Y tế tuyến huyện, ai quản lý ai?

01/01/2012 - 15:17
Khám bệnh cho người dân nông thôn. Ảnh: T.Long

Trung tâm y tế cấp huyện được tách thành 3 đơn vị: phòng y tế, trung tâm y tế dự phòng và bệnh viện huyện, theo Nghị định số 171 và 172/2004 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 11/2005 giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Mặc dù đã thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng mô hình này vẫn chưa thật sự mang lại hiệu quả, còn gây nhiều khó khăn trong quản lý, điều hành y tế tuyến huyện và cơ sở.

Tách, nhập và…

Theo Thông tư liên tịch số 11/2005, phòng y tế trực thuộc UBND cấp huyện, có chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện, đồng thời, quản lý các trạm y tế cấp xã và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự ủy quyền của Sở Y tế. Những năm đầu mới thành lập, phòng y tế đã quá tải vì nhân viên ít (5-7 người) nhưng phải đảm trách nhiều việc từ quản lý, điều hành nhân lực đến cung ứng vật tư, chi trả lương… Mặt khác, việc phòng y tế quản lý trạm y tế cấp xã cũng không phát huy hiệu quả vì hạn chế về điều kiện và năng lực. Trong khi đó, bệnh viện và trung tâm y tế dự phòng huyện, khi tách ra có thời gian tập trung vào chuyên môn hơn nhưng lại bất cập trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Trung tâm y tế dự phòng có nhiệm vụ triển khai các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về y tế dự phòng, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn và giám sát chuyên môn tại các trạm y tế cấp xã. Nhưng trạm y tế cấp xã lại do phòng y tế quản lý, nên việc đôn đốc và thực hiện các vấn đề về chuyên môn rất khó. Tương tự, bệnh viện huyện cũng không thể chỉ đạo, hỗ trợ nghiệp vụ cho trạm y tế cấp xã vì bệnh viện cũng không quản lý nhân sự ở cấp này.

Phòng y tế quản lý trạm y tế xã nhưng bị hạn chế bởi năng lực và điều kiện. Trung tâm y tế dự phòng huyện hướng dẫn, giám sát về chuyên môn, kỹ thuật nhưng không quản lý về con người. Trước thực trạng này, liên Bộ Y tế - Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 03/2008, chuyển việc quản lý trạm y tế cấp xã từ phòng y tế về trung tâm y tế dự phòng cấp huyện. Mục tiêu của Thông tư này là nhằm tăng hiệu quả trong quản lý, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngay tại cộng đồng. Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Tán - Giám đốc Sở Y tế Bến Tre, dù đã được sửa đổi nhưng sau hơn 3 năm thực hiện theo Thông tư 03, công tác quản lý y tế ở tuyến huyện và cơ sở vẫn bộc lộ nhiều bất cập.

Vẫn chồng chéo chức năng

Trước đây, khi chưa tách thành 3 đơn vị, tất cả mọi hoạt động thuộc lĩnh vực y tế của tuyến huyện và cơ sở đều tập trung ở trung tâm y tế huyện nên việc điều động cán bộ rất thuận tiện. Trong từng trường hợp cụ thể, trung tâm có thể điều cán bộ phù hợp với yêu cầu diễn biến tình hình dịch bệnh trong thực tế, mô hình bệnh tật hay yêu cầu cần thiết theo chương trình y tế quốc gia. Khi thành lập theo Thông tư 03, y tế tuyến huyện chia thành 3 đơn vị, về mặt lực lượng, cách làm này đã phân tán làm 3, trong khi đội ngũ bác sĩ đang rất thiếu. Để thực hiện chức năng tham mưu cho UBND huyện quản lý nhà nước về y tế, phòng y tế phải có từ 1-2 bác sĩ. Trong khi, bệnh viện thực hiện chức năng điều trị; trung tâm y tế thực hiện chức năng làm các chương trình y tế quốc gia, dự phòng và quản lý y tế tuyến cơ sở. Vấn đề này làm cho cả 3 đơn vị đều gặp khó khăn trong điều kiện thiếu nhân sự, đặc biệt là tình trạng thiếu  đội ngũ y bác sĩ như hiện nay. Bệnh viện huyện không có quyền điều bác sĩ ở xã (nếu có phải thông qua hợp đồng, có sự cho phép của trung tâm y tế huyện) và cũng không có chỉ đạo tuyến, hỗ trợ về chuyên môn cho tuyến dưới vì không quản lý mặt nhân sự. Trung tâm y tế huyện làm nhiệm vụ quản lý chương trình, giám sát, phòng, chống dịch, nhưng về chuyên môn thì không thể đủ khả năng như bệnh viện để chỉ đạo cho trạm y tế xã. Điều này dẫn đến bất cập, bệnh viện khó hỗ trợ về chuyên môn cho tuyến xã, còn trung tâm y tế cũng gặp khó nếu cần điều động bác sĩ lâm sàng trong phòng chống dịch hay thực hiện các chương trình. Một cán bộ phòng y tế tuyến huyện chia sẻ: Vai trò của phòng là quản lý Nhà nước về công tác y tế của huyện. Nhưng trong các cuộc họp về chuyên môn, nếu bệnh viện và trung tâm y tế huyện không mời thì cũng khó có sự chỉ đạo thống nhất. Trong khi việc mời hay không mời dự các cuộc họp ở trung tâm hay bệnh viện lại không thuộc quyền của phòng y tế. Vì vậy, việc chỉ đạo, tham mưu công tác y tế ở huyện rất khó khăn.

Ông Ngô Văn Tán cho biết: Mỗi khi triển khai một vấn đề mới, Sở Y tế phải mời hết cả 3 lãnh đạo của các đơn vị này, phải có sự đồng thuận của cả 3 giám đốc thì mới có kế hoạch chung để triển khai, nên rất rườm rà.

Cần có một mô hình hợp lý

Thực tế, không phải riêng Bến Tre mà rất nhiều sở y tế các tỉnh muốn quay lại mô hình trung tâm y tế như trước đây, để tập trung về một đầu mối, có đủ thẩm quyền về quản lý nhân lực, nguồn lực, đặc biệt trong giai đoạn đang thiếu cán bộ y tế trầm trọng như hiện nay. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành y tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010 phải đạt 7 bác sĩ/vạn dân. Nhưng cho đến cuối năm 2010, chỉ mới đạt 4 bác sĩ/vạn dân (riêng Bến Tre đạt 5,6 bác sĩ/vạn dân). Hơn nữa, mô hình một trung tâm y tế ở tuyến huyện sẽ làm cho công việc của đội ngũ bác sĩ toàn diện hơn, vừa thực hiện công tác lâm sàng, vừa tổ chức tuyên truyền phòng bệnh cho cộng đồng.  Khi đó, một bác sĩ sẽ thực hiện việc khám bệnh, tư vấn sức khỏe, đồng thời tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia. “Hiệu quả chưa tách tốt hơn, có mang tính logic trong phân công phân việc. Một người thầy thuốc làm lâm sàng phải biết dự phòng, biết phục hồi chức năng và ngược lại thì mới là thầy thuốc toàn diện. Chỉ có mô hình thống nhất thì mới toàn diện về mặt tổ chức, toàn diện về mặt cá nhân và phát huy hết hiệu quả của nó” - ông Ngô Văn Tán khẳng định.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích