Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp

18/05/2018 - 06:33

BDK - Ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu người học, lực lượng lao động qua đào tạo chưa tương xứng yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh. Cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo... Những vấn đề trên đã được nêu lên tại buổi làm việc giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Học viên Trường Trung cấp Nghề Bến Tre tham gia thực hành.

Học viên Trường Trung cấp Nghề Bến Tre tham gia thực hành.

Thực trạng đào tạo nghề

Hiện nay, toàn tỉnh có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 15 cơ sở công lập và 10 cơ sở ngoài công lập. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập gồm có 2 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục nghề nghiệp thuộc tổ chức hội, trung tâm dịch vụ việc làm. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập gồm 1 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp và 8 doanh nghiệp có tham gia đào tạo nghề.

Theo ông Đoàn Hải Nam - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoạt động ổn định, thực hiện đúng quy định trên các lĩnh vực tuyển sinh, đào tạo, cấp văn bằng, chứng chỉ. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập có nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo với số lượng lao động không nhiều; các doanh nghiệp lớn chủ yếu đào tạo lại cho lao động của doanh nghiệp.

Bình quân mỗi năm tỉnh có 18 ngàn người bước vào độ tuổi lao động. Thực tế, việc thu hút các đối tượng vào cơ sở, trung tâm và trường đào tạo nghề còn hạn chế. Hiện nay, tình hình tuyển sinh trình độ cao đẳng giảm, đối với trình độ trung cấp có khởi sắc nhưng chưa thật sự thu hút học sinh, mỗi năm trung bình có khoảng 1,5 ngàn học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở không theo học trung cấp.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Minh Lập - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, chất lượng các trung tâm, trường trung cấp, cao đẳng đào tạo nghề ở tỉnh chưa hấp dẫn để thu hút học sinh đăng ký học nghề tại địa phương. Trung bình mỗi năm có khoảng 2 ngàn học sinh đi học nghề và làm việc ở các tỉnh khác. Nguyên nhân là do tỉnh tăng trưởng việc làm thấp.

Theo đánh giá của ngành lao động - thương binh và xã hội, giáo viên dạy nghề kỹ thuật vẫn còn thiếu về số lượng so với quy mô đào tạo, chất lượng của giáo viên chưa đạt chuẩn còn cao. Toàn tỉnh hiện có 623 giảng viên, giáo viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó phần lớn là giáo viên dạy các môn văn hóa, chỉ có 164 giáo viên đào tạo các nghề kỹ thuật.

Ông Huỳnh Văn Cuộn - Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cho biết, qua khảo sát công tác đào tạo nghề ở các địa phương, hầu hết các trung tâm đều thiếu giáo viên cơ hữu dạy nghề. Công tác tuyển sinh đầu vào rất khó; công tác thanh tra, kiểm tra thẩm định chất lượng, hiệu quả việc làm sau đào tạo còn loãng.

Thực tế, dạy nghề đòi hỏi giảng viên, giáo viên phải có kỹ năng về đào tạo nghề chứ giáo viên sư phạm không thể dạy thế được. Thực trạng thừa và thiếu giảng viên, giáo viên hiện nay phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề. Thậm chí, một số trường đào tạo nghề tuyển sinh theo mã ngành của giáo viên chứ không theo nhu cầu lao động. Chưa kể, cơ sở vật chất, máy móc cũ kỹ không thể đáp ứng cho học viên thực hành nên phần lớn chỉ đào tạo về lý thuyết, do đó học viên ra trường gặp khó khăn trong xin việc làm.

Đổi mới, sáng tạo trong quản lý

Để giải bài toán về chất lượng đào tạo và thu hút học viên tại các cơ sở nghề, bà Nguyễn Thị Bé Mười - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần quan tâm quy hoạch mạng lưới đào tạo, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp. Chỉ đạo các cơ sở sử dụng các trang thiết bị đào tạo cho hiệu quả, tránh trường hợp “đắp chiếu”; quan tâm mã ngành đào tạo, khảo sát nhu cầu để mở ngành mới, đồng thời tăng cường kiểm tra cơ sở đào tạo nghề nghiệp ngoài công lập.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Thị Thu Thảo cho rằng, các trường cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và tuyển giáo viên đào tạo nghề kỹ thuật phù hợp để nâng dần chất lượng đào tạo, uy tín của cơ sở theo hướng đào tạo ngành nghề trọng điểm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần liên kết với doanh nghiệp xã hội hóa đào tạo nghề và giúp giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ; đào tạo chuyên nghiệp hơn, mang tính kinh tế thị trường, tránh đào tạo theo kiểu giải ngân.

Theo Phó chủ tịch HĐND tỉnh, hướng đến mục tiêu 85% người lao động đào tạo có việc làm vào năm 2030, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần đổi mới và mạnh dạn tham mưu UBND tỉnh tinh giảm, sáp nhập các trung tâm hoạt động không hiệu quả để tập trung đầu tư về một đầu mối nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, không nên đầu tư dàn trải. Tập trung đầu tư nâng chất lượng trường trọng điểm lọt vào top trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận. Đồng thời làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nhằm trao đổi, cung cấp nguồn lực, trao đổi thông tin tuyển dụng và đào tạo giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN