Đảm bảo môi trường trong nuôi cá da trơn

02/05/2018 - 07:12

BDK - Ngoài việc mang lại những giá trị kinh tế cho cá nhân, đơn vị nuôi, hệ lụy của việc xả trực tiếp nước, bùn thải chưa xử lý ra nguồn nước mặt trong lĩnh vực nuôi cá da trơn đang tác động lớn đến môi trường và hệ sinh thái xung quanh.

Khu vực nuôi cá da trơn tại cồn Tân Mỹ, ấp Phú Tân, xã Phú Túc (Châu Thành).

Khu vực nuôi cá da trơn tại cồn Tân Mỹ, ấp Phú Tân, xã Phú Túc (Châu Thành).

Thách thức môi trường

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh có khoảng 81 cơ sở đầu tư nuôi cá da trơn thâm canh của 23 công ty, doanh nghiệp và 10 hộ cá nhân với tổng diện tích 770ha, sản lượng đạt 185 ngàn tấn/năm. Hộ nuôi tập trung chủ yếu ở huyện: Chợ Lách, Giồng Trôm và Châu Thành. Hầu hết cơ sở nuôi tuân thủ tốt các quy định kỹ thuật và thiết kế ao nuôi, bố trí cơ sở chứa nguyên vật liệu, nhà vệ sinh tự hoại và dụng cụ, thiết bị dùng trong nuôi cá da trơn; quản lý tốt rác thải trong sinh hoạt, bao bì của các sản phẩm sử dụng trong cơ sở nuôi được thu gom cho vào nơi chứa và xử lý đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Buội - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả kiểm tra tại các cơ sở nuôi hầu hết chưa chấp hành tốt các quy định nước thải trong ao nuôi. Cụ thể, không có kết quả chứng minh các thông số của nước thải đảm bảo đúng theo quy định, các hộ nuôi không ghi chép đầy đủ các thông số trong quá trình xử lý nước thải. Ngoài ra, còn khoảng 30% cơ sở chưa bố trí xây dựng khu vực chứa bùn thải theo đúng quy định (tối thiểu là 10% tổng diện tích ao nuôi). Một số cơ sở chỉ có hình thức xử lý bùn thải bằng cách cung cấp, tiêu thụ lượng bùn thải trong và sau quá trình nuôi cho các hộ trồng cây ăn trái lân cận.

Tại huyện Giồng Trôm có trên 100ha nuôi cá da trơn với gần 72ha diện tích mặt nước, tập trung ở đất ven 2 tuyến sông Hàm Luông và Ba Lai. Hầu hết khu nuôi không có ao chứa bùn xi-fon (loại bỏ chất thải trong nuôi tôm) đáy ao và xử lý sơ bộ trước khi thải ra nguồn nước mặt. Trường hợp Công ty cổ phần Gò Đàng, mặc dù hồ sơ đăng ký có ao xử lý tuy nhiên thực tế công ty tận dụng để làm diện tích ao nuôi.

Theo các hộ nuôi khu vực nuôi cá da trơn tại cồn Tân Mỹ, ấp Phú Tân, xã Phú Túc (Châu Thành), khi thiết kế đều có ao lắng bùn thải nhưng diện tích nhỏ, không đủ công suất để chứa hết lượng bùn trong khu nuôi nên trong quá trình nuôi, nước thải trực tiếp ra nguồn nước mặt sông Tiền.

Với tỷ lệ ước tính của người nuôi cá, trung bình 1kg cá nguyên liệu thì người nuôi thải ra môi trường 4kg chất thải của cá, cả phần thức ăn dư thừa vào ao nuôi và được thải ra môi trường nước xung quanh. Hàng năm, các cơ sở thu hoạch hàng ngàn tấn cá thì khối lượng chất thải được xả ra môi trường nước là rất lớn.

Cần nâng cao hiệu quả Công tác quản lý

Theo báo cáo của các huyện: Châu Thành, Chợ Lách và Giồng Trôm trong cuộc giám sát về quản lý nhà nước và công tác bảo vệ môi trường (BVMT) của cơ sở chăn nuôi cá da trơn của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, hiện nay tình trạng xả thải ra sông có ghi nhận tại các địa bàn nuôi. Tuy nhiên, do nguồn lực cho công tác BVMT còn khó khăn nên việc BVMT nước mặt khu vực nuôi cá da trơn còn bất cập.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, công tác BVMT khu nuôi trên địa bàn huyện đặt ra nhiều vấn đề: kiểm soát ô nhiễm, giám sát môi trường, điều tra hiện trạng môi trường, quản lý nước thải, rác thải, thanh tra, kiểm tra… Trong khi nguồn lực cho công tác BVMT còn hạn chế, cơ chế, quy hoạch và BVMT chưa đồng bộ với việc phát triển kinh tế - xã hội.

“Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động BVMT chưa được phát huy do vùng nuôi ở khu vực cồn việc đi lại khó khăn, công tác phối hợp với các ngành chưa đồng bộ, có nhiều đơn vị kiểm tra liên quan đến công tác BVMT: quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản thuộc ngành nông nghiệp; điều kiện vệ sinh thú y, công tác BVMT thuộc ngành tài nguyên môi trường nhưng theo quy định chỉ thực hiện 1 lần/năm nên việc phát hiện và xử lý hành vi vi phạm chưa thường xuyên” - Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh cho hay.

Ông Đoàn Văn Phúc - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhận định, thời gian qua, các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; chưa có sự phối hợp nhuần nhuyễn, phân công trách nhiệm cụ thể giữa các cấp, các ngành. Do đó, công tác kiểm tra đối với các cơ sở nuôi cá da trơn chưa được phát huy hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.

“Để khắc phục tình trạng một số cơ sở nuôi cá da trơn xả nước, bùn thải, trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ phối hợp với ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về BVMT. Tăng cường kiểm tra các cơ sở thuộc thẩm quyền cấp tỉnh quản lý, đồng thời thực hiện thẩm định hồ sơ môi trường, đất đai của các cơ sở” - ông Đoàn Văn Phúc cho hay.

Theo ông Đoàn Văn Phúc, UBND huyện nên chỉ đạo các xã không cấp giấy xác nhận các hợp đồng bơm bùn thải giữa cơ sở chăn nuôi và người dân; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động đào đắp, bơm hút, xử lý bùn thải ao nuôi cá da trơn. Từ đó, cùng ngành TN&MT ngăn chặn và khắc phục tình trạng xả thải gây ảnh hưởng môi trường chăn nuôi và sinh hoạt của người dân tại địa phương.

Bài, ảnh: Thiên Di

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN