Bảo vệ thiên nhiên hướng đến phát triển bền vững

06/03/2019 - 08:33

BDK - Từ ngày 21-2 đến 1-3-2019, đoàn chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia đồng bằng Danube, Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng Danube, Romania đã có chuyến công tác tại tỉnh để chia sẻ, thảo luận đi đến thỏa thuận hợp tác thực hiện Dự án “Thành lập thí điểm khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái và Trung tâm tri thức về phát triển du lịch sinh thái tại đồng bằng sông MeKong”. Phóng viên Báo Đồng Khởi đã có cuộc trao đổi với Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia đồng bằng Danube Marian Tudor về một số vấn đề liên quan đến dự án.

Đoàn chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia đồng bằng Danube, Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng Danube, Romania khảo sát thực địa tại biển cồn Bửng (Thạnh Phú). Ảnh:  P. Hân

Đoàn chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia đồng bằng Danube, Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng Danube, Romania khảo sát thực địa tại biển cồn Bửng (Thạnh Phú). Ảnh:  P. Hân

* Phóng viên: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của dự án từ khi triển khai (năm 2016) đến nay và lộ trình trong thời gian tới?

- Ông Marian Tudor: Ý tưởng thực hiện dự án là sáng kiến hợp tác cấp địa phương đầu tiên của Việt Nam với một nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Á - Âu. Dự án từ lý thuyết đến kết quả thực tế không phải dễ dàng. Chúng tôi và các cộng sự tại Bến Tre đã có nhiều cuộc trao đổi thảo luận và nhiều đợt khảo sát thực địa.

Năm 2016, lãnh đạo tỉnh và đoàn chúng tôi chỉ mới định hướng vùng dự án. Trở lại lần thứ 2 vào năm 2017, chúng tôi bàn thêm về phát triển trung tâm tri thức và chính quyền địa phương đã giúp để bố trí đất cho xây dựng trung tâm tri thức. Tôi nhớ trường hợp rất vui về việc chúng tôi đạt được thỏa thuận để tăng diện tích đất cho trung tâm tri thức tại TP. Bến Tre từ 1.000m2 lên 3.000m2. Chủ tịch UBND thành phố đã rất đắn đo trong quyết định này, nhưng cuối cùng cũng đồng ý. Điều này tạo thuận lợi rất lớn cho tỉnh thực hiện dự án trong tương lai.

Kết quả, năm 2016, chúng tôi đã có định hướng cơ bản cho dự án tổng thể; năm 2017 thông qua phê duyệt đề xuất dự án. Thời gian này và sắp tới sẽ đẩy nhanh nghiên cứu khả thi, đồng thời tìm kiếm các nguồn viện trợ. Tuy nhiên, dự án chỉ có thể được triển khai khi có vốn, nên không thể nói trước được thời gian triển khai dự án như mong đợi trong quyết định phê duyệt đề xuất (2020 - 2026) nhưng chúng tôi luôn cố gắng và tin tưởng dự án sẽ thành công vì mục tiêu mang lại lợi ích từ sự phát triển bền vững của tỉnh và tuyên bố chung về khu dự trữ sinh quyển ở khu vực ven biển tỉnh.

* Khi dự án thành công, có những lợi ích nào đối với người dân Bến Tre và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai, thưa ông?

- Dự án có thể mang lại lợi ích ngắn hạn và cả dài hạn cho cộng đồng. Cụ thể, khi phát triển du lịch sẽ mang lại lợi ích kinh tế, người dân sẽ hưởng lợi từ thiên nhiên. Khi môi trường sống được bảo vệ sẽ mang lợi ích lâu dài cho con người. Dự kiến thiết kế Khu vực bảo tồn sinh quyển gồm vùng: lõi, đệm, kinh tế và sinh kế hay còn gọi là vùng kinh tế bền vững. Vùng rừng được bảo toàn hiện nay của tỉnh sẽ vẫn được giữ nguyên và sẽ trở thành vùng lõi trong các khu bảo tồn sinh quyển. Vùng đệm, vùng kinh tế bền vững sẽ cho phép hoạt động kinh tế, hoạt động sinh kế, như vậy người dân có nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế.

Ví dụ như 11 xã đang canh tác nghêu tại 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú hiện nay vẫn tiếp tục được phát triển, vì đó là các hoạt động kinh tế truyền thống, nó sẽ góp phần thu hút du lịch nhiều hơn. Chính vì vậy, lợi ích đầu tiên là có nhiều du khách, giúp người dân tăng thêm thu nhập từ các dịch vụ kèm theo như: ăn uống, nhà nghỉ... Khách du lịch sẽ đòi hỏi hướng dẫn viên, tàu thuyền di chuyển trong suốt chuyến du lịch, điều này tạo được việc làm và thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, cũng sẽ là một thách thức để tìm ra cách đúng và phù hợp nhất để phát triển các hoạt động du lịch, bởi vì các hoạt động du lịch này phải dựa trên điều kiện tự nhiên và sinh quyển của vùng, tức là du lịch phải thân thiện với môi trường và bảo vệ môi trường. Đó là cách mà người dân sẽ hưởng lợi trực tiếp. Ngoài ra, dự án có thể mang lại những lợi ích gián tiếp cho tỉnh cũng như quốc gia. Bởi khi chúng ta bảo vệ và giữ vững môi trường sống tốt là chúng ta đang giữ được môi trường sống cho thế hệ con cháu trong tương lai.

Ông vừa nhắc cách đi đúng và phù hợp, Bến Tre cần có hành động cụ thể nào để phục vụ dự án tiền khả thi để hướng đến phát triển bền vững, thưa ông?

- Sau chuyến đi lần thứ hai cho thấy rõ ràng đã có sự tiếp sức của các lãnh đạo và hệ thống chính trị cho xúc tiến dự án. Đến chuyến thứ ba này, đem đến cho chúng tôi nhận định rằng phía tỉnh nên gấp rút hơn nếu không chúng ta sẽ mất đi cơ hội. Cụ thể, năm trước đó thì không có sự xuất hiện của các dự án điện gió trong khu vực đề xuất của dự án nhưng đến năm nay nó đã xuất hiện. Tỉnh nên quan tâm bảo vệ đến vùng đã được đề xuất trong dự án để đảm bảo đề án thực hiện đúng như đề xuất và đạt được đúng mục đích của dự án trong Khu bảo tồn sinh quyển. Tỉnh phải lưu ý, đấu tranh cho đề án phát triển bền vững thành công chỉ khi tìm ra cách bảo vệ thiên nhiên và phát triển kinh tế tốt hơn. Phải hiểu rằng, phát triển kinh tế bền vững phải luôn luôn thông qua bảo vệ môi trường thiên nhiên.

* Xin cảm ơn ông!

Phan Hân (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích