Ông Ba Mờ làm “kỹ sư” cơ khí

18/01/2010 - 10:38
Ông Ba Mờ đang chỉ huy thợ làm việc.

Khởi nghiệp từ làm thuê cho chủ ghe đóng đáy, ông Nguyễn Văn Mờ (SN 1949) ở xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, Bến Tre có hơn 45 năm làm bạn cùng sóng biển. Tuổi 61, ông là chủ của sáu chiếc tàu đánh cá xa bờ công suất lớn và đã lo chu đáo nhà cửa, công việc làm ăn cho sáu người con. Với bề dày kinh nghiệm có được, ông Ba Mờ mở một gara chuyên sửa chữa, cải tiến các thiết bị trên tàu đánh cá như cần cẩu, trục bánh trớn, bánh lái…

Theo hướng dẫn của Thiếu tá Phạm Văn Sơn - Trưởng Trạm kiểm soát Biên Phòng Bình Thắng, chúng tôi tới nhà của ông Ba Mờ vào một ngày đầu năm 2010. Trước nhà, có mấy anh thợ  đang say mê làm việc bên máy tiện. Một anh dẫn chúng tôi ra cơ sở nằm phía sau nhà. Đang lúc nước lớn, gió biển lồng lộng thổi vào làm những chiếc tàu trên sông Bình Thắng lắc lư mạnh. Ông Ba đang ở dưới chiếc tàu mới cáu hiệu Trung Lập Thành, chỉ việc cho mấy anh thợ đang loay hoay khoan, dũa. Hôm nay, ông chỉ huy “lính” hoàn tất các khâu kỹ thuật của dàn bánh lái, trục bánh trớn cho hai chiếc tàu đánh bắt xa bờ để ngày mai kịp làm thủ tục đăng kiểm. Ông cho biết: “Tôi mở cơ sở này chủ yếu để sửa chữa, làm đồ cho tàu nhà. Những lúc rảnh rỗi mới dành thời gian làm cho bạn bè thân”.  Miệng nói, tay trái của ông cầm một ống sắt (to bằng cổ chân, dài khoảng 2 mét) nâng lên rồi khoèo tay phải (bị cụt mất nửa cánh) vào phụ đỡ và nhẹ nhàng đặt lên vai đem để ở góc sân. Bấy giờ tôi mới có dịp quan sát xung quanh. Nhà sau (dùng làm xưởng) này khá rộng với đủ các thiết bị dùng để khoan, cắt, hàn… như một phân xưởng cơ khí nhỏ. Kể chuyện mở gara, ông Ba bộc bạch: “Tôi có ý định mở xưởng này từ lâu nhưng do trước đây điện yếu quá, làm không được. Giờ thì… điện mạnh phà phà, làm khỏe re”. Gia đình ông có ba cặp cào đôi (6 chiếc tàu) đánh bắt xa bờ. Mỗi khi cần sửa chữa, phải đem tàu tới gara nhờ người khác làm, vừa mất nhiều thời gian vừa tốn nhiều tiền lại không như ý. Thế là, ông Ba quyết tâm làm gara để tự tu sửa tàu nhà mỗi khi cập bến.  Sau khi mua sắm máy tiện, khoan, hàn… cùng những vật dụng cần thiết khác (khoảng  300 triệu đồng), ông Ba thuê thợ và tự mình là “chỉ huy trưởng”. Kinh nghiệm dày dặn trong nghề làm biển cùng tính cẩn thận, tỉ mỉ đã giúp ông chỉ vẽ, thiết kế kỹ thuật cho “lính” làm ngọt xớt. Hàng ngày, “xưởng” của ông Ba có trên mười lao động làm việc, được chủ bao luôn cơm, nước; thợ chính được trả 4 triệu đồng/tháng, thợ phụ được trả  2,5 triệu đồng/tháng. Tôi hỏi: “Trước đây, chú Ba có học qua nghề cơ khí?”. Ông cười khà khà: “Tôi mới học có lớp bốn, lớp năm trường làng. Hồi đó, chiến tranh… khổ lắm, làm gì được ăn học cao, kinh nghiệm đã giúp tôi làm được”. Bấy giờ, ông Bảy Việt, chủ tàu Trung  Lập Thành mới xen vào: “Ở xã Bình Thắng, anh Ba nổi tiếng là người mát tay làm cơ khí cho tàu đánh cáù. Chẳng hạn như việc đặt bánh lái tàu hoặc cần cẩu, nhờ anh Ba hướng dẫn kinh nghiệm nên khi lắp đặt xong chạy rất êm” . Ông Bảy Việt cho biết, cánh tay phải của ông Ba bị đứt mất một nửa là do bị trái nổ trong một lần đi đốn củi ở rừng Thừa Đức vào cuối năm 1975. Trước đây, gia đình ông Ba Mờ rất nghèo, phải đi đốn củi về bán kiếm sống. 

Xuất thân từ  một gia đình nghèo ở Thừa Đức (Bình Đại), mới 14 tuổi đầu ông Ba đã đi biển làm thuê cho một ghe đóng đáy. Đức tính cần mẫn, ham học hỏi đã giúp ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp lẫn vốn liếng. Năm 1985, ông làm chủ được một chiếc ghe cào nhỏ (trị giá theo thời điểm này khoảng 7-8 lượng vàng) đánh bắt bằng phương thức thủ công, sáng ra khơi đến chiều thì về. Trên ghe chỉ có ba người, ông Ba là chủ kiêm luôn tài công cùng hai người bạn đi biển. Nhờ kinh nghiệm nhiều năm nên mỗi lần ông “xuất quân” đều đạt năng suất cao. Vậy mà, có lần vợ con phải khóc sưng cả mắt vì không thấy ông trở về, đây cũng chính là kỷ niệm sâu sắc nhất đời làm nghề biển. Ông Ba Mờ xúc động: “Có lần, tôi với anh Nguyễn Thành Lợi (Năm Lợi) hùn lại cào đôi. Kỳ thật, cào trúng tôm bạc vô số, gấp ba, bốn ngày thường. Tụi tôi miệt mài đánh bắt, quên cả về. Báo hại, vợ con cả hai nhà tưởng tụi tôi bị tai nạn hay trở ngại gì đó nên cứ khóc lóc, van vái đất trời. Chừng ghe về tới bến, mấy bả mừng quá lại… khóc tiếp”. Giờ đây, tuy tuổi đã ngoài 60 lại là người khá giả nhưng ông không thích ngồi hưởng thụ mà tiếp tục với công việc mình yêu thích. Đây cũng là dịp để ông truyền đạt kinh nghiệm lại cho bạn nghề. Ngoài ra, ông còn tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.

Nhận xét về người làm biển thâm niên này, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại Võ Minh Ngọc nói: “Chú Ba Mờ là một ngư dân dày dặn kinh nghiệm, chịu khó tìm tòi học hỏi và nhạy bén trong cải tiến kỹ thuật. Hàng năm, ngoài đóng góp sản lượng lớn khai thác tôm cá ra, ông còn tích cực hỗ trợ chính quyền địa phương các hoạt động như phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ và các phong trào khác”. Thiếu tá Sơn - Trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Bình Thắng nhận xét: “Tay phải chú Ba chỉ còn nửa cánh nhưng ông rất giỏi việc, người như ông rất hiếm. Gần đây,  chú Ba đã vận động xây dựng cầu tàu Trạm kiểm soát Biên phòng, giúp cho tàu, ghe cập bến dễ dàng và thuận lợi cho công tác kiểm tra của đơn vị”.

Bài, ảnh: HUỲNH ĐỨC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN