Tạo việc làm cho phụ nữ từ nghề thêu tay gia công

27/07/2018 - 07:29

BDK - Khi nhắc đến chị Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Hòa, huyện Châu Thành, nhiều đồng nghiệp cứ xuýt xoa khen ngợi vì chị Vân không chỉ là cán bộ hội trẻ, năng động mà còn có một “đôi tay vàng” thêu thùa rất khéo.

Chị Trần Thị Hồng Vân với công việc thêu tay.

Chị Trần Thị Hồng Vân với công việc thêu tay.

 Tiếng lành đồn xa, nhiều chị em phụ nữ đã đến xin học nghề của chị Vân. Vào những lúc rảnh rỗi, chị vừa chỉ nghề thêu cho chị em, vừa nhận hàng về cho họ gia công để có thêm thu nhập gia đình.

Chị Vân được học thêu tay từ rất bé, khi còn là học sinh tiểu học, trong các tiết học mỹ thuật, năng khiếu của trường. Mặc dù rất yêu thích thêu nhưng chị không chọn con đường thêu thùa để lập nghiệp. “Từ khi học phổ thông đến đi làm, thỉnh thoảng, em vẫn nhận hàng thêu về gia công để vừa kiếm thêm thu nhập vừa thỏa mãn sở thích của chính mình”, chị Vân cho biết.

Năm 2013, Vân bén duyên với công tác Hội Phụ nữ sau khi ra trường với tấm bằng cao đẳng. Trong những lần đi công tác ở ấp, chị nhận thấy còn rất nhiều chị em phụ nữ ở quê mình nhàn rỗi, cuộc sống khó khăn nhưng lại thiếu việc làm. Thông qua công tác hội với phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, năm 2015, chị Vân mạnh dạn tìm nguồn hàng gia công ở TP. Hồ Chí Minh đem về rồi đứng ra vận động và tập hợp chị em phụ nữ đem hàng về nhà để thêu gia công. Ai chưa biết thêu thì chị sẵn sàng hướng dẫn tận tình từ việc cầm cây kim, luồn sợi chỉ, các mũi thêu cơ bản, đến khi nào thêu thành thục. Đối tượng nhận hàng gia công của chị Vân rất đa dạng, ban đầu chủ yếu là các chị em phụ nữ có con nhỏ, nhưng sau này có cả thợ uốn tóc, thậm chí giáo viên mầm non…

Khi được hỏi làm thế nào để có thể sắp xếp được công việc một cách hài hòa như vậy, chị Vân tâm sự: “Với em, công việc ở hội là công việc chính, còn việc thành lập tổ thêu tay thời gian qua đã hỗ trợ cho em trong phong trào hội rất nhiều. Không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ mà còn là chất keo giúp chị em gắn kết với hội nhiều hơn, có nhiều chị em nhờ thêu tay mà biết đến hội và tự nguyện trở thành hội viên rất nhiệt tình”.

Với công việc này, chị Vân chỉ đưa ra mẫu thêu, rồi phân cho chị em lãnh về chứ không trực tiếp thêu nên cũng không mất nhiều thời gian. Hơn nữa, hàng thêu không đòi hỏi thời gian gấp như kết cườm; nếu kết cườm chỉ có thời hạn từ 3 - 4 ngày thì hàng thêu đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế, khéo léo hơn nên thường có thời hạn dao động từ 1 - 1,5 tháng mới giao hàng.

“Lúc đầu tôi đăng ký làm vì muốn kiếm thêm thu nhập và giải quyết thời gian rảnh trong những lúc không có khách nhưng dần dà trở nên yêu luôn cái nghề tay trái này”, chị Giang - một thợ thêu tay hiện cũng đang làm tiệm uốn tóc ở xã Tam Phước chia sẻ. Hay như chị Loan, ngoài công việc làm vườn, chị còn lãnh hàng thêu tay của chị Vân về để tranh thủ mỗi ngày vừa thêu kiếm thêm thu nhập vừa để giải trí thỏa mãn niềm yêu thích.

Hiện tại, tổ thêu của chị Vân đã giải quyết việc làm ổn định, tạo thêm thu nhập cho khoảng 40 chị em phụ nữ trong xã và các vùng lân cận, trung bình từ 1 - 3 triệu đồng/tháng/người. Riêng đối với bản thân chị Vân, thêu tay gia công mang lại thu nhập ổn định cho chị hàng tháng từ 5 - 6 triệu đồng.

Nghề thêu tay gia công đòi hỏi thợ thêu các phẩm chất cần cù, nhẫn nại, khéo léo. Bên cạnh đó cần phải có sự tinh tế, tinh tường, thẩm mỹ cao. Thêu tay gia công có thể được xem là một nghề thủ công truyền thống vẫn đang được gìn giữ giữa xã hội hiện đại ngày nay, góp phần tạo thêm sinh kế cho người nghèo, cận nghèo, giúp giảm nghèo hiệu quả.

Bài, ảnh: Hiền Nguyễn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • Nguyễn quyên Cách đây 20 năm

    Mình cũng muốn học nghề này. Và nhận hàng về làm. Nhưng mình k biết liên lạc với chị như thế nào. Mình ở thạnh Phú<br />