“Biến rác thải thành tiền”

24/12/2018 - 08:12

BDK - Đó là mô hình của Chi hội Phụ nữ ấp An Bình, xã An Thủy (Ba Tri) nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của hội viên. Mô hình tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả thiết thực, vừa bảo vệ môi trường, vừa thu hút chị em phụ nữ tham gia sinh hoạt tổ, hội và đoàn kết giúp nhau trong cuộc sống.

Thành viên của Tổ hội số 5, Chi hội Phụ nữ ấp An Bình gom rác sinh hoạt đóng góp cho tổ.  Ảnh: CTV

Thành viên của Tổ hội số 5, Chi hội Phụ nữ ấp An Bình gom rác sinh hoạt đóng góp cho tổ.  Ảnh: CTV

Tích tiểu thành đại

Thời gian qua, ý thức của người dân về xử lý rác thải chưa cao, tình trạng xả rác bừa bãi dọc tuyến lộ, ven bờ ruộng, kênh mương vẫn diễn ra. Thực tế này khiến việc thực hiện tiêu chí môi trường về xây dựng nông thôn mới đã khó càng khó hơn tại các địa phương. Trước thực trạng đó, tháng 12-2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã An Thủy đã sáng tạo, xây dựng và thí điểm mô hình “Biến rác thải thành tiền” tại Tổ hội số 5, Chi hội Phụ nữ ấp An Bình với 14 thành viên.

Tham gia mô hình, hàng tháng khi sinh hoạt tổ, các thành viên sẽ gom các loại vật dụng bỏ đi của gia đình như: vỏ chai nước ngọt, nước mắm, dầu ăn, thùng giấy, thau, rổ nhựa hư… giao cho tổ trưởng để bán ve chai. Tiền bán được, mỗi chị em trích đóng cho tổ hội trưởng làm quỹ để hỗ trợ các gia đình thành viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh tật và giúp các cháu vượt khó học giỏi. Quá trình gom bán có ghi chép, thống kê và công khai cho chị em cùng biết.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp An Bình Đặng Thị Yến cho biết, khi mới triển khai, chị em phụ nữ còn ngại, sau thời gian, mỗi thành viên đã tích cực phân loại rác thải, thu gom ve chai ngay trong ngăn bếp, trong khuôn viên nhà mình đóng góp cho tổ. Người gom nhiều bán được 20 - 30 ngàn đồng, người ít cũng hơn 5 ngàn đồng/tháng. “Sau thời gian đi vào hoạt động, mô hình đã góp phần nâng cao ý thức của hội viên phụ nữ và cộng đồng khu dân cư. Hiện nay, các chị em phụ nữ trong tổ đã hình thành thói quen hễ thấy chai, lọ vứt đi là nhặt mang về để cuối tháng mang đi họp, đóng góp cho tổ. Việc làm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa và tác động tích cực đến môi trường”, bà Đặng Thị Yến cho hay.

Số tiền thu được của tổ khoảng 200 - 300 ngàn đồng/tháng. Theo quy chế hoạt động của tổ, mỗi thành viên sẽ đóng 2 - 3 ngàn đồng cho tổ, số còn lại các thành viên tích lũy hàng năm. Tuy số tiền tích lũy không lớn nhưng thông qua mô hình, chị em hình thành được thói quen tiết kiệm và quan trọng hơn là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần cùng chính quyền địa phương sớm hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Cô Phan Thị Thu Hà - thành viên của Tổ hội số 5 cho biết, tham gia mô hình “Biến rác thải thành tiền” cô thấy vui và có ý nghĩa. Các thành viên trong tổ gần gũi với nhau hơn, cùng chia sẻ vận động gìn giữ, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, có tiền tích lũy, đóng góp hỗ trợ nhau khi khó khăn.

nhân rộng mô hình

Với cách làm hay, đơn giản, mô hình “Biến rác thải thành tiền” đã nhận được sự hưởng ứng, nhiệt tình tham gia của chị em phụ nữ. Ban đầu mô hình gồm có 14 thành viên, đến nay đã có thêm 24 chị tự nguyện tham gia. Các thành viên còn chủ động tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh, trồng hoa ven đường… tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Hiện mô hình của Tổ hội số 5, ấp An Bình đã được nhân rộng thêm 2 tổ hội: số 6 và số 7 trong ấp.

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã An Thủy Trần Thanh Kỳ, trước đây, do thói quen, người dân thường xả rác ra môi trường. Khi tham gia mô hình, ý thức dần thay đổi theo hướng tích cực. Chị em chủ động giữ gìn vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ và vận động người thân cùng gìn giữ góp phần xây dựng làng xóm xanh, sạch, đẹp. Điều này rất thiết thực, hiệu quả trong thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, thực hiện phong trào của hội. “Dù đạt những kết quả tích cực, nhưng việc nhân rộng mô hình còn chậm. Trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình trên toàn xã để không những hội viên mà mọi người đều hiểu được lợi ích của việc bảo vệ môi trường”, bà Trần Thanh Kỳ cho hay.

Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN huyện Ba Tri Trịnh Thị Hồng Thắm đánh giá, bằng hình thức hoạt động đơn giản, không tốn kém thời gian nhưng mô hình “Biến rác thành tiền” ở An Thủy đã góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường bằng cách phân loại, xử lý rác thải. Từ đó, tạo được cảnh quan môi trường xanh, sạch, thúc đẩy việc hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đồng thời, các thành viên và tổ chức hội có số tiền tích lũy, thông qua đó thu hút sự tham gia sinh hoạt tổ đều đặn hơn, nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ và phong trào của hội.

Chủ tịch Hội LHPN xã An Thủy Trần Thanh Kỳ: Mô hình “Biến rác thải thành tiền” là một trong những mô hình được Hội LHPN tỉnh đánh giá cao, đạt giải II cuộc thi giới thiệu, trưng bày các mô hình, sản phẩm hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong ngày hội Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch - phụ nữ Bến Tre chung tay xây dựng nông thôn mới diễn ra vào tháng 7-2018. Đây là động lực rất lớn để Hội LHPN xã An Thủy tiếp tục triển khai, nhân rộng, sáng tạo mô hình trong thời gian tới.

 Ph. Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích