Hạn mặn ảnh hưởng trên diện rộng

14/02/2020 - 08:29

BDK - Đến thời điểm này, mặn đã xâm nhập toàn tỉnh, tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp. Đối với những nhà vườn có nước trong mương vườn, nội đồng bị nhiễm mặn trên 1%o (có nơi trên 5%o) đã ngừng lấy nước tưới, chấp nhận để vườn cây chịu hạn và áp dụng các kỹ thuật chăm sóc cây trồng mùa hạn mặn.

Hồ Kênh Lấp phục vụ nước sinh hoạt cho hơn 10 ngàn hộ dân trên địa bàn 6 xã huyện Ba Tri.

Hồ Kênh Lấp phục vụ nước sinh hoạt cho hơn 10 ngàn hộ dân trên địa bàn 6 xã huyện Ba Tri.

Nước phục vụ sinh hoạt

Anh Hồ Thới Lộc, sinh sống gần hồ Kênh Lấp, huyện Ba Tri cho biết: Tôi bơm nước trong hồ Kênh Lấp lên sử dụng, những hộ dân gầy đây cũng vậy. Nước trong hồ đang có vị hơi mẳn mẳn nhưng phục vụ sinh hoạt hàng ngày cũng ổn. Chúng tôi không phải tốn chi phí đổi nước ngọt từ nơi khác chở đến. Riêng nước phục vụ ăn uống, tôi dùng nước mưa đã dự trữ. Khu vực ruộng, giồng xung quanh đây, người dân không trồng trọt vì trước đó đã được cảnh báo hạn mặn gay gắt.

Hồ Kênh Lấp đang phục vụ nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân thuộc địa bàn 6 xã của huyện Ba Tri. Anh Nguyễn Văn Quyện - nhân viên Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre Chi nhánh cụm Ba Tri, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý hồ Kênh Lấp cho biết: Thời điểm trước Tết Nguyên đán, độ mặn bên ngoài hồ dưới 1%o, chúng tôi đã mở cống lấy nước vào hồ 2 lần. Thời điểm này, nước trong hồ mặn 1,42%o (số đo trung tuần). “Nước trong hồ có độ mặn trên 1%o là do bên trong hồ, độ mặn sắc lại. Trước đó, đơn vị thi công không xổ nước mặn thường xuyên. Hiện nước trong nội đồng độ mặn cao gấp 3 lần trong hồ và bên ngoài cống Ba Cô là khoảng 18%o”, anh Quyện cho biết thêm.

Theo ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân nước trong hồ Kênh Lấp có độ mặn như hiện nay là do hồ này vốn đã có cả trăm năm nay, độ mặn tồn lưu dưới đáy hồ còn, đơn vị quản lý mới tiếp nhận và đưa vào vận hành trong mùa hạn mặn đầu tiên này nên chưa kịp xổ hết mặn trong hồ. Vào thời điểm này, mùa khô, nắng nóng, nước bốc hơi, nước trong hồ có độ mặn như thế. Khi có nước ngọt lại, hồ sẽ được xổ nước mặn nhiều lần đảm bảo để nước trong hồ sẽ không còn mặn như mùa này.

Ảnh hưởng sản xuất

Chị Phan Thị Thu Thủy, ngụ ấp Đại Định, xã Hữu Định, huyện Châu Thành cho biết, vườn dừa xiêm xanh 2 héc-ta khoảng 7 năm tuổi của chị cũng đang “chịu phép” trước hạn mặn. Mặc dù chị đã thiết kế hệ thống nước đóng mở cho toàn bộ vườn dừa và có hệ thống bơm, tưới tự động nhưng không vận hành được do đóng cống quá trễ, nước mặn đã xâm nhập vào mương. “Phần do chủ quan, phần vì độ mặn tăng cao quá nhanh, tôi không xử lý kịp dẫn đến nước mặn 5%o đã vào trong mương nên không thể tưới cho cây trồng”, chị Thủy nói.

“Bắt đầu khởi động lại từ mùng 6 Tết, công ty nhập những lô hàng đầu tiên của năm mới đã nhận thấy có sự tác động của hạn mặn. Tỷ lệ hàng đạt từ 1,3kg/trái trở lên chỉ đạt 60%, so với trước đó là tỷ lệ đạt trên 90%. Nước mặn ảnh hưởng đến chất lượng trái dừa”, ông Bùi Dương Thuật - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây MeKong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành cho hay.

Ông Thuật lo lắng thời gian tới, dừa sẽ còn tiếp tục nhỏ trái hơn, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, buộc phải bán lại cho thương lái hoặc trực tiếp tiêu thụ thị trường trong nước. Đồng thời, chịu thiệt hại trên 10 ngàn đồng/chục dừa. Thiệt hại là một mặt, vấn đề doanh nghiệp trăn trở là hàng nhập về có tỷ lệ đạt chuẩn quá thấp, không đủ để cung cấp theo hợp đồng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc Hợp tác xã bưởi da xanh huyện Giồng Trôm lo lắng: Hợp tác xã hiện có trên 90 thành viên, với tổng diện tích hàng chục héc- ta bưởi da xanh. Trong đó, còn nhiều hộ có diện tích nhỏ lẻ chưa thiết kế đê bao cục bộ cho vườn hoặc đê bao thấp nên xảy ra tình trạng mặn đã xâm nhập vào mương vườn. Nhiều nhà vườn đã chấp nhận ngừng tưới, ủ gốc vì hết nước ngọt trữ trong mương hoặc vì nước trong mương bị rò rỉ mặn. Đợt triều cường vừa qua, nước ngập tràn bờ khiến nhà vườn càng lo hơn…

Theo ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diễn biến mặn xâm nhập năm nay là phức tạp, nặng nề hơn rất nhiều so với năm 2016. Tuy nhiên, bù lại, nhà vườn đã ý thức tốt việc theo dõi, cập nhật kịp thời các thông tin về hạn mặn; được trang bị kiến thức, kinh nghiệm về chăm sóc cây trồng mùa hạn mặn, có tâm thế chuẩn bị dự trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất, sinh hoạt bằng nhiều mô hình, như: xây hồ, mua bồn chứa, khạp chứa nước, sử dụng túi trữ nước trong mương…

Thông tin dự báo về độ mặn được truyền tải liên tục, thường xuyên với nhiều hình thức, phương tiện. Có nhiều hộ dân đã chủ động trang bị máy đo mặn tại nhà để kiểm tra độ mặn thường xuyên.

Về trường hợp nước mặn tràn bờ do đợt triều cường mới đây, ông Huỳnh Quang Đức cho hay: Có ảnh hưởng nhưng không nghiêm trọng lắm. Nhà vườn cần bình tĩnh, tiếp tục ủ gốc, hạn chế bón phân hóa học, phun thuốc, không tưới thêm nước mặn trên 1%o. Nên tỉa hoa, trái non, bón phân hữu cơ, chờ đến khi mưa xuống, có nước ngọt lại thì xả mặn.

“Khi kết thúc thời kỳ hạn mặn, cần bón phân có nhiều lân, acid humic như phân hữu cơ các loại, super humic DAP, nhằm giảm thiểu độc chất do phèn, mặn, kích thích cây ra rễ mới phục hồi sinh trưởng. Sau khi cây ra tược non được 3 - 4 tuần và có mưa đầu mùa ổn định thì tiến hành chăm sóc bón phân bình thường trở lại.”, ông Huỳnh Quang Đức chia sẻ.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích