Xây dựng và phát triển Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách

07/06/2019 - 07:06

BDK - Bến Tre là một trong các địa phương điểm của cả nước trong triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó, xây dựng Làng Văn hóa du lịch (VHDL) huyện Chợ Lách để phát triển du lịch (DL) nông thôn được xem là một sản phẩm chủ lực, là biểu trưng cho tính đặc thù của địa phương, hướng tới lợi ích cộng đồng và hợp tác cùng phát triển.

Đại diện “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông bấm nút khởi động Làng VHDL huyện Chợ Lách.

Đại diện “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông bấm nút khởi động Làng VHDL huyện Chợ Lách.

Phát triển xanh và bền vững

Công tác xây dựng Đề án Làng VHDL huyện Chợ Lách đến nay đang trong giai đoạn hoàn thành, với sự tư vấn của các chuyên gia Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Giới thiệu về đề án, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho biết: Về mặt địa giới, phạm vi của làng hiện được chọn gồm 4 ấp thuộc 4 xã của huyện Chợ Lách là: Vĩnh Nam (Vĩnh Thành), Đông Kinh (Vĩnh Hòa), Lân Đông (Phú Sơn), An Hòa (Long Thới), tổng diện tích gần 1.500ha, đi qua các huyện lộ 34, 35, 37 và quốc lộ 57. 4 ấp sẽ là không gian ban đầu để đầu tư hạng mục hạ tầng, xây dựng những điểm nhấn cho làng, còn ý nghĩa thật sự của làng VHDL phải là một không gian mở, gắn với những đặc thù về văn hóa của tỉnh.

Theo đề án, quan điểm xây dựng Làng VHDL trước hết là phải có sự đẩy mạnh liên kết giữa hai ngành nông nghiệp và DL để gia tăng giá trị. Làng VHDL được xem là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, thể hiện nếp sống của người dân địa phương, đồng thời có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố nội sinh (cư dân địa phương) và ngoại sinh (du khách, nhà đầu tư…). “Không phải tại Làng VHDL thì là tất cả người dân đều phải làm DL mà còn phải quy hoạch được sự cân đối giữa các ngành nghề truyền thống của địa phương với làm DL. Đây là yếu tố quan trọng của loại hình DL dựa trên cộng đồng. Trong quá trình xây dựng làng cũng cần hướng đến một không gian xanh bền vững thông qua việc quy định bộ ứng xử, thực hành thân thiện với môi trường”, bà Phương Lan lưu ý.

Trong xây dựng Làng VHDL, để đảm bảo mục tiêu phát triển DL xanh và bền vững, các chuyên gia cũng khoanh vùng thị trường cụ thể là hướng đến đối tượng du khách tầm trung và cao cấp, không nên làm theo hướng phát triển ồ ạt, manh mún, dẫn đến quá tải và ảnh hưởng xấu đến môi trường và cộng đồng địa phương. Một số giải pháp cụ thể mà đề án vạch ra như: xây dựng bộ thuyết minh chuẩn về giá trị văn hóa của làng, xây dựng cơ chế quản lý làng VHDL do người dân vận hành, có ban giám sát độc lập để đảm bảo hoạt động, xây dựng nguồn nhân lực cho các bên liên quan, xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung của làng để đảm bảo hoạt động bền vững, thực hiện liên kết vùng, liên kết ngành…

Vận hành 3 “trụ cột”

 Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo cho rằng, xây dựng Làng VHDL huyện Chợ Lách là bước ngoặt mang tính cách mạng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Chợ Lách nói riêng và tỉnh nhà nói chung. Để đạt kết quả như kỳ vọng về một Làng VHDL xanh và phát triển bền vững, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các yếu tố: có trụ cột mang tính chất đầu vào là đề án được xây dựng bởi sự tư vấn của các nhà khoa học, có sự tham gia của DN đầu ngành; có sự dẫn truyền của hệ thống chính trị địa phương trong triển khai thực hiện và có sự hưởng ứng, khao khát thay đổi của cộng đồng dân cư địa phương.

“Tất cả nội dung đề án từ ý tưởng đến tầm nhìn, cơ chế, chính sách, đầu tư cần được lãnh đạo, chính quyền, đoàn thể địa phương biến thành “máu thịt” của mình để chuyển tải thành năng lượng và khát vọng, nếu không thì đề án chỉ là trên giấy tờ. Nhưng thực hiện được hay không là do cộng đồng dân cư quyết định”, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo nhận định.

Để làm được điều này, con đường phải đi của địa phương trong thời gian tới là tập trung thay đổi tư duy và phương thức sản xuất, thực hiện phương thức sản xuất sạch để tạo nên giá trị cốt lõi, thương hiệu cây giống, hoa kiểng, cây ăn trái Chợ Lách. Cùng với đó là hình thành tư duy và phương thức tổ chức DL theo hướng liên kết và hợp tác cùng phát triển. Quan trọng nhất là phải tuyên truyền cho cư dân để mọi người hiểu được lợi ích của chủ trương xây dựng Làng VHDL.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Phát triển DL cộng đồng ở nông thôn thì yếu tố quyết định vẫn là sự đồng thuận và ủng hộ của người dân ở địa phương để có thể phát huy yếu tố bản địa. Chính quyền địa phương cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, hỗ trợ về đào tạo nhân lực, trọng tâm là phát huy lợi thế bản địa Chợ Lách về văn hóa, lịch sử... trong phát triển DL”.

Tại hội thảo Tiềm năng và giải pháp phát triển Làng VHDL huyện Chợ Lách trên nền tảng phát triển DL nông thôn diễn ra tại trung tâm huyện Chợ Lách vào ngày 5-6-2019, các đại biểu đã thực hiện nghi thức bấm nút khởi động Làng VHDL huyện Chợ Lách. Dịp này, UBND tỉnh và Công ty Du lịch Bến Thành, Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist, Công ty Sài Gòn Asset đã tiến hành ký kết MOU phát triển Làng VHDL huyện Chợ Lách.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích