Nâng cao hiệu quả tuyên truyền về tài nguyên và môi trường

09/11/2018 - 19:02

Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Phan Hân

Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Phan Hân

Sáng 9-11-2018, tại TP. Cần Thơ, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về TN&MT khu vực phía Nam.

Đến dự có PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, Nhà báo Trung Thanh - Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, cùng đông đảo cán bộ tuyên truyền ngành TN&MT các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Tại hội thảo, các báo cáo viên chia sẻ thông tin về tác động của biến đổi khí hậu đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long; cách tiếp cận tổng hợp để phát triển bền vững; hướng dẫn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông về TN&MT; nâng cao năng lực, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm; lập kế hoạch ngân sách tuyên truyền về TN&MT.

Đại diện lãnh đạo Sở TN&MT TP. Cần Thơ chia sẻ một số hướng dẫn xây dựng nhiệm vụ truyền thông TN&MT hàng năm.

Dịp này, Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT Nguyễn Việt Dũng định hướng tuyên truyền TN&MT trong thời gian tới. Trong đó, tập trung 4 lĩnh vực lớn về: đất đai, quản lý biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh: “Địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, lấy ý kiến cộng đồng về Luật Đất đai. Các quy định về đất đai nếu không có ý kiến người dân trước khi thông qua sẽ rất phức tạp, có thể sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác về an ninh trật tự xã hội. Do đó, cán bộ phụ trách tuyên truyền phải kịp thời thông tin sâu rộng trong dân. Đồng thời, tuyên truyền đưa Nghị quyết 36 của Chính phủ về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào đời sống người dân; giới thiệu các mô hình chuyển đổi hình thức sản xuất phù hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm việc quản lý, xử lý chất thải khu kinh tế, khu công nghiệp, chất nhựa đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân”.

“Truyền thông phải đổi mới phương thức tránh qua loa, hình thức mà phải gắn với cộng đồng. Có thể là sản phẩm bằng kịch có tương tác của người dân để người dân tự hiểu và tự nói lên tác hại của môi trường. Quan trọng truyền thông nâng cao nhận thức của lãnh đạo địa phương, ngay cả lãnh đạo phụ trách lĩnh vực TN&MT. Cần chủ động gắn kết với cơ quan truyền thông tại địa phương nhằm tăng cường tuyên truyền trong nhân dân và trong nội bộ ngành để chính cán bộ, nhân viên ngành là tuyên truyền viên cho gia đình, cộng đồng” - Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT Nguyễn Việt Dũng lưu ý.

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN