Báo động việc xả nước thải trực tiếp ra môi trường

05/06/2019 - 07:41

BDK - Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường đang có chiều hướng gia tăng. Nhiều công ty, doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh không tuân thủ các quy định của pháp luật về xử lý nước thải, làm ô nhiễm nhiều khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt, gây bức xúc trong nhân dân. Hành vi này cần được chấn chỉnh và xử lý nghiêm, nhằm trả lại môi trường sống trong lành cho cộng đồng.

Bắt quả tang cơ sở sản xuất cá khô xả thải trực tiếp ra môi trường.

Bắt quả tang cơ sở sản xuất cá khô xả thải trực tiếp ra môi trường.

Gây ô nhiễm môi trường

Kênh Chín Tế, từ phường Phú Khương qua Phú Tân và xã Sơn Đông là một trong những dòng kênh bị ô nhiễm nặng trên địa bàn TP. Bến Tre. Nước dưới kênh đen quánh, bốc mùi hôi thối. Vào mùa mưa, nước loãng ra nên bớt đen và ít bốc mùi hơn. Nhưng mùa nắng thì tình trạng ô nhiễm rất trầm trọng, nước kênh ô nhiễm đến mức không thể dùng để tưới cây. Gần 10 năm trước, đoạn kênh này từng được chính quyền địa phương nạo vét, cải tạo để khắc phục ô nhiễm nhưng hiệu quả không lâu dài.

Thời gian gần đây, nhiều DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở khu vực kênh Chín Tế xả nước thải trực tiếp ra kênh. Thêm vào đó, mật độ dân cư không ngừng tăng lên, phần lớn hộ dân sống trong khu vực cũng xả nước thải ra dòng kênh này, làm cho tình trạng ô nhiễm càng thêm trầm trọng.

Cách đó không xa, kênh Triền Đồng ở Khu phố 4, phường Phú Tân cũng đang bị ô nhiễm nặng. Tương tự kênh Chín Tế, nước kênh đen ngòm và bốc mùi hôi thối. Theo người dân địa phương, tình trạng ô nhiễm chỉ mới xảy ra gần đây do nước thải từ chợ Tú Điền và một số hộ sản xuất, kinh doanh xả trực tiếp ra kênh. Từ khi kênh bị ô nhiễm, cuộc sống của các hộ dân ven kênh bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là mùi hôi thối từ kênh bốc lên. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Khu phố 4, phường Phú Tân cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên phường nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục”.

Cần xử lý nghiêm

Không chỉ TP. Bến Tre, tình trạng ô nhiễm do xả nước thải trực tiếp ra môi trường cũng xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trong đó, huyện Bình Đại là nơi có nhiều công ty, cơ sở chế biến thủy, hải sản xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm.

Ngày 6-11-2018, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh bắt quả tang cơ sở Nam Vương, ở thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại đang có hành vi xả trực tiếp nước thải không qua xử lý ra sông. Đây là cơ sở chuyên sản xuất, mua bán các mặt hàng khô thủy sản. Mỗi ngày, nơi đây phát sinh khoảng 30m3 nước thải. Mặc dù cơ sở có xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng tại thời điểm kiểm tra không được vận hành theo quy định.

Mới đây, người dân Ấp 3, xã Bình Thới, huyện Bình Đại vô cùng bức xúc về việc Công ty Trần Thảo, chuyên thu mua, chế biến thủy, hải sản đặt ống dẫn nước thải trực tiếp vào hệ thống thoát nước công cộng. Từ đó, nước thải chảy vào kênh thoát nước của khu dân cư, gây ô nhiễm, hôi thối trầm trọng. Sau khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, yêu cầu chấm dứt tình trạng vi phạm nêu trên, Công ty Trần Thảo đã thuê xe bồn đổ nước thải ra bờ sông Cửa Đại nhưng bị nhân dân phát hiện báo công an đến lập biên bản xử lý. Hành vi này cho thấy, công ty đã cố tình qua mặt cơ quan chức năng, tìm mọi cách để xả nước thải ra môi trường, bất chấp việc gây ô nhiễm. Do vậy, mong muốn của người dân nơi đây là chính quyền và các ngành chức năng cần xử lý nghiêm, đồng thời có biện pháp giám sát, ngăn ngừa công ty tiếp tục tái phạm.

Ông Lê Thanh Cường, sinh sống tại địa phương bức xúc: “Từ khi Công ty Trần Thảo đi vào hoạt động, mùi hôi thối do nước thải từ công ty xả ra làm người dân xung quanh không thể chịu nổi. Vô nhà, đóng hết cửa vẫn nghe hôi thối. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết triệt để hành vi gây ô nhiễm, để cuộc sống của bà con trở lại bình thường như trước đây”.

Qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cho thấy, hành vi xả nước thải trực tiếp ra môi trường xuất phát từ việc thiếu ý thức bảo vệ môi trường của các chủ công ty, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Để giảm chi phí sản xuất, họ không xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc có xây dựng nhưng không vận hành, rồi dùng mọi thủ đoạn qua mắt cơ quan chức năng và nhân dân địa phương để tuồn lượng nước thải phát sinh trong quá trình chế biến, sản xuất ra kênh rạch, sông hồ. Những hành vi này sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thượng tá Ngô Văn Hai - Phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh khẳng định: “Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các công ty, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về xử lý chất thải. Song song đó, chúng tôi cũng tích cực vận động nhân dân mạnh dạn tố giác những hành vi gây ô nhiễm môi trường để kịp thời can thiệp, xử lý”.

Bài, ảnh: Đăng Khoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN