Quyền và trách nhiệm của các bên có liên quan đến BHYT

10/07/2009 - 09:07

Từ Điều 33 đến Điều 35 đã đề cập nguồn hình thành quỹ BHYT bao gồm: Tiền đóng BHYT theo quy định của Luật này, tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư của quỹ BHYT, tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn thu hợp pháp khác. Quỹ BHYT được sử dụng, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, chi phí quản lý bộ máy tổ chức BHYT theo định mức. Lập quỹ dự phòng khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 36 nêu quyền của người tham gia BHYT, được lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, được tổ chức BHYT thanh toán chi phí khám bệnh theo chế độ BHYT. Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về BHYT. Từ Điều 37 đến 40 nêu nghĩa vụ của người tham gia BHYT, phải đóng BHYT đầy đủ đúng thời hạn, sử dụng thẻ BHYT đúng mục đích, không cho người khác mượn thẻ, chấp hành các quy định và hướng dẫn của Tổ chức BHYT, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho cơ sở khám bệnh ngoài phần chi phí do quỹ BHYT trả. Quyền của Tổ chức BHYT: Yêu cầu người sử dụng lao động, đại diện của người tham gia BHYT và người tham gia BHYT cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu có liên quan đến trách nhiệm của họ về việc thực hiện BHYT; Kiểm tra, giám định việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT, thu hồi, tạm giữ thẻ, từ chối thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh không đúng quy định của luật này hoặc không đúng với nội dung hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Điều 42, 43, 44 nội dung yêu cầu tổ chức BHYT cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin có liên quan đến người tham gia BHYT, kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia BHYT tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm chất lượng với thủ tục đơn giản, thuận tiện cho người tham gia BHYT. Yêu cầu tổ chức BHYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến chế độ BHYT của người lao động. Kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về BHYT làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.

Điều 46 đến Điều 49 đã đề cập đến vấn đề: Thanh tra, khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm về BHYT. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về BHYT, việc tố cáo và giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về BHYT được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo. Người nào có hành vi vi phạm các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến BHYT thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT, không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật, thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, còn phải đóng tiền lãi trong thời gian chậm đóng theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, nếu không thực hiện, thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng và tiền lãi.

Thanh Long (trích lược)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN