đoạn mang thai lần 1. Đã có 2 heo cái giống được luân chuyển cho 2 hộ nghèo tiếp theo. Và, trong 7 hộ tham gia mô hình có 3 hộ được thoát nghèo.

Năm 2012, mô hình này đã được nhân rộng ra 2 xã dự án khác của huyện: Tân Thanh Tây (6 hộ nghèo), Nhuận Phú Tân (6 hộ). Đây là mô hình rất thiết thực cho hộ nghèo và được duy trì sau khi kết thúc Dự án.

Hộ nghèo của từng xã rất lớn (từ 200 đến 600 người/xã), trong khi mỗi mô hình chỉ khởi điểm từ 6 đến 7 con heo (1 con cho mỗi ấp). Chính vì vậy, những xã nghèo rất mong các Dự án quan tâm và hỗ trợ thêm nguồn vốn để giúp bà con nông dân có điều kiện tiếp thu những kiến thức mới, kỹ thuật mới, góp phần giảm nghèo bền vững đúng như mục đích của Dự án đề ra.

Huỳnh Ngọc Diệu (DPMO Mỏ Cày Bắc)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN