Nâng cao phúc lợi cho đoàn viên và người lao động

20/09/2017 - 07:54
Chăm lo phúc lợi cho con công nhân lao động.

Toàn tỉnh hiện có 1.173 công đoàn cơ sở, với 78.579 đoàn viên (ĐV). Những năm gần đây, công đoàn (CĐ) đã quan tâm, đẩy mạnh công tác phối hợp trong nâng cao phúc lợi, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho ĐV và người lao động (NLĐ).

 

Hài hòa lợi ích

Theo ông Trần Trung Hào - Phó chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, các cấp CĐ đã tích cực và chủ động nghiên cứu, tham gia với chính quyền và các ngành chức năng góp ý, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam bổ sung, sửa đổi nội dung các văn bản pháp luật, các quy định thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến công nhân, viên chức, lao động và tổ chức CĐ nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và NLĐ. Trong cơ quan, đơn vị, DN, CĐ được tham gia xây dựng, đóng góp chương trình công tác, kế hoạch sản xuất, nội quy, quy chế hoạt động, công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, sắp xếp tổ chức, việc làm và điều kiện làm việc của công nhân lao động.

Hàng năm, CĐ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động trong DN và các chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ. CĐ phối hợp mở các lớp tập huấn công tác bảo hộ lao động, tuần lễ an toàn vệ sinh lao động - phòng, chống cháy nổ, tháng hành động an toàn lao động. Từ đó, công nhân, viên chức, lao động nâng cao nhận thức pháp luật lao động, góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn lao động trong sản xuất.

CĐ tổ chức tư vấn pháp luật trung bình cho hơn 1.174 lượt công nhân, viên chức, lao động/năm nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho ĐV, NLĐ. Hàng năm, có khoảng 455 ĐVCĐ bị xâm phạm về quyền và lợi ích được các cấp CĐ bảo vệ.

Đa dạng hoạt động chăm lo cho ĐV và NLĐ

CĐ thường xuyên quan tâm chăm lo cho ĐV, công nhân, viên chức, lao động khi ốm đau, hữu sự, bệnh, hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn. Đặc biệt, CĐ quan tâm kết hợp hoạt động chăm lo đời sống với thực hiện an sinh xã hội cho ĐV và NLĐ. CĐ phối hợp với chủ DN tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Có 1.421 cán bộ, công nhân, viên chức, lao động được Nhà nước, cơ quan, DN bố trí nhà ở. 38.646 công nhân phải tự thuê nhà ở.

Hiện tiền lương cơ bản của NLĐ trong các DN đạt 3,1 triệu đồng/người/tháng, tiền lương bình quân 4,1 triệu đồng/người/tháng và lương làm thêm giờ từ 25.000 - 40.000 đồng/giờ phụ thuộc vào ngành nghề và tính chất công việc khác nhau mà NLĐ được chi trả. Phần lớn DN trả lương cho NLĐ đúng quy định, chỉ trừ 2 DN nợ lương của NLĐ với số tiền trên 3,2 tỷ đồng. Các DN thực hiện việc mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho 50.928 NLĐ.

Các dự án trồng trọt, chăn nuôi của NLĐ được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thẩm định và giải ngân, với số tiền 950 triệu đồng. Quỹ trợ vốn CEP Chi nhánh Bến Tre đã giải ngân cho 6.970 ĐV và NLĐ vay, số tiền hơn 62 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp CĐ còn quan tâm đến việc thực hiện các chế độ, chính sách cho NLĐ như: trợ cấp nghề nghiệp, trợ cấp thai sản, trợ cấp hưu trí, trợ cấp tử tuất. Công tác chăm lo đời sống tinh thần cũng được các cấp CĐ quan tâm tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động như: họp mặt truyền thống, hội thảo, tọa đàm, hội thi, hội thao, văn nghệ, giao lưu về nguồn. Hầu hết phong trào được tập trung tổ chức từ cấp cơ sở và thu hút đông đảo ĐV, công nhân, viên chức, lao động tham gia.

Hàng năm vào dịp lễ, Tết, các CĐ cơ sở thường tổ chức tặng quà, phối hợp cho NLĐ đi tham quan, nghỉ mát, tham gia các hoạt động giải trí, thể dục, thể thao, hỗ trợ nhà trọ. CĐ hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở, tặng bồn và thùng chứa nước cho công nhân, viên chức, lao động tổng trị giá hàng tỷ đồng.

CĐ ở các đơn vị sự nghiệp còn phối hợp với chính quyền thực hiện phúc lợi tự nguyện thăm hỏi ĐV ốm đau, bệnh tật, với số tiền hơn 1 tỷ đồng/năm; tổ chức hụi tương trợ để giúp ĐV gặp khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Tiếp tục nâng cao phúc lợi cho ĐV và NLĐ

Phát biểu tại buổi tọa đàm nâng cao phúc lợi cho ĐV và NLĐ do LĐLĐ tỉnh phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức vừa qua, ông Trần Trung Hào cho rằng, khó khăn nổi bật hiện nay là việc nắm bắt dư luận, phản ánh tư tưởng, tâm trạng của công nhân lao động trong DN chưa sâu sát. Công tác tuyên truyền chưa đến với đông đảo NLĐ, nhất là nơi chưa thành lập CĐ. Toàn tỉnh hiện có 2.304 DN, với 87.812 lao động. Có 232 DN đã thành lập tổ chức CĐ, với 40.612/45.089 lao động là ĐV. Tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của CĐ chưa đáp ứng được yêu cầu của công nhân, viên chức, lao động. Công tác chỉ đạo, phối hợp nâng cao trình độ chính trị, học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân lao động chưa có giải pháp khả thi. Một số DN thực hiện chế độ, chính sách chưa đúng theo quy định của pháp luật, nhất là việc ký kết hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Hiện có 7 DN nợ bảo hiểm kéo dài, với số tiền trên 10 tỷ đồng, tổng số tiền nợ bảo hiểm chung toàn tỉnh trên 36 tỷ đồng.

Cũng theo ông Hào, giải pháp nâng cao phúc lợi cho ĐV và NLĐ là: CĐ nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, quy chế liên quan đến phúc lợi cho ĐV và NLĐ. Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và đối thoại. Các công trình phúc lợi và thiết chế CĐ cần nâng cao hiệu quả hoạt động. CĐ tiếp tục ký kết và triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác giữa LĐLĐ tỉnh và các đối tác về chương trình phúc lợi cho ĐV và NLĐ. Các DN, chủ DN thực hiện tốt phúc lợi cho ĐV và NLĐ cần được biểu dương, khen thưởng kịp thời.

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp đã nêu, tổ chức CĐ cần thực hiện các nội dung: tập trung công tác tuyên truyền thành lập tổ chức CĐ và phát triển ĐV; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức CĐ. Phối hợp với các đơn vị kinh tế triển khai và thực hiện tốt chương trình phúc lợi cho ĐV và NLĐ; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ có hiệu quả các chính sách đối với NLĐ; phối hợp với chủ DN thực hiện các chế độ, chính sách cho ĐV và NLĐ; phối hợp với cơ quan, chính quyền địa phương nơi DN đang đóng, rà soát số lượng lao động trong DN để thành lập tổ chức CĐ và tổ chức đảng.

“Người sử dụng lao động rất ít khi chủ động đề xuất đưa ra các chế độ phúc lợi mới hoặc tốt hơn cho ĐV và NLĐ. Bởi mục tiêu của DN là lợi nhuận, tối đa hóa lợi nhuận. CĐ phải chủ động đề xuất, thương lượng, thuyết phục người sử dụng lao động bổ sung chế độ phúc lợi mới hoặc nâng cao chế độ phúc lợi hiện hành ở DN cho ĐV và NLĐ. DN thực hiện tốt phúc lợi cho ĐV và NLĐ sẽ tạo động lực làm việc, khơi dậy sự nhiệt tình, tăng năng suất lao động, góp phần đạt mục tiêu sản xuất, kinh doanh của DN” - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lê Văn Quyền nhấn mạnh.

 

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN