“Đi học nghề, về làm chủ”

09/01/2019 - 08:35

Là chủ đề chính cho công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh nhà trong năm 2019 và những năm tiếp theo được Tỉnh ủy xác định. Trong những năm qua, công tác XKLĐ được nhiều địa phương quan tâm. Đặc biệt, Ba Tri và Giồng Trôm là hai huyện đứng đầu cả tỉnh về công tác này, góp phần rất lớn cho công tác giải quyết việc làm, thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giàu. Trong đó, nổi bật là “làng XKLĐ” xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri, nhiều thanh niên sau khi XKLĐ về quê đã “khởi nghiệp” thành công, trở thành những “ông chủ”, “bà chủ”.

Dòng họ cùng XKLĐ

Đó là câu chuyện gia đình các anh em của chú Ngô Văn Linh, ấp An Thạnh 1. Chú Linh kể, bắt đầu từ những năm 2000, việc tham gia đi XKLĐ ở nước ngoài đã được nhiều gia đình trong ấp đặc biệt quan tâm. Riêng trong dòng họ của chú, đã có nhiều em, cháu đi lao động ở nước ngoài về và trở nên khá giả, thoát nghèo bền vững. Cụ thể, đầu tiên trong dòng họ thì bà Ngô Thị Mướt có đến 6 đứa con cùng tham gia. Ông Ngô Văn Bê cũng có 4 đứa con đi lao động tại Nhật Bản. Chú Linh và các anh em như Ngô Văn Nê, Ngô Văn Tâm và Ngô Văn Đức mỗi gia đình có 2 - 4 người con đi XKLĐ tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo như lời chú Linh, nhờ công tác tuyên truyền, vận động của các ban, ngành, đoàn thể địa phương cùng với sự quyết tâm, sự động viên tích cực của gia đình nên các con, các cháu đã mạnh dạn tham gia XKLĐ. Điều quan tâm nhất của chú Ngô Văn Linh là không chỉ đi để có được nhiều tiền, thoát nghèo mà hơn hết là “để học nghề”, học được cái hay ở nước bạn về áp dụng để làm giàu cho địa phương như công nghệ, tác phong và môi trường làm việc…

 Hiện nay, chú Ngô Văn Linh có 2 trong 4 người con sau khi về nước đã mở cửa hàng, công ty tại địa phương và TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, có em Ngô Trường Chinh, sau khi XKLĐ ở Nhật Bản, ngoài tấm bằng cơ khí của một trường danh giá tại Việt Nam, em còn nhận được bằng cơ khí do nước sở tại cấp và hiện có công ty riêng tại TP. Hồ Chí Minh. “Bản thân tôi đã luôn động viên con em trong dòng họ cùng đi. Kết quả từ thực tế của mấy anh em đã giúp tôi mạnh dạn hơn trong công tác tuyên truyền, vận động bà con trong ấp cho con em mình đi XKLĐ nên bây giờ ấp này là ấp có số thanh niên đi XKLĐ nhiều nhất xã” - chú Ngô Văn Linh cho biết thêm.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Ngãi Trung, những năm qua, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đã tập trung quyết liệt công tác tuyên truyền, vận động con em tham gia XKLĐ nên đạt kết quả rất cao. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, có hơn 35 em “bay” đi các nước Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó, hai ấp An Thạnh và An Lợi có số con em tham gia đông nhất - mỗi ấp có trên 10 em tham gia. Điều đáng quan tâm hơn, số tiền các em sau 3 năm làm việc ở nước ngoài về, nhiều em đã mạnh dạn đầu tư để “khởi nghiệp” trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thương mại, dịch vụ… khá thành công.

Sau khi có được số vốn, Bùi Thanh Phương đầu tư trồng hơn 6 công đất đậu phộng, 4ha làm nấm.

Sau khi có được số vốn, Bùi Thanh Phương đầu tư trồng hơn 6 công đất đậu phộng, 4ha làm nấm.

Khởi nghiệp làm chủ

Sinh năm 1984, trong hoàn cảnh gia đình khá chật vật, Bùi Thanh Phương ở ấp An Định 2 quyết tâm “đổi đời” bằng việc tham gia XKLĐ tại Nhật Bản từ năm 2010. Ngay sau khi về nước, với số tiền kiếm được sau 3 năm lao động tại Nhật Bản - khoảng 900 triệu đồng, Phương đã mạnh dạn đầu tư thuê 1ha đất để làm nấm, đến nay đã thuê thêm hơn 3ha để làm nấm. Phương cho biết, bình quân một công đất sẽ cho khoảng 2 tấn nấm/vụ (45 ngày/vụ), với giá bán bình quân 45 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, Phương đầu tư trồng hơn 6 công đất đậu phộng, bình quân một công cho khoảng 1 tấn hạt, với giá bán hiện nay là 18 ngàn đồng/kg. Như vậy, nguồn thu nhập của Phương khá cao với hàng trăm triệu đồng. Ngoài làm giàu cho bản thân, Phương còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định cho 10 lao động tại địa phương.

Hay như câu chuyện của Phạm Văn Hải, Ấp 3, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm. Sau 3 năm XKLĐ ở Nhật Bản về, Hải đã bắt tay ngay vào việc thực hiện ước mơ của mình làm nông nghiệp công nghệ cao với mô hình trồng dưa lưới trên phần diện tích hơn 800m2, với 2.000 dây dưa. Tổng mức đầu tư ban đầu hơn 350 triệu đồng. Hải cho biết, hiện nay sản phẩm được bao tiêu, với giá từ 35 - 40 ngàn đồng/kg. Trong năm làm từ 4 - 5 vụ dưa (mỗi vụ từ 60 - 70 ngày), với phần diện tích trên, mỗi vụ dưa đã cho sản lượng hơn 3 tấn, thu nhập ổn định 50 triệu đồng/vụ.

Bùi Thanh Phương và Phạm Văn Hải đều cho biết: Tâm nguyện của 2 bạn sau khi sống và làm việc tại Nhật Bản, vấn đề hàng nông sản sạch, an toàn sức khỏe của người tiêu dùng luôn thôi thúc em đầu tư vào nông nghiệp theo hướng chất lượng cao. Trong thực tế, ở địa phương chưa có mô hình nên em đang rất đắn đo, nhất là vấn đề công nghệ và chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Một shop bán quần áo ở chợ Cái Bông là ước mơ của Phạm Thị Thúy Kiều. Năm 2005, Kiều quyết định cùng chồng tham gia đi XKLĐ tại Nhật Bản. Đến năm 2007, về nước, Kiều thực hiện ngay ước mơ của mình và shop bán quần áo của Kiều tại chợ Cái Bông lúc nào cũng đông khách. “Em còn mua thêm được 5 công đất để trồng dừa. Gia đình em cả dâu, rể ai cũng tham gia XKLĐ. Nhờ đi mà em có được nguồn vốn để mở cửa hàng kinh doanh như bây giờ” - Thúy Kiều cho biết.

Trường Cẩm với công việc hàng ngày tại cơ sở cơ khí của mình tại ấp An Thạnh 1.

Trường Cẩm với công việc hàng ngày tại cơ sở cơ khí của mình tại ấp An Thạnh 1.

Về ấp An Thạnh 1 tìm gặp em Ngô Trường Cẩm, sinh năm 1990, hiện đang có cơ sở hàn sắt, nhôm, inox thi công rất nhiều sản phẩm để phục vụ nhu cầu của bà con nơi đây như nhà tiền chế, bàn, tủ, cổng rào… Trường Cẩm cho biết, sau 3 năm XKLĐ tại Nhật Bản đã giúp em có nhiều kinh nghiệm nâng cao tay nghề của mình. Cái nghề này em đã yêu thích từ rất lâu. Sau khi về nước, em mở ngay cơ sở này. Hiện khách hàng của em rất đông bởi kỹ thuật hàng chuẩn, nhiều mẫu mã đẹp, chất lượng nên được bà con tin dùng.

Bà Đỗ Thị Ngọc Dung cho biết: “Tại địa bàn xã còn nhiều thanh niên sau khi đi XKLĐ về cũng bắt đầu “khởi nghiệp” trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: mở cửa hàng, kinh doanh thức ăn gia súc… và đều rất thành công”.

Hiện nay, ý thức của thanh niên về XKLĐ đã được nâng lên bởi hiệu quả từ thực tế. Năm 2018, chỉ tiêu giao là 800 nhưng đã thực hiện đạt 1.008 lao động. Năm 2019, chỉ tiêu XKLĐ đề ra là 1.200 lao động là có cơ sở. Nhiều địa phương xem công tác này là mũi nhọn cho việc thoát nghèo bền vững, nhất là hai huyện Ba Tri và Giồng Trôm.

(Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Minh Lập)

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN