Cha tự tay hớt tóc cho con trai trong thời gian ở nhà tránh dịch bệnh. Ảnh: Thanh Trâm
Nhiều đường sá trở nên vắng vẻ, ít người. Các khu vui chơi, giải trí ngừng hoạt động. Nhiều quán ăn, cà phê cũng chỉ phục vụ mang về hoặc đóng cửa. Trường học cũng tạm nghỉ. Ai về nhà nấy. Giờ đây, một số người đi chợ rồi nhanh chóng trở về nhà. Một số đến các cơ quan, công ty giải quyết việc cần. Nhiều người tranh thủ lúc đi công việc cần thiết đã chụp lại các bức ảnh “vắng đến lạ” chưa từng có của đường phố và các hàng quán với thời gian nghỉ ngơi “bất đắc dĩ”. Không gian trở nên yên vắng hơn bao giờ hết.
“Dịch bệnh là không ai muốn, nhưng đây là thời gian để chúng ta cùng sống chậm hơn, chăm sóc bản thân mình và gia đình mình nhiều hơn sau bao nhiêu năm bươn chải làm việc, lao động ”, ông Nguyễn Văn Năm, xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre nhận định.
Ban đầu nhiều người khá lo lắng, không biết làm gì để thời gian 15 ngày trôi qua mau nên đã chủ động lên kế hoạch sẵn. Và đến 1.001 việc có ích cho người ở nhà làm ý nghĩa cho bản thân, gia đình, tổ ấm, căn hộ nơi mình sinh sống.
Nhà có hai cháu nhỏ (tuổi mẫu giáo và tiểu học) đang thời gian nghỉ học, chị Bích Trâm (huyện Châu Thành) đã chọn cách giải trí cho con bằng việc tập con đạp xe đạp quanh vườn nhà. Chị cho biết, do nhà ở vườn nên có không gian rộng. Chị nghĩ ra việc tập xe cho bé vừa giải trí và vừa vận động để tránh việc con chơi điện thoại. Bé rất thích và vui. Ở khu vực thành phố, nhà không có nhiều không gian, anh Trọng Thế đã mua một số dụng cụ thể dục thiếu nhi để con tự vận động trong nhà. Một số anh, chị khác lại chọn nhiều cách phù hợp với các bé như: chơi đồ chơi, chơi với thú cưng, ôn tập, đọc truyện…
Là người thích nấu ăn, chị Phương Hiền (TP. Bến Tre) đã tận dụng thời gian này để “trổ tài” làm các món ăn, món bánh mà chị và các thành viên gia đình yêu thích. Anh Đăng Nguyên (TP. Hồ Chí Minh) thì chăm sóc hoa kiểng, đọc sách và làm việc nhà. Một số anh, chị thì chọn thời gian này để dọn dẹp, sắp xếp lại nhà cửa, quan tâm gần gũi nhiều hơn với con cái, cha mẹ, người thân trong cùng một nhà. Số anh chị em là “dân” nghệ thuật, văn chương thì dành thời gian sáng tác các tác phẩm nghệ thuật, văn chương cổ vũ các lực lượng đang tham gia phòng chống dịch; giải trí với nhiều loại hình: đọc sách báo, nghe nhạc, xem tivi, xem mạng xã hội (với những điều tích cực), hay chơi đùa thú cưng, chăm sóc vật nuôi, thể dục thể thao tại nhà để nâng cao sức khỏe…
Một số chị em còn dành thời gian để “chăm sóc sắc đẹp” tại nhà, hoặc nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe, gọi điện thoại thăm hỏi họ hàng, bạn bè. Nhiều người còn lên kế hoạch cho công việc sắp tới được chu đáo, hiệu quả hoặc tham gia một số lớp học online (yoga, ngoại ngữ…).
“Khi nghĩ tới việc ra ngoài đi chơi đâu đó cho khuây khỏa rồi vô tình bị nhiễm bệnh, tôi cảm thấy sợ, vả lại, làm như vậy sẽ “không giống ai”. Vì cả nước đồng lòng chống dịch, mình lại đi lang thang không cần thiết. Tôi và gia đình sẽ cố gắng thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ. Mình không thể làm gì hơn được thì cố gắng ở nhà trong thời gian quy định, góp sức cùng chống dịch hiệu quả”, chị Trần Thị Thanh Trúc, ấp 3, xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre bộc bạch.
“15 ngày cách ly” chống dịch cũng là 15 ngày người dân được kêu gọi ở nhà nhiều nhất có thể, mọi sự đi lại không cần thiết sẽ là nguy cơ lây nhiễm bệnh và sẽ là tác nhân phá hỏng kế hoạch chống dịch mà cả nước đang dồn sức, vất vả để dập dịch. Ở nhà theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ đã được xem là công dân yêu nước. Có gì khó đâu, chỉ là cần một chút ý thức.
Ánh Nguyệt