Hành trình vươn lên của ngành thủy sản Bến Tre

01/04/2019 - 06:50

BDK - Nhìn lại hành trình vươn lên của ngành thủy sản tỉnh trong thời gian qua thấy rằng ngành thủy sản Bến Tre đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Rừng vàng, biển bạc của ta phải do dân ta làm chủ” và “Ngư dân phải khỏe mạnh hơn nữa mới đi được biển… nghề cá phải đưa máy móc, thiết bị vào. Đảng và Chính phủ sẽ giúp đỡ bà con sắm thuyền lưới tốt hơn để phát triển sản xuất”. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam (1-4-1959 - 1-4-2019), cùng điểm lại những dấu mốc quan trọng và thành quả của ngành thủy sản tỉnh nhà.

Thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: T.Thảo

Thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: T.Thảo

Năm 1975, sau ngày miền Nam giải phóng, những đoàn tàu lưới sỉ của Bến Tre cũng từng bước phát triển chuyển sang đánh bắt ở vùng biển Tây, mỗi năm mang về hàng ngàn tấn cá dùng làm nguyên liệu chế biến nước mắm và cung cấp thực phẩm cho người dân trong tỉnh.

Năm 1982, chiếc tàu lưới quàng khơi đầu tiên được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư đóng mới để vươn ra xa bờ khai thác nguồn lợi phong phú từ biển khơi. Các ngư trường nuôi tôm quốc doanh được thành lập với mô hình nuôi tôm quảng canh xen rừng để khai thác tiềm năng rừng ngập mặn và dẫn dắt phong trào nuôi tôm biển trong tỉnh.

Năm 1984, Công ty liên doanh thủy sản 3 cấp được thành lập tại huyện Bình Đại, thực hiện chương trình đầu tư máy móc, thiết bị dài hạn cho các tàu khai thác thủy hải sản ven bờ và xa bờ, đồng thời bao tiêu sản phẩm để chế biến xuất khẩu.

Năm 1986, các nhà máy chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu lần lượt ra đời tại các huyện Bình Đại, Ba Tri, Châu Thành, thị xã Bến Tre, mỗi năm mang về cho tỉnh hàng chục triệu USD từ thủy sản xuất khẩu.

Năm 1990, các tập đoàn, hợp tác xã quản lý, khai thác nghêu được thành lập, bắt đầu cơ chế quản lý cộng đồng. Đến năm 1997, Bến Tre thực hiện thành công với mô hình hợp tác xã thủy sản kiểu mới, quản lý khai thác nghêu theo cơ chế đồng quản lý.

Năm 1997, sau những thiệt hại về người và của do cơn bão số 5 gây ra, ngư dân Bến Tre và các tỉnh bị thiệt hại đã được Chính phủ hỗ trợ thông qua chương trình cải hoán, đóng mới tàu khai thác xa bờ, hàng ngàn chiếc tàu với công suất cao 120 - 250CV đã được đưa vào sử dụng. Đến năm 2018, tổng số tàu khai thác của toàn tỉnh lên hơn 4.200 chiếc, trong đó có gần 1.200 chiếc tàu khai thác xa bờ, hàng năm đã mang về cho tỉnh hơn 200 ngàn tấn cá, tôm các loại.

Năm 1998, mô hình nuôi tôm sú thâm canh tại Trại thực nghiệm CADET Bình Đại thành công với năng suất 9 tấn/ha đã mở ra phong trào nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trên diện rộng.

Năm 2001, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02/NQ-TU song song với Chương trình 224 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản. Năm 2002, nhà máy FAQIMEX với công nghệ thiết bị hiện đại được Công ty Lâm thủy sản xuất khẩu đầu tư công suất 9.000 tấn năm, cùng đoàn tàu đánh bắt xa bờ 17 chiếc.

Năm 2006, chương trình hỗ trợ ngành thủy sản giai đoạn II do Chính phủ Đan Mạch tài trợ đã được Bộ Thủy sản dành cho các tỉnh điểm, trong đó có Bến Tre (gọi tắt là Chương trình FSPS II Bến Tre) đã góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện ngành thủy sản Bến Tre. Năm 2009, nghề nghêu Bến Tre lần đầu tiên được chứng nhận tiêu chuẩn phát triển bền vững MSC (Marine Stewardship Council) của Hội đồng quản lý biển quốc tế, thay mặt cho ngành thủy sản cả nước và khu vực Đông Nam Á chính thức bước vào thị trường tiêu thụ của các quốc gia phát triển trên thế giới.

Năm 2011, Hội Thủy sản tỉnh phối hợp với Hội Phật giáo tỉnh thực hiện chương trình vận động thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vào Ngày truyền thống Nghề cá 1-4 hàng năm. Đến nay, hoạt động được nâng lên thành phong trào thả giống phóng sinh vì môi trường (tổ chức ít nhất 4 lần/năm).

Năm 2015, dự án xây dựng và phát triển thương hiệu tập thể Hội Thủy sản đối với sản phẩm cá khô của làng nghề Bình Thắng (Bình Đại) và tôm khô, cá khô của làng nghề An Thủy (Ba Tri) được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đã phát huy tác dụng. Năm 2018, đề tài xây dựng chuỗi liên kết nghêu bền vững do Dự án AMD Bến Tre tài trợ cho Công ty CPTS Hưng Trường Phát và Hợp tác xã Thủy sản Đồng Tâm phối hợp thực hiện đã góp phần nâng cao quyền lợi của bà con xã viên và thúc đẩy sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào thị trường các nước EU...

Năm 2017, Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác “thả giống phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản”. Phong trào này đã được sự hưởng ứng tích cực của phật tử trong và ngoài tỉnh. Thay mặt Hội Thủy sản tỉnh, xin được chuyển lời kêu gọi tiếp tục hưởng ứng tích cực các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, phóng sinh vì môi trường, tham gia các tổ chức đồng quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ nguồn lợi thủy sản của địa phương nhằm góp phần thúc đẩy nghề cá Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.

Trần Thị Thu Nga (Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh)

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN