Sàng lọc trước sinh và sơ sinh để nâng cao chất lượng dân số

08/03/2012 - 16:01
Đoàn y, bác sĩ TP. Hồ Chí Minh khám bệnh cho trẻ em ở xã Quới Thành (Châu Thành). Ảnh: T.Long

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã được Đảng, Nhà nước chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện hơn 50 năm qua. Đến nay, các vấn đề về KHHGĐ cơ bản đã được thực hiện và kết quả mang lại rất khả quan. Riêng ở Bến Tre, công tác KHHGĐ đạt kết quả tốt, đạt mức sinh thay thế.

Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ không phải chỉ dừng lại ở việc sinh đẻ có kế hoạch (mỗi gia đình chỉ nên có 1-2 con), mà còn bao hàm các khía cạnh về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho cả nam và nữ, đó là nâng cao chất lượng DS… Đi sâu vào khía cạnh nâng cao chất lượng DS, chất lượng giống nòi có rất nhiều vấn đề cần bàn. Một trong những vấn đề có liên quan đó chính là sàng lọc sơ sinh (SLSS), can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh.

Từ những nghiên cứu về tỷ lệ dị tật bẩm sinh (DTBS) ở Việt Nam và thực tế ở Bến Tre

Theo các kết quả thống kê chưa đầy đủ về tỷ lệ DTBS ở Việt Nam, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (năm 1960), tỷ lệ này là 0,9%; ở tỉnh Sông Bé (năm 1994) tỷ lệ là 2,4%. Kết quả sàng lọc và chẩn đoán trước sinh tại Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) từ năm 2005-2009, số thai phụ khám tiền sản là 21.589 người, trong đó có 8.832 ca DTBS, thai bệnh lý là 8.832, kết quả bất thường nhiễm sắc thể là 357, chấm dứt thai kỳ do DTBS nặng là 5.248. Tổng số dị tật được phát hiện năm 2010 là 1.076 ca/2.869 ca, chiếm tỷ lệ 37,5%/tổng số ca khám.

Tại Bến Tre, ba huyện: Giồng Trôm, Châu Thành và Ba Tri là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có trên 13.000 người tàn tật, trong đó người nhiễm chất độc da cam là 1.472 người, trẻ em tàn tật là 2.251 trẻ.

Mặc dù chưa có nghiên cứu toàn diện về DTBS ở Việt Nam, nhưng qua các nghiên cứu của quốc tế và trong nước, có thể ước tính tỷ lệ DTBS Việt Nam chiếm khoảng 1,5% - 2%/số trẻ sinh ra hàng năm. Vậy, với ước tính trên, ở Bến Tre năm 2010 có 12.692 trẻ sinh ra sống thì trong đó sẽ có khoảng 253 trẻ bị DTBS. Một thực tế đã và đang xảy ra, đó là số trẻ DTBS không phải tất cả đều tử vong sau sinh, mà sẽ có một tỷ lệ nhất định sẽ sống, tích lũy qua nhiều năm, nâng tổng số người bị dị tật ngày càng nhiều.

Đến tầm quan trọng của việc sàng lọc trước và sơ sinh

DS, chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của mỗi gia đình luôn là mối quan tâm của toàn xã hội và của mỗi gia đình. Sinh ra những đứa con khỏe mạnh là nguyện vọng, là yêu cầu chính đáng của mỗi cặp vợ chồng. Song, thực tế không phải cứ cha mẹ bình thường là sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Và để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng trẻ sinh ra mắc những loại bệnh bẩm sinh, dị tật…, công tác SLSS là rất quan trọng. Sàng lọc là việc sử dụng các biện pháp thăm dò đơn giản, dễ áp dụng, có độ chính xác tương đối cao để phát hiện các cá thể có nguy cơ hoặc sẽ mắc một bệnh lý nào đó. Sàng lọc trước sinh được tiến hành trong thời gian mang thai, SLSS được tiến hành ngay trong những ngày đầu sau khi sinh.

Sàng lọc trước sinh là chương trình sử dụng những kỹ thuật thăm dò và xét nghiệm cho các thai phụ có nguy cơ cao nhằm xác định các DTBS của thai nhi để có biện pháp điều trị sớm, hoặc chấm dứt thai kỳ đối với những thai nhi có bệnh lý di truyền hoặc dị tật không khắc phục được.

SLSS là chương trình sử dụng các biện pháp kỹ thuật áp dụng rộng rãi đối với trẻ sơ sinh nhằm phát hiện một số bệnh cần điều trị ngay trong giai đoạn chưa có các biểu hiện lâm sàng.

Ở nước ta, SLSS được thực hiện đầu tiên vào năm 1999 bằng sàng lọc những trẻ suy giáp bẩm sinh. Đến tháng 3-2002, tại TP. Hồ Chí Minh, chương trình này đã được thực hiện đại trà.

Tỉnh đã triển khai Đề án nâng cao chất lượng giống nòi thông qua tuyên truyền vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh giai đoạn 2011-2015, nhằm nâng cao nhận thức về sàng lọc trước sinh và SLSS cho cán bộ và nhân dân của 7 huyện, với 82 xã. Theo đó, chỉ tiêu phải đạt là tổ chức tập huấn triển khai nội dung công tác này (kỹ năng tuyên truyền tư vấn) cho từ 60% - 80% cán bộ y tế tham gia Đề án, 90% các bà mẹ có thai được tuyên truyền, tư vấn. 

Nâng cao chất lượng DS, chất lượng giống nòi là cả một chuỗi các công việc có liên quan mật thiết với nhau từ môi trường sống, thức ăn, đến thực thể mỗi con người… Tất cả đều có chung mục đích: tạo ra một lực lượng lao động xã hội có đủ sức khỏe, tri thức để xây dựng cuộc sống cho chính mỗi cá nhân và xây dựng quê hương ngày một phát triển. Thực hiện tốt việc sàng lọc trước sinh, SLSS chính là góp phần nâng cao chất lượng DS, chất lượng giống nòi.

Lê Thanh An

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN